Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tin nóng sáng 16/3: Yêu cầu thanh tra nội bộ việc chậm mua vắc xin trẻ em

(VOH) - Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thực hiện thanh tra nội bộ việc chậm triển khai mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và việc chậm cấp phép thuốc điều trị Covid-19.

 

TIN TRONG NƯỚC

Thủ tướng yêu cầu thanh tra nội bộ việc chậm mua vắc xin trẻ em

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế thực hiện thanh tra nội bộ, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm triển khai mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và việc chậm cấp phép thuốc điều trị Covid-19

Kết quả phải được hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 3/2022.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh tại TPHCM (Ảnh: QĐND) 

Liên quan đến kiến nghị của Bộ Y tế về "Kế hoạch sử dụng vắc xin phòng Covid-19 năm 2022", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo địa phương thần tốc hơn nữa trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên; dứt khoát không để chậm trễ việc mua, tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. 

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế theo dõi sát tình hình, khuyến nghị, kinh nghiệm quốc tế việc tiêm mũi 4 để sớm chủ động xử lý, báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền. Nếu thiếu vắc xin, để xảy ra hậu quả, Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Tỉ lệ tử vong Covid-19 ở Việt Nam đã giảm nhiều

Một thống kê tỉ lệ tử vong/tổng ca mới theo tuần ở Việt Nam cho hay, giai đoạn tuần 34 và 35-2021, tỉ lệ này lên tới 5,98 - 10,08%, đây là lúc ghi nhận số ca tử vong cao nhất, càng về cuối 2021 càng giảm dần, thấp nhất là tuần thứ 46 với 0,96.

Tỉ lệ tử vong chung của năm 2021 là 1,94%/tổng số ca mắc. Sang năm 2022, tính trong 10 tuần đầu năm ghi nhận gần 2,45 triệu ca mắc, tỉ lệ tử vong chung là 0,36% và tuần gần nhất đang ở mức 0,07%/số ca mắc theo tuần.

Báo cáo này cũng cho hay về số lượng, tổng số ca tử vong đến nay là 41.545 ca, trong đó 10 tuần đầu năm 2022 tuy số mắc tăng cao, tỉ lệ tử vong theo tuần giảm xuống rất thấp nhưng vẫn ghi nhận tới gần 8.700 ca tử vong.

Đây là một trong những lý do khiến Covid-19 dù đã xuất hiện hơn 2 năm, số mắc rất lớn nhưng chưa thể coi là bệnh lưu hành do căn nguyên gây bệnh chưa ổn định, số tử vong còn cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch đang lưu hành...

Xem thêm: Hướng dẫn mới của Bộ Y tế: F0 được ra khỏi nhà nhưng phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách

Hà Nội: Hàng quán không phải đóng cửa sau 21h hằng ngày

Ngày 15/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành công văn về việc triển khai các biện pháp an toàn phòng dịch Covid-19 và mở cửa lại du lịch tại thủ đô.

Điểm đáng chú ý nhất trong công văn của UBND TP Hà Nội là cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường (không quy định đóng cửa sau 21h hằng ngày).

Tuy nhiên, phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan.

Trong bối cảnh số F0 tăng nóng như hiện nay, người đứng đầu UBND TP Hà Nội yêu cầu phải bổ sung, kiện toàn tổ Covid cộng đồng, tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà; huy động toàn bộ ngành y tế trong, ngoài công lập để thực hiện hướng dẫn về điều trị F0 tại nhà, hạn chế tối đa số ca chuyển nặng, tử vong, không để xảy ra quá tải hệ thống y tế.

Về giáo dục, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu việc tổ chức dạy và học trực tiếp tại các trường phải gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, kiểm soát và xử lý kịp thời các ca nhiễm, giữ mức độ an toàn cao nhất cho học sinh, giáo viên.

Hà Nội chính thức mở lại phố đi bộ Hồ Gươm từ 18/3

Phố đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm sẽ được mở cửa để phát triển du lịch, người dân đến đây cần vân cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo quy định.

Người dân đến đây cần áp dụng các biện pháp phòng dịch theo quy định, đặc biệt là tuân thủ 5K, kiểm soát người vào tuyến phố, đảm bảo giãn cách hoạt động trên tuyến phố...

Trước đó, tháng 4/2021, UBND quận Hoàn Kiếm thông báo tạm dừng tổ chức hoạt động của các không gian đi bộ trên địa bàn quận từ ngày 30/4/2021 để phòng chống dịch Covid-19.

Cũng liên quan tới không gian đi bộ ở Thủ đô, dịp lễ 30/4 và 1/5 tới đây, tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây (Thị xã Sơn Tây) sẽ được đưa vào hoạt động. Đây sẽ là tuyến phố đi bộ thứ 4 tại Hà Nội.

