TIN TRONG NƯỚC:
TPHCM: Chỉ 30% phụ huynh đồng ý cho con em lớp 1 đến trường
Theo kết quả khảo sát của ngành GD-ĐT TPHCM đối với phụ huynh lớp 1 về việc cho con em đi học trực tiếp theo chủ trương thí điểm mở cửa trường học của UBND TPHCM, chỉ có 29,82% phụ huynh đồng thuận việc này, hơn 70% còn lại không đồng ý cho con em đi học trực tiếp.
Cụ thể, có rất nhiều trường tiểu học ở nội thành TP chỉ có hơn 10 phụ huynh học sinh lớp 1 đồng ý cho con em đi học. Có những trường không có phụ huynh nào đồng ý cho con em đi học trực tiếp. Không những thế, ngay ở địa bàn các huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ… vốn được xem là những địa phương kiểm soát dịch bệnh tốt thì phụ huynh vẫn không đồng thuận khi cho con em đi học.
Lý do khiến tỉ lệ phụ huynh không đồng ý cho con em đi học trực tiếp vì họ lo lắng trẻ 6 tuổi chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Cần Thơ tổ chức lại công tác tiếp nhận bệnh nhân chuyển nặng
Thành phố Cần Thơ đang điều trị gần 3.000 bệnh nhân tại các cơ sở y tế với công suất giường bệnh gần như tối đa trong khi vẫn còn gần 12.000 ca F0 điều trị tại nhà.
Do số lượng bệnh nhân lớn như vậy, việc chuyển viện, tiếp nhận bệnh nhân trở nặng ở các địa phương thuộc thành phố Cần Thơ còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn. Nguyên nhân là giường bệnh ở tầng 3 đã lấp đầy, nhiều bệnh viện tuyến trên từ chối tiếp nhận bệnh nhân.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở thành phố Cần Thơ đang tăng lên, gần đây mức trung bình 10 trường hợp/ngày. Do đó, việc nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân chuyển nặng, cấp cứu là ưu tiên hàng đầu, tránh nguy cơ tử vong cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Đà Nẵng sẵn sàng đón học sinh khối lớp 1, 8 và 9 đến trường
Từ hôm nay 6/12, học sinh các khối lớp 1, 8 và 9 tại thành phố Đà Nẵng sẽ đi học trở lại.
Trước đó, ngành Giáo dục thành phố Đà Nẵng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Các trường đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch với từng kịch bản cụ thể, phân công chi tiết đến từng bộ phận. Cùng với đó, mỗi trường đã chuẩn bị phòng cách ly để sẵn sàng ứng phó nếu có trường hợp học sinh liên quan ca nhiễm COVID-19.
Đối với học sinh lớp 1, nhà trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Các trường học nằm trong vùng dịch cấp độ 3-4 chưa được mở cửa đón học sinh.
Giáo viên và học sinh sinh sống trong khu vực có cấp độ dịch 3, 4 vẫn chưa được đến trường trong đợt này.
Đề nghị hỗ trợ cho miền Trung 175 tỉ đồng
Chiều 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và 8 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên (Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai và Đắk Lắk) để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói, sửa chữa nhà ở, khôi phục sản xuất, hóa chất khử trùng tương đương tổng kinh phí 175 tỉ đồng cho các địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương miền Trung và các bộ ngành liên quan tập trung lo cho dân sau lũ với tinh thần không để dân đói ăn thiếu mặc, màn trời chiếu đất, không để hậu quả lũ lụt phát sinh dịch bệnh gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Thời tiết:
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời điểm này, các tỉnh miền Bắc vào đến Nghệ An đang chìm sâu trong khối không khí lạnh, rét hanh khô. Nhiệt độ thấp nhất khoảng 9-12 độ, có nơi vùng núi cao xuống dưới 7 độ; khả năng xuất hiện sương muối.
Các chuyên gia dự báo, trạng thái thời tiết trên có thể kéo dài đến ngày 8/12, sau đó khu vực này khả năng hứng chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mới.
Thời điểm này, các tỉnh miền Trung về cơ bản đều không có mưa. Duy chỉ có một số nơi từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa rải rác. Khu vực cũng bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh nên rét về đêm và sáng sớm.
TP.HCM và các tỉnh lân cận cũng đang trong những ngày chịu ảnh hưởng bởi không khí lạnh nên nhiệt độ khu vực giảm xuống ngưỡng thấp nhất 19-21 độ, có nơi dưới 19 độ. Người dân ra đường phải mặc thêm áo ấm.
Ngoài ra, TP.HCM và một số tỉnh Nam Bộ đang bước vào đợt triều cường đạt đỉnh tính từ đầu năm 2021. Do đó, một số khu vực ven biển các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Tây sẽ xảy ra ngập úng tại các vùng trũng thấp.
TIN THẾ GIỚI:
COVID-19 bùng phát trên tàu du lịch tới Mỹ
Con tàu đã khởi hành từ thành phố New Orleans vào ngày 28/11 và dự kiến sẽ quay trở lại điểm xuất phát vào cuối tuần này. Trong hành trình của mình, con tàu mang tên Norwegian Breakaway của Na Uy đã ghé thăm một số cảng ở Belize, Honduras và Mexico, theo Bộ Y tế bang Louisiana.
Hơn 3.200 người được cho là đã có mặt trên tàu.
Giới chức Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng, tàu thuộc tuyến du lịch Norwegian Cruise Line "đã tuân thủ các quy trình cách ly và xử lý thích hợp khi các trường hợp dương tính mới được xác định".
