Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tin nóng chiều 6/12: Hơn 5 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm vaccine Covid-19

Tính đến ngày 5/11 có 49 tỉnh, thành phố đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi với tổng số gần 5,3 triệu liều, đạt hơn 58% kế hoạch

TIN TRONG NƯỚC

Hơn 5 triệu trẻ em 12-17 tuổi đã tiêm vaccine Covid

Tính đến ngày 5/11 có 49 tỉnh, thành phố đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi với tổng số gần 5,3 triệu liều, đạt hơn 58% kế hoạch, Miền Nam và miền Bắc là hai khu vực tiêm cho trẻ nhiều nhất. TPHCM là tỉnh tiêm cho trẻ đầu tiên, số lượng tiêm nhiều nhất, hiện hơn 600.000 trẻ đã được tiêm đủ cả hai mũi. Kế tiếp là Hà Nội, khoảng 500.000 mũi một. Các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp... hơn 100.000 liều. Bộ Y tế ghi nhận khoảng 0,3% trẻ bị phản ứng thông thường sau tiêm. Các phản ứng thông thường này là sốt, đau vết tiêm, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi... Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi triển khai từ tháng 11 trên cả nước, dự kiến sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này. Loại vaccine đang được sử dụng để tiêm cho trẻ là của Pfizer.

Tin nóng chiều 6/12: Hơn 5 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm vaccine Covid-19 1
Ảnh minh họa

TPHCM thông báo 3 quận-huyện tăng cấp độ dịch

UBND TPHCM có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 128. Theo đó, dịch tại TPHCM vẫn đạt cấp độ 2 là vùng vàng – nguy cơ trung bình. Đáng chú ý, TPHCM có 3 quận, huyện tăng cấp độ dịch so với tuần trước. Cụ thể, có 8/22 địa phương đạt cấp 1 là vùng xanh - nguy cơ thấp, gồm các quận 1, 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Củ Chi. 13/22 địa phương ở cấp 2 là quận 3, 5, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè. Quận 4 là địa phương duy nhất ở cấp độ 3 là vùng cam - nguy cơ cao. Như vậy, so với tuần trước, quận 11 và huyện Cần Giờ tăng cấp độ dịch từ 1 lên 2; quận 4 tăng từ 2 lên cấp 3. Quận Tân Phú là địa phương duy nhất giảm cấp độ dịch, từ cấp 2 xuống cấp 1. Về độ bao phủ vắc-xin, đến hết ngày 2-12, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin trên địa bàn TPHCM là 100%. Tỉ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc-xin là 98%.

Quảng Ngãi : F0 không triệu chứng điều trị tại nhà từ 20/12

Trong 2 tuần qua, Quảng Ngãi ghi nhận 766 ca Covid-19, tăng 223 ca so với 14 ngày trước. Trong đó, 121 ca phát hiện ở cộng đồng, tăng 22 ca so với tuần trước.  Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1 cho 96%, mũi 2 cho 86,5% người dân từ 18 tuổi trở lên. UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất dừng hoạt động chốt kiểm tra y tế ở xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ và đèo Bình Đê, thị xã Đức Phổ từ ngày 6/12. Từ ngày 10/12, cho phép các trường hợp F1, F2 cách ly y tế tại nhà; điều trị F0 không triệu chứng tại nhà từ ngày 20/12. Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn cụ thể kèm theo các điều kiện đảm bảo an toàn đối với công tác điều trị F0 tại nhà. Tiếp tục tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như massage, karaoke, vũ trường…  Sở GD-ĐT làm việc với lãnh đạo các địa phương trong tỉnh để thống nhất phương thức dạy và học theo phương châm an toàn đến đâu thì cho dạy và học trực tiếp đến đó, không để ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Tin nóng chiều 6/12: Hơn 5 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm vaccine Covid-19 2
Quảng Ngãi thống nhất cho phép người mắc Covid-19 không triệu chứng được điều trị tại nhà từ ngày 20/12.

Đà Nẵng sẵn sàng đón học sinh khối lớp 1, 8 và 9 đến trường

Từ ngày hôm nay 6/12, học sinh các khối lớp 1, 8 và 9 tại thành phố Đà Nẵng sẽ đi học trở lại.

Trước đó, ngành Giáo dục thành phố Đà Nẵng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Các trường đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch với từng kịch bản cụ thể, phân công chi tiết đến từng bộ phận. Cùng với đó, mỗi trường đã chuẩn bị phòng cách ly để sẵn sàng ứng phó nếu có trường hợp học sinh liên quan các ca nhiễm COVID-19.

