Chờ...

Tin nóng tối 6/12: TPHCM lên phương án ứng phó biến thể mới

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa qua, cơ quan này đã phối hợp Bộ Tư lệnh và Công an TP tham mưu "thế trận y tế".

Tình hình dịch COVID 19 tại TPHCM:

TPHCM lên phương án ứng phó biến thể mới

Chiều 6/12, tại cuộc họp báo thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa qua, cơ quan này đã phối hợp Bộ Tư lệnh và Công an TP tham mưu "thế trận y tế".

Với thế trận này, 3 bộ phận liên quan được thành lập với chức năng đánh, nhận diện từ xa và tác chiến hiệu quả để khống chế, dập dịch nếu phát hiện biến chủng mới. Theo chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế, TPHCM sẽ có bệnh viện để tiếp nhận, sàng lọc để người bị nhiễm biến chủng này được điều trị tập trung tại nơi riêng biệt.

Theo bà Huỳnh Mai, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM quyết định đưa bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron vào Bệnh viện dã chiến số 12 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TPHCM). Bệnh viện này đã giải thể và hoàn thành sứ mệnh trước đó.

Bệnh viện này đang trống, tương đối biệt lập theo từng block tòa nhà. Do đó, lực lượng y tế sẽ dễ dàng phân biệt nhóm nguy cơ, người nhiễm bệnh. Lực lượng y bác sĩ cũng có bộ phận tăng cường để đáp ứng nếu số lượng bệnh nhân tăng cao.

Tin nóng tối 6/12: TPHCM lên phương án ứng phó biến thể mới 1
Nhân viên làm việc tại phòng Xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. 

TPHCM thông báo 3 quận-huyện tăng cấp độ dịch

UBND TPHCM có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 128. Theo đó, dịch tại TPHCM vẫn đạt cấp độ 2 là vùng vàng – nguy cơ trung bình.

Đáng chú ý, TPHCM có 3 quận, huyện tăng cấp độ dịch so với tuần trước. Cụ thể, có 8/22 địa phương đạt cấp 1 là vùng xanh - nguy cơ thấp, gồm các quận 1, 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Củ Chi. 13/22 địa phương ở cấp 2 là quận 3, 5, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè. Quận 4 là địa phương duy nhất ở cấp độ 3 là vùng cam - nguy cơ cao.

Như vậy, so với tuần trước, quận 11 và huyện Cần Giờ tăng cấp độ dịch từ 1 lên 2; quận 4 tăng từ 2 lên cấp 3. Quận Tân Phú là địa phương duy nhất giảm cấp độ dịch, từ cấp 2 xuống cấp 1. Về độ bao phủ vắc-xin, đến hết ngày 2-12, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin trên địa bàn TPHCM là 100%. Tỉ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc-xin là 98%.

TPHCM: Hàng ngàn học sinh lớp 1 đang nhiễm bệnh, tỉ lệ đồng thuận đi học thấp

Theo thống kê mới đây của Sở GD-ĐT TPHCM có gần 3.000 học sinh lớp 1 đang nhiễm Covid-19, gần 1.500 em đang phải cách ly, Ngoài hàng nghìn học sinh đang nhiễm bệnh hoặc phải cách ly thì còn có tới 5.651 học sinh lớp 1 ở TPHCM đang ở tỉnh chưa về lại thành phố. Số học sinh này trước đó đã theo người thân về quê hoặc được cha mẹ gửi về nhà ông bà chăm sóc khi TPHCM liên tục giãn cách, trường học phải đóng cửa.

Trước khi mở cửa trường học trở lại, các trường bậc mầm non, tiểu học đã thăm dò, lấy ý kiến của phụ huynh. Tuy nhiên tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con đi học lại trong thời điểm này rất thấp, thậm chí nhiều trường không phụ huynh nào đồng ý.

Tin nóng tối 6/12: TPHCM lên phương án ứng phó biến thể mới 2
Dự kiến học sinh lớp 1, lớp 9 và 12 của TPHCM sẽ trở lại trường học trực tiếp từ 13/12

Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM chính thức hoạt động Phòng khám hậu COVID-19

Phòng khám hậu COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM chính thức đi vào hoạt động ngày 6/12, nhằm chăm sóc cho người từng mắc COVID-19. 

Phòng khám hậu COVID-19 tiếp nhận khám, điều trị và theo dõi các tình trạng sau nhiễm của người bệnh như khó thở, mệt mỏi, ho, đau ngực, mất vị giác, rối loạn tâm lý... Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng hậu COVID-19 xuất hiện ở người bệnh COVID-19 thông thường khoảng 3 tháng kể từ lúc nhiễm bệnh. 

Phòng khám hậu COVID-19 dành cho những người bệnh từng mắc COVID-19 không có triệu chứng trong giai đoạn cấp nhưng xuất hiện triệu chứng sau khi xét nghiệm COVID-19 âm tính, còn triệu chứng kéo dài, hoặc di chứng tổn thương phổi trên X-quang ngực, tổn thương các cơ quan khác (tim mạch, gan, thận…) sau nhiễm COVID-19, có biểu hiện nặng trong giai đoạn cấp tính của bệnh COVID-19.

Tình hình dịch COVID 19 ở một số tỉnh thành khác trong cả nước:

Hơn 5 triệu trẻ em 12-17 tuổi đã tiêm vaccine Covid

Tính đến ngày 5/12 có 49 tỉnh, thành phố đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi với tổng số gần 5,3 triệu liều, đạt hơn 58% kế hoạch

Miền Nam và miền Bắc là hai khu vực tiêm cho trẻ nhiều nhất. TP HCM là tỉnh tiêm cho trẻ đầu tiên, số lượng tiêm nhiều nhất, hiện hơn 600.000 trẻ đã được tiêm đủ cả hai mũi. Kế tiếp là Hà Nội, khoảng 500.000 mũi một. Các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp... hơn 100.000 liều.

