TIN TRONG NƯỚC
Thuốc kháng virus vẫn phải chờ Bộ Y tế hướng dẫn bán
Việc hướng dẫn người mua có giấy kê đơn của bác sĩ, hay giấy xác nhận F0 chỉ xuất phát từ một số nhà thuốc. Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết việc buôn bán này vẫn phải chờ hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo khuyến cáo, không phải trường hợp F0 nào cũng sử dụng thuốc kháng virus. Đại diện Sở Y tế cho biết F0 cần có sự chỉ định của bác sĩ để không có những hệ lụy khi sử dụng thuốc. Ngoài ra theo luật phòng chống truyền nhiễm, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A sẽ được khám và điều trị miễn phí. Do đó dù đã có sẵn thuốc, nhà thuốc được đề nghị chờ hướng dẫn chi tiết.
Thực tế cho thấy khi thuốc kháng virus khi ra thị trường nhận được sự quan tâm của nhiều người khi F0 tăng cao. Tuy nhiên trong bối cảnh chưa có hướng dẫn cụ thể, người bệnh mong các cơ quan chức năng sớm có các quy trình thống nhất để việc tiếp cận nguồn thuốc sớm và an toàn, đúng chỉ định.
Các tỉnh thành tăng cường biện pháp đối phó dịch Covid
Để tránh tình trạng quá tải cho bệnh viện dã chiến, TP Đà Nẵng đã yêu cầu các cơ sở y tế phải tham gia nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng hoặc gửi nhân lực cho bệnh viện dã chiến. Dịch tại Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh... đang rất nóng.
Hà Nội: Số mắc mới sẽ tiếp tục tăng
Cách đây 2 ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại thủ đô.
Tại cuộc họp, bà Trần Thị Nhị Hà - giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho rằng với dự báo số ca COVID-19 tiếp tục tăng, cần có sự điều tiết từ TP đến các địa phương, cũng như sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị nhằm hỗ trợ công tác điều trị cho F0 thể nặng (khoảng 5%), đặc biệt là các bệnh nhi.
Đà Nẵng: 15 nơi điều trị nhưng chỉ vài nơi nhận bệnh nặng
Việc điều trị F0 tại các cơ sở y tế hiện nay theo hiện trạng bệnh viện tách đôi, tức vừa điều trị song song bệnh nhân mắc COVID-19, vừa thực hiện hoạt động khám chữa bệnh thông thường. Thành phố đang có 268 ca bệnh phải thở oxy, trong đó có 40 ca đang trong tình trạng hồi sức tích cực.
Tuy có tới 15 cơ sở y tế tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng chỉ có vài nơi đang điều điều trị ca bệnh nặng (Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Gia đình...).
Qua trao đổi với Bệnh viện Đà Nẵng (nơi phụ trách bệnh viện dã chiến), bà Ngô Thị Kim Yến - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết sẽ giao cho Sở Y tế có phương án điều chỉnh để tránh tình trạng quá tải các ca bệnh nặng do tập trung chủ yếu vào một đơn vị điều trị.
Quảng Ninh chuẩn bị phương án 10.000 ca mới/ngày
Tại Quảng Ninh, trước tình trạng số ca mắc mới tăng ở cả 13/13 địa phương, tỉnh đã tổ chức tầm soát xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng. Dịp cuối tuần, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm chủng mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 cho người chưa tiêm.
Qua rà soát, Quảng Ninh đã ghi nhận hơn 20.000 ca COVID-19 bổ sung, chủ yếu là các F1 của các F0 đã được ghi nhận trước đó.
Mặc dù số ca mắc mới tăng cao, nhưng do Quảng Ninh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất cả nước tiêm vắc xin COVID-19 mũi cơ bản, tỉ lệ người 18 tuổi trở lên đã tiêm 3 mũi đạt trên 93% (đến ngày 26-2), vì vậy trên 97% ca mắc mới ở thể nhẹ, không triệu chứng, chủ yếu cách ly tại nhà, kết quả điều trị tích cực.
Hà Giang cho học sinh 4 huyện, thành phố nghỉ học trực tiếp
UBND tỉnh Hà Giang quyết định cho học sinh các cấp tại TP Hà Giang, huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình nghỉ học trực tiếp từ nay đến hết ngày 12/3.
Đối với 7 huyện còn lại, lãnh đạo các địa phương chủ động xem xét quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học trực tiếp căn cứ theo tình hình dịch trên địa bàn. Trường hợp cần thiết cho học sinh toàn huyện nghỉ học, yêu cầu báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi quyết định.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động thương binh và Xã hội, Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ sở y tế địa phương và người dân nắm bắt tình hình, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khuôn viên cơ quan, đơn vị trường học. Theo dõi, quản lý chặt chẽ sức khỏe của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người học nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi vấn mắc bệnh dịch để được thăm khám, điều trị kịp thời. Các trường cũng chủ động tổ chức các hình thức dạy học linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.
