Tin nhanh trưa 19/3: Có thể ngưng điều trị miễn phí khi chuyển COVID-19 sang bệnh nhóm B

(VOH) – Nếu COVID-19 được đưa ra khỏi nhóm bệnh ‘đặc biệt nguy hiểm’ (nhóm A), việc điều trị miễn phí sẽ có sự thay đổi.

Có thể ngưng điều trị miễn phí khi chuyển COVID-19 sang bệnh nhóm B

Ngày 17/3 Chính phủ có nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch để thay đổi các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm) sang nhóm B (bệnh truyền nhiễm nguy hiểm)… Nếu được phép, sự điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng đến nhiều việc, trong đó có việc điều trị miễn phí cho người mắc bệnh.

Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A thuộc diện được điều trị miễn phí.

Trong 2 năm qua, người bệnh COVID-19 có bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả phí điều trị, người không có bảo hiểm thì ngân sách phải chi trả chi phí. Từ đó đến nay, hàng triệu người bệnh COVID-19 được điều trị tại bệnh viện (có bệnh nhân mức chi phí điều trị thành công lên đến hàng tỉ đồng) đã được hai nguồn này chi trả.

Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp phòng chống dịch với bệnh truyền nhiễm nhóm B thì mặc dù tên bệnh COVID-19 vẫn ở nhóm A nhưng việc miễn phí điều trị sẽ có sự thay đổi. Cụ thể, chỉ người có bảo hiểm y tế mới được bảo hiểm trả phí, người không có bảo hiểm sẽ phải tự bỏ tiền túi để điều trị.

Xem thêm: Những khoản tiền Quỹ BHYT thanh toán cho người mắc Covid-19

TP.HCM: F0 bị thủng ruột, nhiễm trùng ổ bụng do uống thuốc quên bóc vỏ

Bà T.L. (48 tuổi) – một nữ bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM – đã bị thủng ruột, nhiễm trùng ổ bụng do uống thuốc còn nguyên vỏ và để vậy suốt 3 ngày mà không đi khám.

Theo đó, bà T.L. nhập viện tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) trong tình trạng đau bụng dữ dội. Sau khi thăm khám và chụp CT-scan vùng bụng, các bác sĩ phát hiện trong ruột non của bệnh nhân có một dị vật đâm thủng ruột gây nhiễm trùng ổ bụng. Qua khám sàng lọc cũng phát hiện bà T.L. bị mắc COVID-19.

Khi bác sĩ hỏi thăm bệnh sử, bệnh nhân mới sực nhớ ra do lơ đễnh, 3 ngày trước đã uống một viên thuốc còn nguyên vỏ bọc. Sau đó, do không thấy có triệu chứng gì khó chịu nên đã không đi khám. Cho đến tối ngày thứ 3, khi xuất hiện các cơn đau bụng thì bệnh nhân mới nhập viện.

Tin nhanh trưa 19/3: Có thể ngưng điều trị miễn phí khi chuyển COVID-19 sang bệnh nhóm B 1
Viên thuốc còn nguyên vỏ được lấy ra sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Bà T.L. đã được mổ cấp cứu trong đêm tại phòng mổ dành riêng cho bệnh nhân COVID-19. Các bác sĩ đã lấy ra một viên thuốc còn nguyên vỏ bọc với các cạnh sắc nhọn và tiến hành khâu lại ruột non bị thủng.

Được biết, sau 3 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định, hết đau bụng, tình trạng nhiễm trùng ổn định.

Vây bắt nhóm “quái xế” từ TP.HCM xuống Đồng Nai “dợt xe”

Rạng sáng ngày 19/3, Đội CSGT Rạch Chiếc phối hợp cùng tổ chống đua xe của Phòng PC08 đã vây bắt nhóm “quái xế” chạy xe tốc độ cao, lạng lách, nẹt pô... trên quốc lộ 1, đoạn qua TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Theo đó, khoảng 1h30, nhóm “quái xế” hẹn nhau qua mạng xã hội rồi đổ về quốc lộ 51, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai để tụ tập “dợt xe” (so kè tốc độ). Sau khi “chơi” cùng nhóm “quái xế” ở Đồng Nai, nhóm này tiếp tục chạy theo quốc lộ 51, quốc lộ 1 hướng từ cầu Đồng Nai để qua địa bàn Bình Dương, TP.HCM.

Tin nhanh trưa 19/3: Có thể ngưng điều trị miễn phí khi chuyển COVID-19 sang bệnh nhóm B 2
Nhóm "quái xế" bị CSGT bắt  giữ - Ảnh: MINH HÒA

Nhận tin báo, lực lượng CSGT Đội Rạch Chiếc cùng tổ chống đua xe của Phòng PC08 đã bố trí lực lượng mật phục, vây bắt 9 thanh niên (7 nam, 2 nữ) cùng 6 xe máy. Qua kiểm tra, nhóm thanh niên âm tính với chất ma tuý.

Nhóm “quái xế” này có tuổi đời khá trẻ và đều sinh sống ở TP.HCM. Nhóm khai, lúc khuya được nhóm “quái xế” ở Đồng Nai rủ xuống “dợt xe”, do ham vui, bạn bè rủ rê, thách thức nên đã mang SH của ba mẹ đi so kè.

Xem thêm: Bắt giữ ‘hội quái xế đêm’, phát hiện 5 thanh niên dương tính Covid-19

Miền Bắc đón liên tiếp 3 đợt không khí lạnh trong tháng 3

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay cho đến hết tháng 3, các tỉnh miền Bắc sẽ chịu ảnh hưởng của 3 đợt không khí lạnh.

Dự báo khoảng đêm 22 đến ngày 23/3, bộ phận không khí lạnh mạnh sẽ tràn xuống Bắc Bộ gây mưa rào và dông rải rác.

Mưa to nhất tập trung ở khu vực Tây Bắc, các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai. Vùng núi các tỉnh này cũng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Khu vực đồng bằng có mưa và nhiệt giảm rõ rệt trong ngày 23/3.

Không khí lạnh khiến nền nhiệt khu vực đồng bằng xuống 17-19 độ C, vùng núi 14-16 độ C.

Sau đó, miền Bắc có thể đón các đợt không khí lạnh tiếp theo vào ngày 26/3 và 31/3.

Xem thêm: Trời lạnh, tắm, gội đầu như thế nào để tránh bị cảm lạnh, đột quỵ?

Người lao động được nghỉ lễ 7 ngày trong tháng 4

Người lao động sẽ được nghỉ lễ tổng cộng 7 ngày và hưởng 100% lương trong 2 kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) và ngày thống nhất đất nước 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5.

Cụ thể, ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) là ngày 10/4 dương lịch, rơi vào chủ nhật nên người lao động sẽ được nghỉ bù vào thứ hai của tuần kế tiếp, tức nghỉ 3 ngày liên tục, từ ngày 9 – 11/4.

Ngày thống nhất đất nước 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 rơi vào thứ bảy, chủ nhật là ngày nghỉ nên người lao động được nghỉ bù vào thứ hai và thứ ba của tuần kế tiếp, tức nghỉ 4 ngày liên tục, từ ngày 30/4 – 3/5.

Tin nhanh trưa 19/3: Có thể ngưng điều trị miễn phí khi chuyển COVID-19 sang bệnh nhóm B 3
Lịch nghỉ lễ trong tháng 4  của người lao động - Ảnh: Internet

Lịch nghỉ trên được áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

Các cơ quan, tổ chức không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.