Chờ...

Tin nhanh chiều 31/3: Tuyển tình nguyện viên thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 dạng xịt mũi

(VOH) - Sau khi thử nghiệm, tình nguyện viên theo dõi sức khỏe trong một năm với 4 lần thăm khám định kỳ, mỗi lần được hỗ trợ 900.000 đồng.

Tuyển tình nguyện viên thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 dạng xịt mũi

Viện Pasteur Nha Trang dự kiến tuyển 3.000 tình nguyện viên từ 18 tuổi trở lên, sinh sống ở Quảng Nam và Khánh Hòa tham gia giai đoạn III của quá trình nghiên cứu lâm sàng vắc xin phòng COVID-19 dạng phun sương xịt mũi, dùng véc-tơ virus cúm.

Theo đó, các tình nguyện viên phải đáp ứng thêm các yêu cầu: khỏe mạnh hoặc bệnh nhẹ duy trì ổn định; tiêm liều vắc xin phòng COVID-19 cuối cùng cách đây ít nhất 3 tháng; chưa từng mắc COVID-19 và sẵn sàng tuân thủ 4 lần thăm khám của nghiên cứu.

Chương trình tuyển tình nguyện viên sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 30/4/2022. Thời gian tham gia thử nghiệm của tình nguyện viên dự kiến kéo dài một năm kể từ ngày phun sương xịt mũi vắc xin phòng COVID-19 vào cơ thể.

Khi đăng ký, tình nguyện viên sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe; sau đó được phun xịt hai liều thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 vào mũi, mỗi liều cách nhau 14 ngày và theo dõi sức khỏe trong một năm với 4 lần thăm khám định kỳ theo chương trình nghiên cứu. Với mỗi lần thăm khám sức khỏe, tình nguyện viên được hỗ trợ 900.000 đồng/lần.

Xem thêm: Người dân mới tiêm 1 mũi vắc xin Covid-19 có được cung cấp hộ chiếu vắc xin?

Hải Phòng: Nhà trưởng thôn bị tạt mắm tôm vì 2 lần phản ánh nhà văn hóa bị xâm hại

Ngày 31/3, chủ tịch UBND xã Bắc Hưng huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng xác nhận việc gia đình ông Vũ Văn Việt (64 tuổi, trưởng thôn Xuân Tiến) bị ném mắm tôm và bị nhiều người lạ kéo đến nhà đe dọa.

Trước đó, ông Vũ Văn Việt đã có đơn trình báo gửi cơ quan chức năng về việc ông P.V.T. (người xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng) tự ý cho xe cẩu phá tường bao và nhà vệ sinh của Nhà văn hóa thôn Xuân Tiến. Mục đích là để lối đi vào mảnh đất mà ông T. mới mua từ gia đình ông B.C.N. (nằm giáp phía bắc Nhà văn hóa thôn Xuân Tiến) được rộng rãi hơn.

Phát hiện sự việc, ông Việt cùng một số cán bộ thôn đã ra ngăn chặn, đồng thời báo cáo sự việc lên lãnh đạo UBND xã Bắc Hưng.

Ngày 26/1, ông T. dẫn theo hàng chục người, đem cả hung khí tìm đến nhà ông Việt để chửi bới, đe dọa. Ông Việt đã báo cáo Đảng ủy và UBND xã Bắc Hưng.

Tin nhanh chiều 31/3: Tuyển tình nguyện viên thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 dạng xịt mũi 1
Khu vực kênh nước và Nhà văn hóa thôn Xuân Tiến bị xâm hại - Ảnh: TTO

Tại trụ sở UBND xã Bắc Hưng, ông T. xin lỗi và hứa sẽ xây trả lại tường bao cùng công trình vệ sinh nhà văn hóa thôn. Nhưng ngày 24/3, ông T. tiếp tục thuê xe để đổ đất vào diện tích đất thuộc Nhà văn hóa thôn Xuân Tiến và lấn chiếm dòng kênh liền kề để làm đường đi vào mảnh đất đã mua.

Ông Việt tiếp tục trình báo UBND xã Bắc Hưng. Chủ tịch UBND xã Bắc Hưng đã trực tiếp xuống kiểm tra, lập biên bản yêu cầu ông T. dừng việc thi công. Đồng thời cũng giao cơ sở thôn tổ chức xây lại tường bao cho Nhà văn hóa.

Trong thời gian này, ông T. tiếp tục có hành vi đe dọa, chửi bới ông Việt. Khoảng 21h45 ngày 28/3, gia đình ông Việt còn bị nhóm người lạ mặt ném mắm tôm vào nhà. Con trai ông Việt phát hiện và đuổi theo thì bị nhóm này dùng hung khí uy hiếp, khiến anh ngã ra đường, bị gãy chân.

Liên quan vụ việc này, Công an huyện Tiên Lãng đang phối hợp để điều tra.