Thành phố Hà Nội đã có điều chỉnh một số biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trong tình hình mới, trên cơ sở dịch bệnh trên địa bàn Thành phố được kiểm soát, tỷ lệ tiêm vắc xin của người dân đạt trên 99,6%. Mục tiêu là để phục hồi kinh tế, xã hội, phát triển du lịch và các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.

Quảng Ninh chuẩn bị chu đáo các điều kiện để mở cửa đón khách du lịch

Du khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam đáp ứng quy định phòng dịch tại các điểm đến ở Quảng Ninh sẽ không phải trình hộ chiếu vắc xin, không cần xác nhận F0 đã khỏi bệnh, không phải xét nghiệm PCR, test nhanh và không nhất thiết phải đi theo tour khép kín.

Một tháng nay, các hãng lữ hành, khách sạn đã tuyển dụng mới, thu hút nhân lực kinh nghiệm bằng chính sách ưu đãi, sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại.

Đạt trên 97% dân số tiêm chủng mũi 3 sẽ tạo ra hành lang an toàn cho người dân và du khách. Tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, phố đêm du thuyền hay du lịch golf. Là địa điểm tổ chức thi đấu 7 môn thể thao Sea Games tháng 5 tới, trước mắt Quảng Ninh sẽ nhắm vào các thị trường gần như ASEAN, Đông Bắc Á.

Từ nay đến cuối năm, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức chuỗi hoạt động như Lễ hội Carnaval Hạ Long 2022, Liên hoan Xiếc quốc tế, Festival Áo dài, đặc biệt là sự kiện quốc gia phát động "Mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn" trong tháng 3. Năm nay, Quảng Ninh phấn đấu đón 10 triệu lượt khách, trong đó 1,5 triệu lượt khách quốc tế.

Muốn khám hậu Covid-19 tại TPHCM, có những địa chỉ nào?

Tại TPHCM, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người bệnh hậu Covid-19, nhiều cơ sở y tế đã tổ chức khám, chữa bệnh hậu Covid-19.

Nhiều người sau khi nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh vẫn phải đối mặt với các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, ho kéo dài, đau cơ khớp, giảm sự tập trung, mất ngủ, trầm cảm... Các triệu chứng này được xem là hậu Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe thể chất, tinh thần của người bệnh.

- Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TPHCM, hay còn gọi là Bệnh viện 1A. Địa chỉ: 589 Lý Thường Kiệt, P.7, Q.Tân Bình, TPHCM. Tại bệnh viện có đơn vị Phục hồi chức năng sau Covid-19. Phí khám bệnh tại đây là 100.000 đồng, chưa tính thêm các chi phí khác nếu có chỉ định của bác sĩ. 

- Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, tại bệnh viện có 2 cơ sở khám hậu Covid-19, gồm:

Phòng khám hậu Covid-19 tại trụ sở chính Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Địa chỉ: phòng số 55, tầng trệt, khu B, số 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, TPHCM. Phí khám bệnh 150.000 đồng, chưa tính thêm các chi phí phát sinh khác theo chỉ định của bác sĩ. 

Phòng khám hậu Covid-19 tại Cơ sở 3 của bệnh viện, phối hợp điều trị Đông - Tây y kết hợp. Địa chỉ số 221B Hoàng Văn Thụ, P.8, Q.Phú Nhuận, TPHCM. Phí khám bệnh 100.000 đồng, chưa tính thêm các chi phí phát sinh khác theo chỉ định của bác sĩ. 

- Bệnh viện Chợ Rẫy, địa chỉ: số 201B Nguyễn Chí Thanh, P.12, Q.5. Tại bệnh viện có “Phòng khám Di chứng Covid-19”, đặt tại Khu Phòng khám chuyên gia của bệnh viện.

- Bệnh viện Lê Văn Thịnh có Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu sau nhiễm Covid-19. Thời gian làm việc từ thứ 2 - thứ 6, tại địa chỉ số 145 Lê Văn Thịnh, P.Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức. 

- Viện Y dược học dân tộc TPHCM, địa chỉ: cổng số 2, số 273 Nguyễn Văn Trỗi, P.10, Q.Phú Nhuận, TPHCM. Tại cơ sở điều trị bệnh nhân hậu Covid-19 theo phương pháp y học cổ truyền.

- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, phòng khám hậu Covid-19 tại Khoa khám bệnh theo yêu cầu, số 764 Võ Văn Kiệt, P.1, Q.5. Thời gian hoạt động tất cả các ngày trong tuần, từ 7 giờ 30 sáng đến 20 giờ. Phí khám bệnh 130.000 đồng, chưa tính thêm các chi phí phát sinh khác theo chỉ định của bác sĩ.

