TIN TRONG NƯỚC
Hàng không tăng cường ứng phó biến chủng Omicron
Cục trưởng Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ hành khách đến, đi qua các quốc gia tại châu Phi hoặc các quốc gia có biến chủng Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này; kịp thời báo cáo cơ quan y tế và báo cáo Cục Hàng không chỉ đạo, xử lý.
Trường hợp phát hiện nhân viên dương tính, các đơn vị hoạt động tại sân bay phải báo cáo cơ quan y tế, chính quyền địa phương để kịp thời xử lý; các nhân viên tiếp xúc gần (F1) phải được xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR và khai báo y tế đầy đủ theo quy định.
Trước đó, Cục Hàng không đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng cho phép không thực hiện các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ, từ 10 quốc gia châu Phi đến Việt Nam gồm: Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia.
Lãnh đạo Kiên Giang khẳng định tin đồn Phú Quốc có biến thể Omicron là bịa đặt
Ngày 5/12, ông Nguyễn Lưu Trung, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết tin đồn trên các trang mạng xã hội về việc Phú Quốc có người nhiễm biến thể COVID-19 mới Omicron là bịa đặt, không đúng sự thật. Hiện UBND tỉnh đang phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tiến hành điều tra làm rõ nguồn gốc thông tin.
UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết trong tháng 11, địa phương đã đón khoảng 317.000 lượt khách đến quan du lịch; khách quốc tế khoảng 1.400 lượt. Tất cả đến địa phương tham quan du lịch đều đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Dự kiến trong tháng 12, sẽ có 3 chuyến bay đón khoảng 550 khách là người Singapore, Malaysia và Hàn Quốc… đến Phú Quốc nghỉ dưỡng.
Vĩnh Long: Lập danh sách tiêm vắc xin mũi 3 ngừa Covid-19
Ngày 5/12, Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, đến hiện tại, tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của tỉnh đạt rất cao. Cụ thể, mũi 1 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt trên 99%, mũi 2 đạt trên 90,5%.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long đã có công văn khẩn gửi các sở ban ngành và các địa phương về việc lập danh sách đối tượng tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 3. Các đối tượng ưu tiên gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch; lực lượng quân đội, công an; Người làm việc trong các cơ sở y tế tư nhân…
Người cung cấp dịch vụ thiết yếu; giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sĩ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; Người mắc các bệnh mạn tính; Người trên 65 tuổi và người thân của cán bộ trực tiếp tham gia chống dịch Covid-19.
Các đối tượng ưu tiên có khoảng cách tiêm mũi 2 ít nhất 4 tháng trở lên (mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 4 tháng). Các đơn vị lập danh sách chi tiết từng đối tượng ưu tiên gửi về Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long trước ngày 10.12.
Đắk Lắk: Hỗ trợ người lao động quay lại các tỉnh phía nam làm việc
Trước nhu cầu người dân về quê tránh dịch muốn quay trở lại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam làm việc, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức đoàn công tác xuống làm việc với UBND TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai để bàn về các chính sách hỗ trợ.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, cho biết người lao động có nhu cầu quay trở lại các tỉnh, thành phía Nam làm việc sẽ được hỗ trợ tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 đầy đủ. Hỗ trợ xe đưa đón để người dân không phải đi xe máy, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và vất vả. Hỗ trợ 30 đến 50% chi phí thuê nhà ở trong vòng 3 tháng đầu để người dân sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra, tùy theo các doanh nghiệp tuyển dụng sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng.
Theo thống kê của UBND tỉnh Đắk Lắk, trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 đã có hơn 150.000 người dân từ các tỉnh thành phía Nam trở về tỉnh Đắk Lắk. Hiện có hàng chục ngàn người dân có nhu cầu quay trở lại các tỉnh thành phía Nam làm việc.
Lâm Đồng: Gần 100% người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm 1 mũi vắc xin phòng Covid-19
Sáng 5/12, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận cho biết: Đến ngày 4/12, Lâm Đồng đã thực hiện tiêm tổng số gần 2 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19. Tỉ lệ người dân Lâm Đồng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 đạt gần 100% và đạt khoảng 78% dân số toàn tỉnh.
