Chờ...

Tin nóng chiều 25/9: Hàng loạt dự án tái khởi động ở TPHCM

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, một số công trình sẽ được khởi động trở lại.

TIN TRONG NƯỚC

TPHCM: Hàng loạt dự án tái khởi động

Hàng loạt công trình, dự án trọng điểm đã phải tạm dừng thi công nhiều năm do chậm trễ trong bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) như: Cầu Tăng Long, Nam Lý, Ông Nhiêu, Vàm Sát 2 và mở rộng đường Lương Định Của, nâng cấp đường Tên Lửa… sẽ được tái khởi động trở lại trong thời gian tới.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TPHCM, thời gian tới, một số công trình sẽ được khởi động trở lại. Trong đó, đáng chú ý là một loạt dự án ở thành phố Thủ Đức như cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng), cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai (tổng mức đầu tư mới 688 tỷ đồng), mở rộng đường Lương Định Của (826 tỷ đồng), cầu Ông Nhiêu (425 tỷ đồng); nâng cấp đường Tên Lửa (400 tỷ đồng), Tân Kỳ - Tân Quý (237 tỷ đồng) ở quận Bình Tân; cầu Vàm Sát 2 (343 tỷ đồng) ở huyện Cần Giờ...

Tin nóng chiều 25/9: Hàng loạt dự án tái khởi động ở TPHCM 1
Hàng loạt dự án trọng điểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ được tái khởi động sau thời gian dài "đắp chiếu" - Ảnh: Báo Tin tức.

Thêm hàng nghìn chỉ tiêu tuyển dụng vào nhiều ngân hàng cuối năm

Bước vào quý cuối năm, nhiều ngân hàng liên tiếp ra thông báo tuyển dụng nhân sự cho nhiều vị trí làm việc trên cả nước. Đáng chú ý, có ngân hàng tuyển dụng đến cả nghìn chỉ tiêu.

Từ đầu năm đến nay, hàng nghìn chỉ tiêu tuyển dụng mới đã liên tục được nhiều ngân hàng công bố như tại: Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)...

Nhu cầu nhân sự ngành ngân hàng tăng cao thời gian qua theo lí giải của một lãnh đạo ngân hàng là bởi nhiều vị trí đã bị khuyết sau đại dịch COVID-19, nhân viên chuyển vị trí công tác hoặc nghỉ việc... Cùng với đó, nhiều ngân hàng cũng đang triển khai mở rộng mạng lưới giao dịch và đáp ứng nhu cầu tín dụng, thanh toán tăng cao mùa cuối năm nên cần thiết phải bổ sung nhân sự cho các vị trí mới.

TPHCM: Giám sát chặt rác thải y tế phát sinh do dịch COVID-19

Theo đó, UBND TP giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động phân loại, lưu giữ, chuyển giao rác thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 và các loại rác y tế nguy hại khác theo những quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ TN&MT. Việc giám sát này được thực hiện ở các cơ sở y tế địa phương, tại hộ gia đình và các khu vực thuộc địa bàn quản lý có hoạt động phát sinh rác thải y tế, không để trộn lẫn với chất thải rắn sinh hoạt thông thường.

Ngoài ra, các địa phương cần chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung theo quy định. Trong đó, chú trọng việc kiểm tra, phân loại, thu gom, bố trí các nguồn lực, tập kết rác, theo dõi thống kê khi chuyển giao rác y tế lây nhiễm...và các yêu cầu khác theo chức năng nhiệm vụ đã được UBND TP phân công trong công tác quản lý rác thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 tại địa phương.

Tin nóng chiều 25/9: Hàng loạt dự án tái khởi động ở TPHCM 2
Rác thải y tế được thu gom - Ảnh: PLO

5 mặt hàng có tốc độ tăng giá trị xuất khẩu lớn nhất nửa đầu tháng 9 năm 2022

Theo Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 9/2022 (1-15/9/2022) của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nửa đầu tháng 9/2022 ước đạt 26,34 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 9/2022 đạt 12,75 tỷ USD.

Trong các mặt hàng xuất khẩu, mặt hàng có tốc độ tăng giá trị xuất khẩu lớn nhất trong nửa đầu tháng 9/2022 là máy ảnh, máy quay phim và kinh kiện với tốc độ tăng đạt 40,48% so với cùng kỳ năm trước. Xếp sau máy ảnh, máy quay phim và kinh kiện là mặt hàng thuỷ sản với tốc độ tăng giá trị xuất khẩu đạt 35,57% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với đó, giày dép; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác và hàng dệt may cũng lọt top 5 mặt hàng có tốc độ tăng giá trị xuất khẩu lớn nhất nửa đầu tháng 9 năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. 