Đà Nẵng: Cho người Trung Quốc lưu trú trái phép, 3 người bị phạt hơn 22 năm tù

Ngày 31/3, Tòa án nhân dân (TAND) TP Đà Nẵng đã tuyên phạt Lê Thị Diệu My (30 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) 9 năm tù, Trần Thị Thanh Trà (29 tuổi, trú Long Xuyên, tỉnh An Giang) 8 năm tù, Nguyễn Thị Thanh Hằng (25 tuổi, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) 5 năm 6 tháng tù về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”. Đồng thời, phạt bổ sung hai bị cáo My và Trà cùng số tiền 30 triệu đồng.

Theo cáo trạng, tháng 2/2019 My thuê lại Ly's spa & Apartment (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) của bà L.T.T.U. (57 tuổi) để làm cơ sở lưu trú và massage.

Ngoài ra, My cũng thuê khách sạn Haya (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) của bà N.T.C. (55 tuổi) từ ngày 1/5/2020 đến ngày 1/1/2021 với số tiền 60 triệu đồng/tháng.

Tháng 10/2019, Trà quen biết My qua mạng xã hội Facebook và được rủ về phụ giúp việc kinh doanh quán karaoke do My mở. Tháng 1/2020, Trà chuyển về ở cùng My và làm quản lý tại cơ sở lưu trú Ly's spa. Tháng 6/2020, My thuê Hằng làm quản lý cho cơ sở lưu trú Ly's spa.

Tin nhanh chiều 31/3: Tuyển tình nguyện viên thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 dạng xịt mũi 2
Các bị cáo tại tòa - Ảnh:SGGP

Từ ngày 23/7/2020 đến ngày 30/7/2020, My cùng Trà đã nhiều lần tổ chức cho 13 đối tượng Trung Quốc không có thị thực nhập cảnh trái phép vào ở tại cơ sở lưu trú và massage Ly's spa & Apartment.

Hằng có hành vi 2 lần giúp sức cho My, Trà trong việc tổ chức cho 10 đối tượng Trung Quốc không có thị thực nhập cảnh lại Việt Nam trái phép.

Được biết, tổng số tiền My thu lợi bất chính là 22.400.000 đồng, Trà thu lợi bất chính số tiền 2 triệu đồng.

Đường sắt tăng chuyến trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, từ ngày 28/4 đến ngày 4/5/2022, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ chạy tăng cường 47 đoàn tàu khách trên các tuyến.

Số lượng tàu chạy thêm tập trung trên các tuyến từ TP.HCM và Hà Nội đến các tỉnh thu hút lượng khách du lịch đông trong kỳ nghỉ lễ. Cụ thể:

  • Khu vực phía Bắc sẽ tổ chức chạy thêm 30 đoàn tàu từ Hà Nội đi: Lào Cai, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và ngược lại.
  • Khu vực phía Nam, các đơn vị đường sắt tổ chức chạy thêm 17 đoàn tàu từ ga Sài Gòn đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng và ngược lại.

Hiện tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang chạy hằng ngày 6 đoàn tàu khách Thống Nhất mang số hiệu SE3, SE4, SE5, SE6, SE7, SE8.

Căn cứ vào nhu cầu đi lại thực tế của hành khách, trong những ngày tới, ngành đường sắt sẽ tiếp tục tổ chức chạy tàu tăng cường trên các tuyến.

Ngoài ra, trong dịp vận tải cao điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ngành đường sắt vẫn duy trì áp dụng chính sách giảm giá vé khứ hồi lượt về từ 5%-10% và giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội như: mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người cao tuổi, học sinh, sinh viên…

Xem thêm: Người lao động được nghỉ lễ 7 ngày trong tháng 4

Người dân TP.HCM, Đồng Nai có tuổi thọ trung bình cao nhất cả nước

Theo Tổng cục Thống kê, 5 địa phương dẫn đầu cả nước về tuổi thọ trung bình của người dân trong giai đoạn 2016-2020 là: Đồng Nai 76,5 tuổi; TP.HCM 76,5 tuổi; Bà Rịa - Vũng Tàu 76,4 tuổi; Đà Nẵng 76,1 tuổi và Tiền Giang 75,9 tuổi.

Những địa phương người dân có tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh thuộc nhóm thấp cả nước được ghi nhận là: Lai Châu 65,8 tuổi; Kon Tum 66,8 tuổi; Hà Giang, Điện Biên là 67,8 tuổi và Quảng Trị 68,2 tuổi.

Tin nhanh chiều 31/3: Tuyển tình nguyện viên thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 dạng xịt mũi 3
Người dân TP.HCM và Đồng Nai sống thọ nhất cả nước - Ảnh: Internet

Tổng cục Thống kê nhận định, trong giai đoạn 2016-2020, nhìn chung tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của các địa phương tăng dần qua các năm.

Trong đó, có 56 địa phương tuổi thọ trung bình năm 2020 cao hơn năm 2016, 3 địa phương tuổi thọ người dân không thay đổi và 4 địa phương có mức tuổi thọ trung bình của người dân giảm.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, do tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh tăng nên chỉ số sức khỏe người dân của các địa phương giai đoạn 2016-2020 đều đạt khá cao. Hai địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số sức khỏe người dân giai đoạn 2016-2020 là TP.HCM và Đồng Nai đạt 0,869 điểm.