Hiện nay, ngành y tế tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên đảm bảo độ bao phủ vắc xin mũi 2 cho các đối tượng này đạt từ 99% trở lên. Tổ chức tiêm mũi 1 cho các đối tượng trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi ở cộng đồng và tiêm phủ mũi 2 cho các đối tượng này khi đã đủ thời gian theo quy định.
TPHCM: Cảnh sát PCCC xử lý nhiều tổ ong vò vẽ đóng sát nhà dân
Những ngày qua, nhiều hộ dân sống trên đường số 11, P.Long Bình (TP.Thủ Đức) lo lắng khi tại khu vực có hơn 10 tổ ong vò vẽ. Có những tổ ong nằm sát nhà có thể gây nguy hiểm cho người dân.
Nhận được tin báo, Công an P.Long Bình (TP.Thủ Đức) đã báo lên Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07, Công an TP.HCM) nhờ hỗ trợ.
Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ TP.Thủ Đức đã được điều động với 1 xe thang, 3 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường. Sau hơn 1 giờ cán bộ chiến sĩ đã đưa được hơn 10 tổ ong vò vẽ lớn, nhỏ xuống đất, đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực.
TIN THẾ GIỚI
Biến thể Omicron chưa phải là sự tiến hóa cuối cùng
Giáo sư Peter White, chuyên gia nghiên cứu sự tiến hóa của virus tại Đại học New South Wales (Úc), dự đoán biến thể Omicron chưa phải là sự tiến hóa cuối cùng của virus gây đại dịch COVID-19.
Cho đến nay, biến thể Omicron đã xuất hiện ở 38 quốc gia sau khi ca nhiễm đầu tiên được báo cáo ở châu Phi vào ngày 24/11.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều thắc mắc vẫn chưa có lời đáp: Điều gì tiếp theo sẽ xảy ra? Virus SARS-CoV-2 có tiếp tục phát triển các chủng mới không? Liệu con người có nhanh chóng chiến thắng được đại dịch?
Virus có tốc độ tạo ra đa dạng di truyền, hoặc đột biến nhanh hơn vi khuẩn. Nếu một vi khuẩn e.coli đậu trên một chút đường và bắt đầu nhân lên, vi khuẩn sẽ nhân từ 1 sang 2, sau đó là 4, 8, 16, 32 và nó tăng dần theo cấp số nhân.
Nhưng nếu virus xâm nhập vào một tế bào, nó sẽ thông báo: "Được rồi, tôi đang ở trong tế bào và bắt đầu nhân từ 1 lên ngay 100.000 và cứ thế tăng tiến như vũ bão".
Vì vậy trong vòng vài giờ nếu bạn bị nhiễm một vài phần tử virus, nó có thể tạo ra hàng tỉ bản sao. Khi bạn hắt hơi, sẽ có hàng triệu con virus từ mũi của bạn bay ra. Công việc của nó là tìm vật chủ tiếp theo. Virus sẽ đột biến trong cơ thể vật chủ. Đó là lý do tại sao chúng tiến hóa để tồn tại.
Anh tiếp tục thắt chặt các quy định đi lại
Đây là một trong những động thái mới nhất nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron ở Anh.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 4/12 cho biết, quy định trên có hiệu lực từ 4h ngày 7/12. Theo đó, tất cả du khách từ 12 tuổi trở lên sẽ phải thực hiện xét nghiệm trong vòng 48 giờ trước khi đến Anh.
Trước đó, theo quy định hiện hành, người nhập cảnh chỉ cần xét nghiệm PCR vào ngày thứ 2 sau khi đến Anh và tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính.
Từ ngày 7/12, Anh sẽ bổ sung Nigeria vào danh sách đỏ. Người nhập cảnh đến từ các quốc gia trong danh sách này phải cách ly tại khách sạn trong 10 ngày. Theo Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh, trong những ngày gần đây, đã có 21 ca nhiễm Omicron tại nước này liên quan đến hoạt động đi lại tới Nigeria, nước chỉ đứng sau Nam Phi về số ca nhiễm biến thể Omicron tại Anh.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Anh Grant Shapps cho biết, Chính phủ nước này cần thực hiện cách tiếp cận thận trọng trong khi chờ các kết quả khoa học về biến thể mới.