- Bệnh viện Y học cổ truyền, có hai hình thức khám hậu Covid-19:

Người bệnh khám dịch vụ, khám ở cơ sở 1, địa chỉ số 179 - 187 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.Võ Thị Sáu, Q,3, TPHCM. Chi phí khám 120.000 đồng, chưa tính thêm các chi phí phát sinh khác theo chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh dùng có Bảo hiểm y tế khám ở cơ sở 2, địa chỉ tại 218K Trần Hưng Đạo, P.11, Q.5. 

TIN THẾ GIỚI

Nga và Ukraine nối lại đàm phán

Ngoại trưởng Nga cho biết mục đích của các cuộc đàm phán hiện nay giữa Moskva và Kiev là nhằm đảm bảo trạng thái trung lập của Ukraine.

Cùng ngày, Điện Kremlin cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận về các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine nhằm giải quyết xung đột. Vì cuộc đàm phán "rất phức tạp" và Moskva không muốn đưa ra dự báo về kết quả. Tuy nhiên, ông cho biết tiến trình đàm phán vẫn đang tiếp tục diễn ra theo hướng tích cực.

Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ không trở thành thành viên NATO

Hôm qua, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố đã đến lúc phải thừa nhận rằng nước này sẽ không trở thành một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Zelensky nhấn mạnh Ukraine cần tìm kiếm các hình thức hợp tác mới với phương Tây và sự đảm bảo an ninh.

Phát biểu với báo giới, Đại sứ Nebenzia nhấn mạnh Nga sẽ chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine khi các mục tiêu của chiến dịch này đã được hoàn tất, trong đó có cả việc phi quân sự hóa.

Nga hạn chế xuất khẩu ngũ cốc sang các nước Liên minh kinh tế Á - Âu

Trong thông báo ra cuối ngày 14/3, Chính phủ LB Nga nêu rõ nước này sẽ tạm thời áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu ngũ cốc sang các nước thành viên EEU. Lệnh cấm xuất khẩu các loại ngũ cốc gồm lúa mạch đen, lúa mì, lúa mạch, ngô, sẽ có hiệu lực đến ngày 30/6 tới. Tuy nhiên, quyết định này có một số ngoại lệ, trong đó có các chuyến hàng viện trợ nhân đạo, sau khi được Bộ Nông nghiệp thông qua.

Chính phủ LB Nga cũng cho biết sẽ tạm dừng xuất khẩu “đường thô và đường trắng đến các nước thứ ba”. Lệnh hạn chế này sẽ có hiệu lực đến ngày 31/8 tới. Quyết định trên nhằm bảo vệ thị trường lương thực, thực phẩm trong nước trong khi Nga đối mặt với những biện pháp hạn chế của nước ngoài.

Phát lộ mộ cổ từ thế kỷ 14 bên dưới Nhà thờ Đức Bà Paris

Các nhà khảo cổ học tại Pháp đã phát hiện một số ngôi mộ cổ và một cỗ quan tài bằng chì được cho là có niên đại từ thế kỷ 14 ở bên dưới Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris.

Theo thông báo ngày 14/3 của Bộ Văn hóa Pháp, các khu chôn cất bên dưới Nhà thờ Đức Bà là một phát hiện khoa học đáng chú ý, được phát lộ trong cuộc khai quật phục vụ công tác phục dựng ngọn tháp chuông của nhà thờ.

Trong một ngôi mộ có cỗ quan tài hình người bằng chì và hoàn toàn nguyên vẹn. Cỗ quan tài này có thể là để chôn cất một chức sắc thời xưa và có niên đại từ những năm 1300 sau khi Nhà thờ Đức Bà được xây dựng.

Hiện tượng bụi cát bất thường ở Tây Ban Nha

Hôm qua, một khối khí nóng từ sa mạc Sahara đã tràn vào nhiều khu vực ở Tây Ban Nha, trong đó có thủ đô Madrid, mang theo cả bụi bẩn và đất cát khiến bầu trời như bị “nhuốm màu cam” và nhiều ô tô cũng như đường phố bị phủ một lớp bụi. Cửa sổ của các tòa nhà cao tầng ở trung tâm thủ đô Madrid như được dán một lớp màng màu nâu.

Theo các nhà khí tượng, những cơn bão ở sa mạc Sahara tạo ra những cơn gió mạnh cuốn theo bụi bẩn và đất cát vào không khí. Các hạt bụi nhỏ hơn lơ lửng trong không khí do nhiệt độ chênh lệch giữa mặt đất và không khí nóng bên trên. Sau đó, gió thổi chúng về phía Bắc.

Bình luận