Tin nóng sáng 1/4: Từ 0h hôm nay (1/4) xăng giảm giá 1.021 đồng/lít

(VOH) - Từ 0h hôm nay (1/4), giá xăng E5RON92 giảm 1.021 đồng/lít, từ mức 28.330 đồng/lít giảm còn 27.309 đồng/lít. Xăng RON95-III giảm 1.039 đồng/lít, từ 29.190 đồng/lít giảm còn 28.153 đồng/lít.

 

TIN TRONG NƯỚC

Xăng giảm 1.021 đồng/lít từ 0h ngày 1/4

Ngay sau khi nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/4, đúng vào kỳ điều hành đầu tháng, liên bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 0h hôm nay.

giá xăng
Từ 0h hôm nay (1/4) xăng giảm giá 1.021 đồng/lít

Theo đó, mặc dù xăng được giảm 2.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường, nhưng với biến động tăng giảm đan xen của giá thế giới, cộng thêm việc thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nên giá xăng có mức giảm thấp hơn. 

Cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 1.021 đồng/lít, từ mức 28.330 đồng/lít giảm còn 27.309 đồng/lít. Xăng RON95-III giảm 1.039 đồng/lít, từ 29.190 đồng/lít giảm còn 28.153 đồng/lít.

Đối với dầu, mặc dù được giảm thuế bảo vệ môi trường 50% với các mặt hàng dầu, tương ứng 1.000 đồng/lít, kg nhưng do đà tăng mạnh của giá thế giới, trong kỳ điều hành này giá các mặt hàng dầu đã bật tăng trở lại sau một phiên giảm mạnh.

Cụ thể, dầu diesel tăng 1.447 đồng/lít, từ giá 23.638 đồng/lít đã lên mức 25.080 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.519 đồng/lít, từ mức 22.248 đồng/lít tăng lên 23.764 đồng/lít. Dầu mazut tăng 506 đồng/lít, lên mức 20.929 đồng/lít.

Sẽ theo dõi, đánh giá ‘sức khỏe tài chính’ của Bamboo Airways

Trong bản báo cáo vừa gửi Bộ Giao thông Vận tải tổng thể hoạt động của Bamboo Airways sau vụ ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết Cục đã xem xét, đánh giá tác động pháp lý, cơ cấu tổ chức hoạt động, nguồn lực, khả năng duy trì hoạt động và kế hoạch, định hướng phát triển của Bamboo Airways.

Về pháp lý, người đại diện pháp luật theo Giấy phép kinh doanh vận chuyển 01/2021 do Bộ Giao thông Vận tải cấp, ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways là người đại diện pháp luật; vốn điều lệ của hãng là 7.000 tỷ đồng.

Trong danh sách cổ đông, Tập đoàn FLC góp 3.586 tỷ đồng (51,24%), trong đó ông Trịnh Văn Quyết chiếm 30,3% vốn FLC, tương đương 1.088 tỷ đồng. Ngoài ra, cá nhân ông Quyết góp 2.802 tỷ đồng (40,03%), các cổ đông khác góp 610 tỷ đồng (8,73%).

Như vậy, tổng vốn góp của ông Quyết khoảng 3.890 tỷ đồng, tương ứng 55,5% vốn của Bamboo Airways; phần vốn góp của cổ đông khác là 3.110 tỷ đồng (chiếm 44,42%).

Phía Cục Hàng không cũng đánh giá vốn chủ sở hữu hiện tại của Bamboo Airways nói chung và trong trường hợp tài sản của ông Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa vẫn đảm bảo đáp ứng điều kiện để duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định về vốn tối thiểu theo quy tại Nghị định 89 của Chính phủ (700 tỷ đồng).

Trẻ 5 - 11 tuổi tiêm 2 loại vắc xin từ tháng 4

Từ đầu tháng 4, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố sẽ triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. 2 loại vắc xin được tiêm là Pfizer và Moderna, không tiêm trộn với bất kỳ vắc xin mRNA nào.

 Vắc xin Pfizer chỉ định cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi là tiêm bắp, liều tiêm 0,2 ml; 2 mũi tiêm cách nhau 4 tuần. Vắc xin Spikevax (Moderna Covid-19 vaccine) sử dụng cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tiêm liều tiêm bằng ½ liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25 ml); tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Xem xét kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Theo thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ), tại kỳ họp thứ 13 (từ 28 – 31/3), UBKT TƯ đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015 - 2020.

UBKT TƯ cho rằng, Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Giá gas bán lẻ sẽ tiếp tục tăng trong tháng 4

Giá gas bán lẻ trong nước tháng 4 sẽ tăng nhẹ với mức tăng 13.900 đồng với bình 12 kg và 55.900 đồng với bình 48 kg.

Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 4 tại thị trường Hà Nội là 512.900 đồng/bình dân dụng 12 kg; 2.051.300 đồng/bình công nghiệp 48 kg, lần lượt tăng 13.900 đồng/bình 12 kg và 55.400 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).

Giá gas Saigon Petro của Công ty Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) tăng 14.000 đồng/bình 12 kg. Giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 516.000 đồng bình 12 kg.

Giá gas bán lẻ của Công ty cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam - PV GAS LPG Miền Nam sẽ tăng 1.167 đồng/kg, tương ứng mức tăng 14.000 đồng mỗi bình 12 kg, khiến giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng của doanh nghiệp này là 517.900 đồng/bình.

Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết, giá các loại gas City Petro, Vimexco Gas và gas Pacific tăng 14.000 đồng/bình loại 12 kg và tăng 58.000 đồng/bình loại 50 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cao nhất 538.500 đồng/bình 12 kg và 2.242.500 đồng/bình 50 kg.

Đây là tháng thứ ba trong năm 2022 giá gas tăng và tăng liên tiếp với tổng mức 72.000 đồng/bình 12 kg.

TIN THẾ GIỚI

Tác động với thị trường thế giới khi Mỹ xả kho 180 triệu thùng dầu

Hãng Bloomberg dẫn các nguồn tin thân cận cho hay Mỹ có thể xả 180 triệu thùng dầu trong kho của Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu. Thông báo chính thức có thể được đưa ra vào ngày 1/4.

Nếu được triển khai, đây sẽ là lần thứ ba nước Mỹ sử dụng nguồn dự trữ chiến lược trong vòng 6 tháng qua và sẽ là lần xả kho lớn nhất trong lịch sử 50 năm của SPR. Động thái này cũng có thể thúc đẩy các quốc gia đồng minh cùng tham gia vào nỗ lực do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) điều phối.

Theo Bộ Năng lượng, Mỹ hiện nắm giữ khoảng 570 triệu thùng trong kho dự trữ - mức thấp nhất kể từ tháng 5/2002. Việc giải phóng 180 triệu thùng có nghĩa là kho dầu của Mỹ sẽ giảm hơn 30%. Mặc dù có thể giảm giá nhiên liệu trong ngắn hạn, nhưng điều này có thể khiến nhu cầu tăng lên trong dài hạn khi Mỹ cần nạp thêm lượng dầu dự trữ. Mỹ được IEA coi là nước xuất khẩu dầu ròng. Nhưng tình trạng đó có thể thay đổi thành nhà nhập khẩu ròng trong năm nay do sản lượng phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19.

Nhật Bản tuyên bố không rút khỏi dự án khí đốt chung với Nga

Ngày 31/3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố nước này không có kế hoạch rút khỏi một dự án khí đốt chung với Nga, bất chấp việc Tokyo cùng với phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Moskva liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Nhật Bản, đất nước có nguồn năng lượng hạn hẹp, đang nỗ lực để cân bằng giữa nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch và quan điểm cứng rắn đối với Nga, hiện cũng đang phải đối mặt với câu hỏi có tiếp tục tham gia vào dự án Sakhalin-2 nữa hay không.

Tuy nhiên, Thủ tướng Kishida cho rằng dự án này đã cung cấp nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) ổn định, giá thành rẻ và dài hạn cho Nhật Bản. Ông khẳng định đây là một dự án rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản, do đó Tokyo không có kế hoạch rút khỏi dự án này. 

Nga buộc ‘các nước thiếu thân thiện’ phải trả tiền ruble để mua khí đốt từ 1/4

Hãng TASS ngày 31/3 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh buộc khách hàng tại “những nước thiếu thân thiện” phải trả bằng đồng ruble khi mua khí đốt của Nga kể từ ngày 1/4, và các hợp đồng sẽ bị chặn nếu không tuân thủ.

Phát biểu tại cuộc họp về tình hình lĩnh vực hàng không, nhà lãnh đạo Nga cho biết nếu bên mua từ các quốc gia thiếu thân thiện từ chối trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble, Nga sẽ xem đó là sự vi phạm hợp đồng.

Đài RT dẫn lời chuyên gia Ilya Ilyin tại Ngân hàng Promsvyazbank (Nga) cho rằng các nước có thể sẽ sớm phải tạo nguồn dự trữ đồng ruble cho nền kinh tế nội địa nếu muốn tiếp tục mua khí đốt của Nga.

Các nước thiếu thân thiện mà Tổng thống Putin đề cập gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước, vùng lãnh thổ khác.