Đối với học sinh lớp 1, nhà trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Các trường học nằm trong vùng dịch cấp độ 3 - 4 vẫn chưa được mở cửa đón học sinh. Giáo viên và học sinh sinh sống trong khu vực có cấp độ dịch 3, 4 vẫn chưa được đến trường trong đợt này.

Cần Thơ chi 1.200 tỉ đồng chỉnh 5 nút giao thông gây kẹt xe

Gần 1.200 tỉ đồng sẽ được chi để cải tạo 5 nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc, kẹt xe ở TP Cần Thơ. Về lâu dài có thể làm hầm chui, cầu vượt tại đây.

Đây là thông tin được đề cập trong phiên họp HĐND TP Cần Thơ chiều nay 6/12.

Đó là 5 nút giao thông "điểm nóng" ách tắc giao thông tại khu vực trung tâm TP (quận Ninh Kiều) gồm Mậu Thân - Ba Tháng Hai - Trần Hưng Đạo, Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh - Ba Tháng Hai và Nguyễn Văn Linh - 30 Tháng 4.

Theo đó đầu tư giai đoạn 1 bằng cách mở rộng nút giao cùng mức, bố trí các nhánh rẽ phải độc lập. Trong tương lai xem xét bố trí công trình cầu vượt hoặc hầm chui theo nhu cầu giao thông. 

Tổng mức đầu tư dự án gần 1.200 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Tin nóng chiều 6/12: Hơn 5 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm vaccine Covid-19 3
Kẹt xe tại nút giao Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ 

 

TIN THẾ GIỚI

Chứng khoán toàn cầu tuần qua 'bốc hơi' 3.700 tỉ USD

Các nhà đầu tư đã giảm nắm giữ các tài sản rủi ro trong tuần qua và vốn hóa thị trường chứng khoán ở Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đã giảm nhanh chóng từ 4-5% so với trước thời điểm xuất hiện thông tin về biến thể Omicron.

Diễn biến này được ghi nhận trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan ra nhiều nước, làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư và đẩy tiền ra khỏi nhóm cổ phiếu liên quan đến du lịch (chẳng hạn mã cổ phiếu của các hãng hàng không) và hàng hóa (chẳng hạn dầu).

Các nhà đầu tư đã giảm nắm giữ các tài sản rủi ro trong tuần qua và vốn hóa thị trường chứng khoán ở Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đã giảm nhanh chóng từ 4-5% so với trước thời điểm xuất hiện thông tin về biến thể Omicron vào cuối tháng 11.

Tính đến ngày 5/12 (giờ địa phương), biến thể Omicron đã được phát hiện tại ít nhất 17 tiểu bang của Mỹ, trong đó có Hawaii và New York.

Vì sự lây lan của biến thể này có thể cản trở quá trình nền kinh tế Mỹ và các chuỗi cung ứng quay trở lại bình thường, nên Ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo về mức tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2022, cụ thể giảm 0,4 điểm phần trăm xuống còn 3,8%.

WHO muốn Trung Quốc, Ấn Độ chia sẻ công nghệ baccine

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang làm việc với các hãng dược Trung Quốc và Ấn Độ để chia sẻ bản quyền vaccine COVID-19 sau khi các công ty phương Tây làm lơ với kêu gọi bỏ bản quyền.

Trung Quốc hiện có 2 công ty có vaccine ngừa COVID-19 được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp là Sinopharm và Sinovac.

Theo WHO, Sinopharm và Sinovac đều quan tâm đến việc chia sẻ công nghệ nhưng muốn thực hiện thông qua thỏa thuận song phương tại mỗi quốc gia.

Trong khi đó, công ty sản xuất dược Bharat Biotech của Ấn Độ đã đồng ý chia sẻ công nghệ với C-TAP và đang trong quá trình thỏa thuận với WHO.

Ấn Độ hiện là nhà sản xuất lớn nhất thế giới đối với các loại vaccine công nghệ của phương Tây. Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng không kém khi là nhà cung cấp vaccine lớn nhất cho các nước đang phát triển.

WHO và nhiều nước trước đó đã nhiều lần kêu gọi các hãng được chia sẻ bản quyền vắc xin ngừa COVID-19 để tăng nguồn cung và đảm bảo vaccine cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên các hãng dược phương Tây như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca đều không mặn mà.

