Tỷ lệ 'nghe' và 'xem' chiếm 50% tổng số người dùng Internet

VOH - Việt Nam có hơn 77 triệu người dùng Internet với trung bình hơn 6 giờ/ngày, nghe radio 45 phút/ngày, nghe podcast 50 phút/ngày.

Tại hội thảo về công tác quản lý trong hoạt động phát thanh truyền hình tổ chức chiều 2/6 tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Hà Yên - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, ngành phát thanh truyền hình có 15.800 nhân sự, với thu nhập bình quân 12,7 triệu đồng/người.

Tổng doanh thu ngành phát thanh truyền hình Việt Nam năm 2022 đạt hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó thu từ ngân sách 4.900 tỷ đồng, thu quảng cáo gần 8.000 tỷ đồng, tài trợ hơn 2.600 tỷ đồng, ông Hà Yên nói.

Việt Nam có hơn 77 triệu người dùng Internet với hơn 6 giờ sử dụng/ngày trên 161 triệu thiết bị thông minh, điện thoại đi động chiếm 94%.

hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo về công tác quản lý trong hoạt động phát thanh truyền hình tổ chức vào chiều 2/6 tại Quảng Ninh - Ảnh: CV

Theo khảo sát, thời gian xem tivi truyền thống là 2 giờ/ngày, xem trên Internet hơn 2 giờ/ngày. Thời gian nghe radio 45 phút/ngày, nghe podcast 50 phút/ngày. Tỷ lệ nghe và xem chiếm khoảng 50% tổng số 77 triệu người dùng Internet.

Dự báo, năm 2024 nguồn thu quảng cáo trên nền tảng số sẽ chiếm 55% thị phần.

Một số lãnh đạo đài phát thanh truyền hình nêu lên những khó khăn bất cập của đơn giá định mức kinh tế kỹ thuật đặt hàng từ ngân sách rất khó khăn cho lộ trình tự chủ tài chính trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng có lợi thế tiếp cận chia sẻ nguồn thu của các đài. Các vấn đề bất cập về các thông tư quản lý nhà nước về lĩnh vực phát thanh truyền hình cũng được lãnh đạo các đài đề nghị.

Vụ phó Vụ kế hoạch tài chính Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Ngọc Hải cho biết, Bộ sẽ kiến nghị điều chỉnh Nghị định 60 về tự chủ tài chính và nghị định về nội dung danh mục dịch vụ công theo hướng mở để các địa phương áp dụng kinh phí đặt hàng thuận lợi cho các đài từ ngân sách nhà nước, nhất là phải phù hợp với xu thế chuyển đổi số các nội dung phát sóng.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, hội thảo kéo dài đến hơn 20h đã thể hiện chất lượng làm việc hiệu quả, có thể xem đây là “cam kết Quảng Ninh” hứa hẹn một sự thay đổi lớn về cơ chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phát thanh truyền hình bằng việc điều chỉnh cụ thể các văn bản pháp luật liên quan, tạo thuận lợi tốt nhất cho các đài phát triển.

Trong tháng 6, Bộ sẽ trình để điều chỉnh danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động phát thanh truyền hình.

Cần phải khơi được năng lượng, động lực làm nghề cần thiết trong đội ngũ những người làm phát thanh truyền hình. Các đài muốn tiếp tục phát triển phải nhanh chóng số hóa nội dung, lan tỏa rộng và mạnh trên nền tảng mạng xã hội để tiếp cận đối tượng công chúng trẻ, không còn sự chọn lựa khác, Thứ trưởng Lâm cảnh báo.