Gần 1.500 người nhận đỡ đầu trẻ mồ côi vì COVID-19
Qua 5 tháng triển khai, chương trình 'Mẹ đỡ đầu' do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức đã kết nối 1.458 trẻ với người đỡ đầu. Nhờ nỗ lực từ các hội viên ở cơ sở, đã có người mẹ ở Mỹ nhận đỡ đầu trẻ bị mồ côi do COVID-19.
Đó là thông tin được bà Trương Thị Thu Thủy - trưởng ban gia đình và xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cho biết tại họp báo thông tin về Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 13, nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra ngày 1-3.
Theo bà Thủy, qua 5 tháng, chương trình Mẹ đỡ đầu nhận chăm sóc trẻ mồ côi, khó khăn đã thực sự “chạm vào cảm xúc”.
“Chương trình nhận chăm sóc các con mồ côi cả cha lẫn mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ do COVID-19, hoặc nguyên nhân khó khăn khác. Khác biệt của chương trình là không phải huy động bao nhiêu tiền cho các con, mà tìm cho các con mẹ đỡ đầu theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Mong muốn là nâng đỡ các con ngay tại cộng đồng, trẻ em được chăm sóc tại gia đình.
Hoang mang giữa "ma trận" thuốc chữa COVID-19
Thuốc đông y, thuốc xịt mũi, họng, thuốc để xông hay kháng sinh, kháng virus, kháng histamine cùng nhiều loại thuốc khác đang được các F0, người bán online rao tràn lan trên mạng xã hội. Còn tại nhiều nhà thuốc, hàng chục loại thuốc, thực phẩm chức năng khác nhau được tư vấn, kê cho người dân để dự phòng tại nhà. Không ít người đã bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để mua.
Hoang mang trước ma trận thuốc điều trị COVID, lại được nhiều lời khuyên từ các F0 đã khỏi bệnh, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 đang rơi vào ma trận thuốc điều trị.
Theo các bác sĩ, đa phần các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ không cần thiết phải dùng các thuốc kháng virus mà chỉ cần điều trị triệu chứng, tăng cường sức đề kháng. Thậm chí ngay tại bệnh viện, tùy thuộc vào triệu chứng các bác sĩ mới kê thuốc kháng virus và đưa ra phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân.
Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn điều trị F0 tại nhà. Chính vì vậy, khi nhiễm COVID-19, người dân không nên tự ý điều trị hay tin theo những đơn thuốc "thần thánh" truyền tay trên mạng để tránh tiền mất, tật mang.
Vietnam Airlines xây dựng 6 phương án bay hỗ trợ công dân Việt Nam tại Ukraine
Báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines cho biết, đã xây dựng 6 phương án bay hỗ trợ công dân Việt Nam tại Ukraine.
Trên cơ sở đó, Vietnam Airlines đã xây dựng 6 phương án bay giải cứu công dân Việt Nam tại Ukraine với các đường bay theo thứ tự ưu tiên như sau:
1. Hà Nội - Warsaw (Ba Lan)
2. Hà Nội - Bucharest (Romania)
3. Hà Nội - Budapest (Hungary)
4. Hà Nội - Bratislava (Slovakia)
5. Hà Nội - Matxcơva (Nga)
6. Hà Nội - Minsk (Belarus)
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam tại Ukraine, ngày 28/2, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng: Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways chuẩn bị nguồn lực (máy bay, phi công, tiếp viên) và xây dựng phương án khai thác các chuyến bay đưa công dân tại Ukraine về nước.
Các hãng được yêu cầu báo cáo phương án khai thác về Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 2/3/2022.
TIN THẾ GIỚI
Ukraine xin xoá nợ 57 tỷ USD do xung đột với Nga
Theo đài Sputnik (Nga), trong một bài đăng trên Facebook ngày 1/3, ông Patskan Giám đốc Phòng Kế toán Ukraine (cơ quan kiểm toán của Quốc hội và tổ chức kiểm toán tối cao Ukraine) cho rằng quy mô sự tàn phá ở Ukraine do chiến dịch quân sự của Nga gây ra là rất lớn. “Các chủ nợ nước ngoài của chúng tôi phải được yêu cầu xóa các khoản nợ của Ukraine. Cho đến nay, khoản nợ nước ngoài là 1,6 nghìn tỷ hryvnia, tương đương hơn 57 tỷ USD”.
Quan chức này thúc giục: "Các tổ chức tài chính quốc tế nên sửa đổi chính sách nợ và xoá bỏ các khoản nợ của Ukraine!"