Tin nóng chiều 6/12: Hơn 5 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm vaccine Covid-19 4
Một học sinh được tiêm ngừa COVID-19 bằng vắc xin của Sinopharm tại Caracas, Venezuela

Thu hồi 55.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 tại Mỹ

Hãng Gilead Sciences công bố quyết định thu hồi 55.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 tại Mỹ vì lý do "có sự xuất hiện của các hạt thủy tinh" trong lọ thuốc.

Remdesivir dùng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi, phải điều trị COVID-19 tại bệnh viện. Thuốc được truyền qua đường tĩnh mạch 1 lần/ngày và tối đa trong 10 ngày.

Việc thu hồi không ảnh hưởng nguồn cung Remdesivir vì hãng vẫn còn nhiều thuốc cho phép nhanh chóng bổ sung đơn hàng.

Remdesivir được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn điều trị khẩn cấp từ tháng 5/2020. Đến tháng 10/2020, Remdesivir trở thành liệu pháp điều trị COVID-19 đầu tiên được FDA cấp phép đầy đủ.

Remdesivir cũng là thuốc được phê chuẩn nhiều nhất trên thế giới hiện nay. Tổng cộng khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thông qua việc sử dụng loại thuốc này trong điều trị COVID-19. Đến nay, 9 triệu người được điều trị bằng thuốc Remdesivir, trong đó có 6,5 triệu người ở 127 quốc gia thu nhập thấp và trung bình của thế giới.

Hàn Quốc áp đặt trở lại quy định siết chặt phòng chống dịch COVID-19

Ngày 6/12, Hàn Quốc áp đặt trở lại các quy định siết chặt phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới theo ngày liên tục tăng cao kỷ lục

Theo quy định mới, số người được phép tụ tập đối đa ở thủ đô Seoul và khu vực lân cận là 6 người, các địa phương còn lại là 8 người, giảm 4 người so với quy định hiện nay.

Khách đến các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cao như nhà hàng, quán ăn, rạp chiếu phim… phải xuất trình "thẻ vaccine", tức là đã tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 - 18 cũng sẽ được yêu cầu xuất trình "thẻ vaccine" từ ngày 1/2/2022.

Toàn bộ người nhập cảnh Hàn Quốc từ nước ngoài phải thực hiện cách ly 10 ngày bất kể đã tiêm chủng hay chưa cho đến hết ngày 16/12.

Hàn Quốc buộc phải áp đặt trở lại các biện pháp phòng dịch tăng cường sau khi số ca mắc COVID-19 mới ở mức trên 5.000 mỗi ngày trong ngày thứ hai liên tiếp tính đến ngày 5/12.

Tin nóng chiều 6/12: Hơn 5 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm vaccine Covid-19 5
Ngày 4 - 5/12, Hàn Quốc đều ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 5.000. 

Người dân Indonesia khốn đốn vì núi lửa hoạt động

Tro bụi núi lửa bao phủ khiến nhiều ngôi làng, thị trấn không còn có thể sinh sống được. Người dân đổ về các điểm sơ tán gây ra tình trạng quá tải, nhiều người qua đêm trong cảnh "màn trời chiếu đất". 

Giới chức Indonesia cho biết, ít nhất 14 người đã thiệt mạng và 98 người khác bị thương do thảm họa phun trào núi lửa này.

Bùn đất lấp nửa ngôi nhà, xe tải bị mắc kẹt trong lớp bùn, chỉ còn nhìn thấy cabin lái, một màu xám xịt của tro bụi khi núi lửa Semeru phun trào đang bao phủ ngôi làng gần chân núi Semeru. Dân làng được sơ tán kịp thời và những người sống sót không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại thời khắc núi lửa hoạt động trở lại.

Tại một điểm sơ tán ở khoảng cách an toàn so với điểm núi lửa phun trào, khu nhà cộng đồng không đủ chỗ chứa hơn 350 người dân tới lánh nạn, nhiều người phải nghỉ qua đêm trên nền xi măng.

Vụ phun trào đã phá hủy cây cầu nối hai khu vực đông dân cư. Do đó, việc tiếp cận của lực lượng cứu hộ tới các khu vực ảnh hưởng đang gặp nhiều khó khăn.

Semeru là núi lửa cao nhất ở Indonesia, đã từng phun trào hồi đầu năm nay nhưng không gây thương vong. Indonesia nằm trong "Vành đai lửa" Thái Bình Dương nên thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào.

 

Bình luận