Chờ...

Tin nóng sáng 19/3: TPHCM - Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ngưng nhận bệnh

(VOH) - Sở Y tế cho hay Bệnh viện Hồi sức COVID-19, đóng tại Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) ngưng nhận bệnh từ 18/3.

Đây là bệnh viện hồi sức đầu tiên và có số giường bệnh lớn nhất tại TPHCM với quy mô 1.000 giường.

Hiện TP vẫn tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của quận, huyện và TP Thủ Đức để tiếp nhận, chăm sóc và điều trị người bệnh mắc COVID-19 trên địa bàn.

TPHCM: Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ngưng nhận bệnh 1
Ảnh minh hoạ: TTO

Bên cạnh đó tiếp tục duy trì hoạt động Bệnh viện dã chiến số 13, 14, và 16. Hai bệnh viện dã chiến số 14, 16, đa tầng Tân Bình, Bệnh viện 175, Bệnh nhiệt đới và Chợ Rẫy tiếp tục duy trì giường hồi sức để điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng.

Sở Y tế đề nghị tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa phải thành lập khoa hoặc đơn vị điều trị COVID-19 để tiếp nhận các trường hợp có bệnh lý cấp tính kèm xét nghiệm dương tính COVID-19.

Sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục thi công cải tạo

Ngày 18/3, nhiều hãng hàng không đồng loạt khuyến cáo hành khách theo dõi lịch bay thường xuyên, nhất là vào khung giờ cao điểm cất hoặc hạ cánh. Điều này liên quan tới việc sân bay Tân Sơn Nhất tạm dừng khai thác đường băng 25L đến trước ngày 25/4 để thi công các hạng mục tiếp theo của dự án cải tạo.

Theo Cảng vụ Hàng không miền Nam, từ ngày 21/2, sân bay luân phiên đóng - mở đối với 2 đường băng để thi công và kết nối đường lăn mới. Trước đó, từ ngày 21/2 đến 15/3, sân bay tạm đóng đường băng 25R (phải) để thi công cải tạo. Từ 16/3, đường băng 25R được đưa vào khai thác trở lại và đường băng 25L (trái) tạm dừng để thi công, nạo vét mương thoát nước…

Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Cục Hàng không đã đôn đốc, yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận tập trung tối đa nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại của dự án, mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ 2 đường cất hạ cánh trước ngày 25/4.

TPHCM: mô hình giúp nhân viên y tế vượt qua trầm cảm do đại dịch COVID-19

Ngày 18/3, Sở Y tế TPHCM cho biết rất nhiều nhân viên y tế tại TP phải đối diện với 'burned-out', hội chứng suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng (stress) sau dịch COVID-19. Đồng thời, Sở cũng chia sẻ mô hình của Bệnh viện Hùng Vương giúp nhân viên y tế vượt qua hội chứng gây trầm cảm, kiệt sức, lo âu do đại dịch COVID-19.

Thực tế, nhân viên y tế đã gánh chịu không ít mệt mỏi, căng thẳng, nhiều người bị phơi nhiễm, những người còn lại phải làm việc với công suất tăng gấp nhiều lần trong tình trạng cách ly, trong không khí ngột ngạt, căng thẳng, hằng ngày đối diện với người bệnh lâm vào tình trạng bệnh nặng, nhất là trường hợp mất cả mẹ lẫn con. Bệnh viện đã triển khai chương trình nâng đỡ sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế với mục tiêu sàng lọc, phát hiện sớm rối loạn tinh thần và can thiệp, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế.

Bệnh viện đã tổ chức 28 buổi trò chuyện với các chuyên gia tâm lý cho nhân viên. Sau đó, biên soạn và xuất bản "sổ tay tâm lý", 14 đoạn video clip được Việt hóa, nội dung ngắn gọn để nhân viên tự thực hành tại nhà về các bài tập nâng đỡ cảm xúc.

Các trường đại học cần rõ ràng trong phương thức xét tuyển

Năm 2022, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này có khoảng 20 phương thức xét tuyển đại học, trong đó có nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển mới. Điều này khiến nhiều học sinh hoang mang, lúng túng trước ngưỡng cửa thi đại học.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển trong một ngành, phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành chưa hợp lý có thể dẫn đến những hệ quả không tốt.

TPHCM: Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ngưng nhận bệnh 2
Ảnh minh hoạ: VTV

Để mùa tuyển sinh năm 2022 đảm bảo hiệu quả, công bằng cho thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học cần khai báo các thông tin xét tuyển của các phương thức lên trang thi và tuyển sinh để thí sinh đăng ký xét tuyển. Các trường cần công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh, thực hiện việc tuyển sinh đúng quy chế, xác định và giải trình về các phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo, khắc phục hạn chế của năm 2021.

Đồng Nai đưa khoa khám bệnh và điều trị theo yêu cầu vào hoạt động

Ngày 18/3, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai đưa khoa khám bệnh và điều trị theo yêu cầu vào hoạt động sau gần một năm rưỡi sửa chữa, cải tạo từ khối nhà dinh dưỡng. Tổng mức đầu tư 38 tỷ đồng.