Bắt đầu từ năm 1992 với khoản nợ nước ngoài là con số 0 nhờ Nga cam kết gánh khoản nợ 100 tỷ USD từ thời Liên Xô, Ukraine đã liên tục chất đống khối nợ lên tới hàng chục tỷ USD với các chủ nợ quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Mỹ và Liên minh Châu Âu.
Sơ tán công dân Việt Nam khỏi vùng chiến sự và về nước theo nguyện vọng
Ngày 1/3, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước diễn biến căng thẳng tại Ukraine và công tác bảo hộ công dân Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: hiện có khoảng 7.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine và chưa có thiệt hại.
Người Phát ngôn nêu rõ: “Các cơ quan đại diện Việt Nam ở Ba Lan, Nga, Romania, Hungary, Slovakia trực đường dây nóng bảo hộ công dân; trao đổi và phối hợp cơ quan chức năng sở tại cập nhật tình hình người Việt từ Ukraine sang, đề nghị tạo thuận lợi cho việc nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú tạm thời, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người Việt Nam; phối hợp với các hội đoàn cộng đồng hỗ trợ người sơ tán. Bộ Ngoại giao cũng đã đề nghị các nhà chức trách của các bên liên quan tạo hành lang an toàn cho bà con ta sơ tán”. Việt Nam đã đề nghị các cơ quan thuộc Liên hợp quốc và các nước tại địa bàn phối hợp đảm bảo các điều kiện thiết yếu, an ninh, an toàn, sơ tán kiều dân. Đến trưa 1/3/2022, đã có khoảng 200 người được Đại sứ quán và các hội đoàn tại Ukraine hướng dẫn và hỗ trợ sơ tán ra khỏi vùng chiến sự.
Nhiều nước Mỹ Latinh đã sơ tán công dân khỏi Ukraine
Chính phủ nhiều nước Mỹ Latinh đã tiến hành sơ tán công dân của mình khỏi Ukraine bằng đường bộ hoặc đường hàng không trong những ngày gần đây.
Một số quốc gia trên thực tế không có cơ quan đại diện ngoại giao tại Ukraine như Chile và Uruguay phải nhờ đến nỗ lực của các đại sứ quán đặt tại các nước láng giềng như Ba Lan và Romania, trong khi nhiều quốc gia khác như Argentina, Mexico, Brazil và Peru đã bố trí các hoạt động đặc biệt cùng với các phương tiện và máy bay quân sự để vận chuyển công dân của họ và thậm chí cả công dân của các nước Mỹ Latinh khác rời khu vực chiến sự.
'Đội quân siêu giàu' tăng kỷ lục bất chấp đại dịch
Trên 51.000 người đã gia nhập hàng ngũ "siêu giàu" trong năm 2021 trong bối cảnh những người vốn đã rất giàu được hưởng lợi từ thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh và giá bất động sản tăng trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.
Báo cáo của Knight Frank cho thấy những người siêu giàu chỉ nắm giữ trung bình dưới 2/3 tài sản của họ. Không có gì ngạc nhiên khi những bất động sản đắt tiền nhất được tìm thấy ở Monaco, nơi người mua nhà sẽ cần chi ít nhất 34 triệu USD để lọt vào top 1% những bất động sản đắt tiền nhất.
Thành phố Lazio của Italy tặng 2.000 euro cho các cặp đôi tổ chức đám cưới
Đây là động thái nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực tổ chức đám cưới sau thời kỳ ngưng trệ vì COVID-19 tại Lazio. Lazio là nơi có nhiều địa điểm để các cặp đôi lựa chọn tổ chức đám cưới, từ thủ phủ Rome đến các bãi biển hoặc lâu đài...
Chính quyền Lazio đã dành tới 10 triệu euro cho sáng kiến này. Những cặp đơn nộp đơn có thể nhận số tiền 2.000 euro cho đến cuối tháng 1/2023 hoặc đến khi số quỹ 10 triệu euro hết. Số tiền này được dùng để chi trả cho các dịch vụ tổ chức đám cưới ở Lazio bao gồm thuê xe, thợ chụp ảnh, hoa cưới, hội trường tổ chức…
Hà Lan tiêu hủy hàng chục ngàn con gà nghi nhiễm cúm gia cầm
Chính phủ Hà Lan ngày 1/3 thông báo nhà chức trách nước này có kế hoạch tiêu hủy khoảng 47.000 con gà tại một trang trại ở thành phố miền Đông Wageningen, sau khi phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm có khả năng lây lan nhanh tại đây.
Trước đó một ngày, nhà chức trách cũng phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm bùng phát ở miền Bắc nước này và quyết định tiêu hủy 37.000 con gà. Như vậy, tổng số gà bị tiêu hủy để phòng dịch trong đợt này ở Hà Lan lên đến 84.000 con.