Khi đến thành phố New Orleans, các hành khách và thành viên thủy thủ đoàn sẽ được xét nghiệm thêm. Bất kỳ ai có kết quả dương tính với COVID-19 sẽ bị cách ly ngay lập tức tại nhà hoặc địa điểm do tuyến du thuyền chỉ định.
Cho đến nay, chưa có thông tin về tình trạng sức khỏe của 10 hành khách được xác định dương tính với COVID-19 từ lúc ở trên tàu. Dịch bệnh bùng phát bất chấp các quy định của Na Uy, theo đó yêu cầu tất cả hành khách và thủy thủ đoàn phải được tiêm vaccine phòng virus SARS-CoV-2 ít nhất hai tuần trước bất kỳ chuyến đi nào.
Đức lên kế hoạch triển khai tiêm chủng bắt buộc cho một số ngành nghề
Đức luôn kín tiếng về việc bắt buộc tiêm vaccine vì không muốn làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện, viện dưỡng lão và các cơ sở y tế khác.
Tuy nhiên, sự ủng hộ trong dân chúng đã tăng lên đối với ý tưởng này khi Đức phải đối mặt với tình trạng số ca nhiễm bệnh tăng cao trong đợt bùng phát dịch thứ tư.
Đảng Dân chủ Xã hội, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do sẽ liên minh thành lập Chính phủ mới tại Đức vào ngày 8/12 và sẽ trình bày dự luật trên trước Quốc hội nước này trong tuần tới.
Theo dự thảo luật, nhân viên làm việc trong bệnh viện, viện dưỡng lão và các cơ sở y tế khác sẽ phải chứng minh rằng họ đã được tiêm vaccine COVID-19, điều trị khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 hoặc xuất trình giấy chứng nhận y tế để chứng minh rằng họ không thể được tiêm chủng trước ngày 15/3.
Dự luật được đề xuất kéo dài cho đến ngày 15/2/2022. Những lệnh hạn chế hiện nay sẽ cho phép các bang của Đức áp dụng những biện pháp đóng cửa chặt chẽ hơn nếu cần thiết.
Cuba mở cửa đường biển đón du khách
Bộ Giao thông Vận tải Cuba khẳng định, các bến cảng nước này đã triển khai những biện pháp kiểm tra dịch tễ nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an ninh y tế và sẵn sàng đón du khách nước ngoài.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Cuba thường xuyên đón một lượng lớn du khách tới từ Anh, Đức và Mỹ theo đường tàu biển. Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu và các biện pháp trừng phạt do Mỹ đơn phương áp đặt đã khiến hoạt động này gặp nhiều bất lợi.
Cuba hy vọng, ngành du lịch biển sẽ dần phục hồi trong những tháng tới, trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt.
Tiến sát mục tiêu hoàn thành tiêm chủng toàn dân, Cuba đang dần trở lại là điểm đến hấp dẫn và yên bình với khách du lịch.
Những điểm đến ở Cuba đang rục rịch đón khách. Các khách sạn bố trí bác sỹ cùng những biện pháp phòng chống COVID-19 khác.
Khu nghỉ dưỡng ven biển Varadero đã mở cửa một phần, đón cả khách trong nước và quốc tế. Cuộc sống cũng đang trở lại bình thường tại khu phố cổ Habana, thủ đô La Habana, nơi đón du khách trở lại sau 19 tháng.
Campuchia dỡ bỏ lệnh cấm du khách tới từ các nước châu Phi
Campuchia đã dỡ bỏ lệnh cấm du khách tới từ 10 quốc gia châu Phi sau gần một tuần ban hành do sự xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, du khách tới từ 10 quốc gia trên cũng như những người từng tới các nước này trong vòng 2 tuần vừa qua cần phải được xét nghiệm nhanh COVID-19 ngay khi tới Campuchia.
Bộ trưởng Y tế Campuchia cũng cho biết các du khách đã tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng COVID-19 cần trình giấy chứng nhận y tế xác nhận họ đã xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi tới Campuchia, trong khi những người chưa tiêm vaccine sẽ phải cách ly đủ 14 ngày.
Campuchia đảo ngược lệnh cấm đi lại sau khi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 29/11 bày tỏ vô cùng quan ngại về sự cô lập đối với các nước khu vực miền Nam châu Phi do các biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng vì biến thể Omicron.
Bộ Y tế Singapore: Các vắc xin hiện có vẫn phòng vệ được Omicron
Trong cập nhật về biến thể Omicron ngày 5/12, Bộ Y tế Singapore (MOH) cho rằng còn quá sớm để kết luận về mức độ nặng của bệnh COVID-19 mà biến thể này có thể gây ra.
MOH cho rằng theo những đánh giá ban đầu từ Nam Phi nói riêng và toàn cầu nói chung, biến thể Omicron có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, so sánh với các biến thể Delta và Beta, dường như Omicron cũng làm tăng nguy cơ tái nhiễm ở những người đã bình phục sau khi mắc COVID-19.
Về xét nghiệm, MOH nhấn mạnh các nghiên cứu cho thấy ngoài xét nghiệm PCR, xét nghiệm nhanh ART cũng hiệu quả trong phát hiện các ca nhiễm Omicron. Chính vì thế, xét nghiệm vẫn là một công cụ chủ chốt để phát hiện và khống chế sớm sự lây nhiễm.
Theo MOH, các ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện trên thế giới chủ yếu có triệu chứng nhẹ và chưa có ca tử vong nào. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau họng, mệt mỏi và ho.