Theo đó, khoa khám bệnh và điều trị theo yêu cầu có 6 tầng (diện tích sử dụng 2.195m2) với các khối phòng cấp cứu và điều trị trong ngày, khu khám ngoại trú với 16 phòng khám, khu điều trị nội trú với 81 giường bệnh được thiết kế theo mô hình bệnh viện khách sạn, khu cận lâm sàng, khu phẫu thuật với 3 phòng mổ đạt chuẩn, 10 phòng hậu phẫu…

Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng là nơi đặt cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Phổi trung ương, từ đó cùng với toàn tỉnh đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh để Đồng Nai trở lại trạng thái bình thường mới.

Hà Nội: đường hoa phong linh thông báo đóng cửa

Chủ đầu tư khu đô thị có đường hoa phong linh 'đẹp như tiên cảnh’ ở quận Hà Đông, Hà Nội bất ngờ ra thông báo đóng cửa kể từ 19-3 sau nhiều ngày có hàng ngàn người đổ về ngắm cảnh, chụp ảnh.

Trong thông báo tối 18-3, chủ đầu tư cho biết: "Hiện tại, đường hoa cũng đã qua những ngày nở rực rỡ nhất và số lượng người tham quan rất đông, không đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời điểm hiện tại. Do vậy, chúng tôi xin thông báo đóng cửa đường hoa phong linh ở khu đô thị P.C.H. từ ngày 19/3".

Chủ đầu tư khu đô thị bày tỏ mong muốn "sớm được đón tiếp quý khách trong các hoạt động tới đây tại khu đô thị khi dịch bệnh được kiểm soát".

Trước đó, ngày 15/3, chủ đầu tư khu đô thị này thông báo, giới thiệu đường hoa "như một tuyệt phẩm mùa vàng rực rỡ những ngày tháng 3" và miễn phí đón khách ghé thăm, chụp ảnh nên thông tin nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội.

TIN THẾ GIỚI

Lào: nới lỏng các quy định nhập cảnh

Bộ Ngoại giao Lào vừa ban hành hướng dẫn mới về quy trình xuất, nhập cảnh, theo đó tiếp tục nới lỏng nhiều quy định đối với người nước ngoài. Theo đó người nước ngoài, người không có quốc tịch nhưng có thị thực xuất-nhập cảnh nhiều lần và người có thẻ tạm trú tại Lào vẫn còn thời hạn sẽ không phải xin phép nhập cảnh từ Lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán Lào ở nước ngoài, hoặc từ Bộ Ngoại giao Lào như trước.

Khi nhập cảnh Lào, mọi cá nhân phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ trước thời điểm đến và có đầy đủ giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều cơ bản vaccine phòng COVID-19.

Thái Lan: ngừng yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh đối với du khách

Thái Lan hôm nay đã quyết định ngừng yêu cầu du khách phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi đến nước này. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 1/4 tới. Tuy nhiên, yêu cầu xét nghiệm sau khi đến vẫn được duy trì.

Ngoài ra, Thái Lan tiếp tục yêu cầu du khách phải có bảo hiểm với hạn mức chi trả điều trị COVID-19 ít nhất là 20.000 USD. Cùng ngày, Thái Lan cũng đã gia hạn sắc lệnh tình trạng khẩn cấp thêm 2 tháng, tới ngày 31/5, đồng thời sửa đổi phân loại các tỉnh theo màu sắc dựa theo tình hình COVID-19.

Phần Lan: quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 5 năm liên tiếp

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2022 do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc vừa ghi nhận Phần Lan giữ vị trí đầu bảng, đánh dấu năm thứ năm liên tiếp nước này giữ vị trí số một.

Người dân Phần Lan đón ngày hạ chí tại Helsinki vào năm 2018. Ảnh: Reuters.

Người dân Phần Lan đón ngày hạ chí tại Helsinki vào năm 2018. Ảnh: Reuters.

Đan Mạch giữ vị trí thứ hai, nối tiếp bởi Iceland, Thụy Sĩ và Hà Lan. Việt Nam cũng tăng hạng trong danh sách, từ 79 trong báo cáo năm ngoái lên 77. Lebanon, nước đối mặt suy thoái và Afghanistan, đất nước nhiều năm bị xung đột tàn phá, lần lượt giữ các vị trí cuối bảng là 145 và 146.

NASA thử nghiệm siêu tên lửa, chuẩn bị trở lại Mặt trăng

Hôm qua 18/3, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) bắt đầu di chuyển một tên lửa đẩy mới đến bệ phóng trước khi tiến hành một loạt thử nghiệm để phóng lên Mặt trăng trong loạt sứ mệnh Artemis - biểu tượng cho tham vọng vũ trụ mới của Mỹ.

Với tàu vũ trụ Orion gắn ở phần đỉnh, tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) Block 1 cao 98m, cao hơn tượng Nữ thần Tự do, tạo ra lực đẩy mạnh hơn 15% so với Saturn V (tên lửa dùng trong các sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng Apollo trước đây) và dự kiến sẽ là tên lửa mạnh nhất thế giới ở thời điểm được vận hành.

Đây là thời khắc quan trọng đối với NASA và chương trình Artemis Mặt trăng của họ. Chương trình này nhằm thiết lập sự hiện diện lâu dài và bền vững của con người trên Mặt trăng vào cuối thập niên 2020.