Nghệ An ra chỉ thị cấm cán bộ, công chức can thiệp việc xử lý vi phạm giao thông

Đối với người vi phạm giao thông là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, ngoài việc xử lý theo quy định còn bị gửi thông báo đầy đủ lỗi vi phạm về cơ quan, đơn vị. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh vừa ký Chỉ thị số 19 về việc chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác bảm đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Công an tỉnh Nghệ An chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, ATGT, trọng tâm là các hành vi có nguy cơ gây ra TNGT cao. Trong quá trình xử lý vi phạm giao thông, đối với người vi phạm là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, ngoài việc xử lý theo quy định, phải chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thông báo đầy đủ lỗi vi phạm về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng của người vi phạm để xử lý trách nhiệm theo quy định...

Tin nóng chiều 25/9: Hàng loạt dự án tái khởi động ở TPHCM 3
CSGT, Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên quốc lộ 1A - Ảnh: PLO

Lâm Đồng: Bắt nhóm gây ra hàng loạt vụ trộm xe máy liên tỉnh

Công an huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Đạ Tẻh chặn bắt một nhóm chuyên trộm cắp xe máy trên địa bàn.

Cụ thể, sau khi nhận tin báo, Công an huyện Cát Tiên đã vây ráp và chặn bắt Lê Văn Hoàng (22 tuổi, ngụ huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) và Hoàng Thị Bé (29 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Hoàng và Bé bị bắt giữ khi vừa từ tỉnh Bình Phước qua tỉnh Lâm Đồng trộm 2 chiếc xe máy.

Khai với công an, Hoàng và Bé cho biết để dễ dàng trộm xe, cả hai thường xuyên qua địa bàn huyện Cát Tiên để nắm quy luật hoạt động của người dân, chờ sơ hở là ra tay hành động. Khi đi trộm cắp xe máy, cả hai thường mang theo một em bé vài tháng tuổi để đóng giả là vợ chồng chở con đi chơi nhằm qua mắt người dân và lực lượng công an.

TIN QUỐC TẾ   

Cuộc chiến chống lại khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu 

Trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, chủ yếu thông qua các đường ống với lưu lượng năm ngoái là khoảng 155 tỷ m3. Nord Stream 1 là tuyến đường ống chính vận chuyển khí đốt vào Tây Âu. Lưu lượng khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream 1 sang Đức đã bị giảm tới 40% công suất.

Đức - nước tiêu thụ khí đốt nhập từ Nga lớn nhất châu Âu đã quyết định đình chỉ vô thời hạn quy trình phê chuẩn đường ống Nord Stream 2 vì lý do xung đột ở Ukraine. Đây là đường ống mới, chạy song song với Nord Stream 1, dẫn khí đốt thẳng từ Nga sang Đức. Do cả hai đường ống không hoạt động, Đức nhập khẩu khí đốt từ Anh, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy.

Một số quốc gia đang tìm cách lấp đầy khoảng trống nguồn cung năng lượng từ Nga bằng cách chuyển sang nhập khẩu điện từ những nước láng giềng, hoặc thúc đẩy sản xuất điện hạt nhân, năng lượng tái tạo, thủy điện hoặc than đá.

Tin nóng chiều 25/9: Hàng loạt dự án tái khởi động ở TPHCM 4
Một phần đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức - Nguồn: Reuters

Biểu tình lớn lan khắp Iran

Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở hầu hết 31 tỉnh cũng như các trung tâm đô thị của Iran. Truyền hình Iran dẫn lời Tổng thống Raisi cho biết hôm qua (24/9) như sau: "Iran sẽ giải quyết dứt khoát với những đối tượng chống đối an ninh và sự yên bình của đất nước". Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh sự cần thiết phải phân biệt giữa biểu tình và gây rối an ninh, trật tự công cộng và gọi những gì đang diễn ra là bạo loạn. 

Biểu tình bùng phát ở phía tây bắc Iran cách đây hơn một tuần, tại tang lễ của Mahsa Amini, 21 tuổi, người Kurd. Cô này đã thiệt mạng sau khi rơi vào tình trạng hôn mê, tiếp sau khi bị cảnh sát đạo đức giam giữ ở Tehran vì đội khăn trùm đầu không thích hợp. 

Siêu bão Noru sắp đổ bộ Philippines

Siêu bão Noru đang hướng đến Philippines và được dự báo sẽ đổ bộ vào đảo chính Luzon của nước này trong ngày 25/9, khiến Philippines phải sơ tán các thị trấn ven biển.

Noru sẽ là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay. Siêu bão này dự kiến ​tiếp tục mạnh lên khi nó đổ bộ vào đất liền, cách thủ đô Manila khoảng 80 km về phía đông bắc vào buổi chiều hoặc tối theo giờ địa phương.

Bão Noru cũng có thể gây thiệt hại cho đất trồng trong khu vực nông nghiệp nặng, cũng như khiến các ngôi làng bị ngập lụt.

Noru xuất hiện 9 tháng sau khi siêu bão Rai tàn phá nhiều vùng của Philippines khiến hơn 400 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người khác mất nhà cửa.

* Nội dung này được phát sóng trên kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz  
Giao thông, tin tức mỗi ngày cùng Nhịp Sống Sài Gòn trên tần số VOH Fm95.6Mhz  
Tổng đài giao thông: 028.3822.1188  
Fanpage liên hệ: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/