Omicron làm gia tăng số ca mắc COVID-19 ở trẻ em tại Nam Phi
Sự gia tăng đáng báo động này có thể đặt cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu vào một giai đoạn mới.
Tỉnh Gauteng, điểm nóng ghi nhận biến thể Omicron tại Nam Phi, đang chứng kiến sự tăng mạnh số ca nhập viện ở mọi nhóm tuổi, nhưng đặc biệt đáng chú ý là trẻ em.
Theo Cố vấn Chính phủ Nam Phi, bà Waasila Jassat, tỷ lệ mắc biến thể Omicron ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi hiện cao thứ hai, chỉ sau những người trên 60 tuổi.
Chỉ riêng thành phố Tshwane Metro của Nam Phi đã ghi nhận những con số đáng báo động về tình trạng trẻ em nhập viện vì COVID-19. Nếu như trong 2 tuần đầu của làn sóng dịch lần thứ 3 tại Nam Phi hồi tháng 5/2021, tại tỉnh này có chưa tới 20 trẻ em dưới 5 tuổi phải nhập viện, trong 2 tuần đầu của làn sóng dịch lần thứ tư (từ ngày 14 - 27/11 vừa qua), con số này là hơn 100 ca. Chính vì vậy, giới chức y tế nước này kêu gọi, các bậc phụ huynh cần nâng cao cảnh giác về sức khỏe của con mình.
Thái Lan thu giữ lượng ma túy "khủng" trị giá 88 triệu USD
Ngày 4/12, nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ gần 900kg methamphetamine tinh thể được giấu trong một lô hàng tại cảng Bangkok nhằm chuyển đến Đài Loan (Trung Quốc).
Tại Đài Loan (Trung Quốc), số ma túy này có thể được bán với giá lên tới 88 triệu USD.
Số ma túy này đã bị cơ quan hải quan Thái Lan phát hiện và bắt giữ vào ngày 4/12 (theo giờ địa phương), được giấu ở dạng bột ở bên trong 161 phiến silicon màu trắng trong các hộp vận chuyển đến Đài Loan. Số ma túy này đã bị phát hiện khi đưa qua máy quét.
Tổng Cục trưởng Hải quan Thái Lan Patchara Anuntasil cho biết, chính quyền Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) đều đang điều tra vụ buôn bán, vận chuyển ma túy này. Hiện giới chức Thái Lan đang phối hợp với phía Đài Loan (Trung Quốc) để điều tra về nguồn gốc của số ma túy.
Thị trường buôn bán methamphetamine tiếp tục được mở rộng và đa dạng ở khu vực Đông và Đông Nam Á, không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Núi lửa ở Indonesia khiến hàng chục người chết
Sáng 5/12, Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) xác nhận con số thương vong tăng mạnh chỉ 1 ngày sau khi núi Semeru trên đảo Java phun trào.
10 người đã được cứu thoát. Trước đó, một quan chức địa phương nói rằng một số thợ khai thác cát đã bị kẹt tại nơi làm việc.
Semeru, cũng là ngọn núi cao nhất đảo Java của Indonesia với độ cao hơn 3.600m, bất ngờ phun trào vào chiều 4/12, bắn lên không trung cột tro bụi hình nấm khổng lồ. Tro bụi trút xuống ít nhất 11 ngôi làng xung quanh khiến hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa.
Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy người dân hoảng loạn tháo chạy khi ngọn núi bùng nổ. "Các cột khói làm nhiều ngôi làng trở nên tối sầm", kênh truyền hình địa phương TVOne mô tả.
Semeru vẫn được Indonesia đặt ở mức báo động cao thứ hai kể từ lần phun trào nghiêm trọng vào tháng 12-2020 buộc hàng ngàn người phải tháo chạy.
Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm tạo ra nhiều vụ động đất và phun trào núi lửa, Indonesia có đến 130 núi lửa đang hoạt động. Năm 2018, một ngọn núi nằm giữa đảo Java và Sumatra bùng nổ đã gây lở đất, sóng thần giết chết hơn 400 người.