Bộ Y tế ghi nhận khoảng 0,3% trẻ bị phản ứng thông thường sau tiêm. Các phản ứng thông thường này là sốt, đau vết tiêm, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi... Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi triển khai từ tháng 11 trên cả nước, dự kiến sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này. Loại vaccine đang được sử dụng để tiêm cho trẻ là của Pfizer.

Tin nóng tối 6/12: TPHCM lên phương án ứng phó biến thể mới 3
Ảnh minh họa

Cần sớm triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi

Tại cuộc họp để tiếp tục thúc đẩy việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin và thuốc chữa bệnh hôm 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu, có phương án tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên trên cơ sở khoa học, an toàn, phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước.

Đồng thời, có lộ trình triển khai tích cực, hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho người từ 12-18 tuổi; đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, trong đó ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng tuyến đầu. Nếu cần thiết, các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng chi viện, hỗ trợ các địa phương trong tiêm chủng như chúng ta đã làm trước đó.

Cục Quản lý dược cảnh báo tình trạng tẩy xóa, kéo dài hạn dùng thuốc

Qua công tác hậu kiểm, Cục Quản lý dược đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh dược có vi phạm về việc "bán buôn thuốc thành phẩm cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc", trong đó có các thuốc có hạn dùng còn lại ngắn.

Điều này đã tạo điều kiện cho một số đối tượng có hành vi tẩy xóa, thay đổi hạn dùng của thuốc để đưa ra lưu hành trên thị trường. Cục đã xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh dược có hành vi này.

Cục Quản lý dược yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong kinh doanh thuốc.

Tin nóng tối 6/12: TPHCM lên phương án ứng phó biến thể mới 4
Ảnh minh họa

Đề xuất nới lỏng quy định cách ly, công nhận ‘hộ chiếu vaccine’, nối lại đường bay quốc tế

Bộ Giao thông vận tải đã gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ kiến nghị giải pháp khôi phục khai thác hàng không quốc tế theo đề nghị của các hãng hàng không.

Để đảm bảo tính khả thi, các hãng hàng không đề xuất dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc PCR trong vòng 72 giờ trước chuyến bay. Các sân bay quốc tế của Việt Nam cho biết đã sẵn sàng cho việc tiếp đón các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách.

Ngoài việc toàn bộ nhân viên đã tiêm vắc xin, các sân bay bố trí đầy đủ các khu vực, trang thiết bị tiếp đón các chuyến bay và hành khách đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đại diện các bộ, ngành cũng bày tỏ quan điểm thống nhất chủ trương và sự cần thiết khôi phục khai thác hàng không quốc tế để phù hợp với chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch COVID-19. Đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy khôi phục du lịch quốc tế nói riêng và kinh tế nói chung.

Quảng Ngãi: F0 không triệu chứng điều trị tại nhà từ 20/12

Trong 2 tuần qua, Quảng Ngãi ghi nhận 766 ca Covid-19, tăng 223 ca so với 14 ngày trước. Trong đó, 121 ca phát hiện ở cộng đồng, tăng 22 ca so với tuần trước. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1 cho 96%, mũi 2 cho 86,5% người dân từ 18 tuổi trở lên.

UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất dừng hoạt động chốt kiểm tra y tế ở xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ và đèo Bình Đê, thị xã Đức Phổ từ ngày 6/12. Từ ngày 10/12, cho phép các trường hợp F1, F2 cách ly y tế tại nhà; điều trị F0 không triệu chứng tại nhà từ ngày 20/12.

Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn cụ thể kèm theo các điều kiện đảm bảo an toàn đối với công tác điều trị F0 tại nhà. Tiếp tục tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như massage, karaoke, vũ trường… Sở GD-ĐT làm việc với lãnh đạo các địa phương trong tỉnh để thống nhất phương thức dạy và học theo phương châm an toàn đến đâu thì cho dạy và học trực tiếp đến đó, không để ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Tin nóng tối 6/12: TPHCM lên phương án ứng phó biến thể mới 5
Quảng Ngãi thống nhất cho phép người mắc Covid-19 không triệu chứng được điều trị tại nhà từ ngày 20/12.

Đà Nẵng sẵn sàng đón học sinh khối lớp 1, 8 và 9 đến trường

Từ ngày hôm nay 6/12, học sinh các khối lớp 1, 8 và 9 tại thành phố Đà Nẵng đi học trở lại. Trước đó, ngành Giáo dục thành phố Đà Nẵng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Các trường đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch với từng kịch bản cụ thể, phân công chi tiết đến từng bộ phận. Cùng với đó, mỗi trường đã chuẩn bị phòng cách ly để sẵn sàng ứng phó nếu có trường hợp học sinh liên quan các ca nhiễm COVID-19.

Đối với học sinh lớp 1, nhà trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Các trường học nằm trong vùng dịch cấp độ 3 - 4 vẫn chưa được mở cửa đón học sinh. Giáo viên và học sinh sinh sống trong khu vực có cấp độ dịch 3, 4 vẫn chưa được đến trường trong đợt này.

Đà Nẵng: Hàng chục ca cộng đồng xuất phát từ các chợ

Ngày 6/12, Đà Nẵng ghi nhận thêm 125 ca mắc COVID-19, gồm 20 ca cách ly tập trung, 38 ca cách ly tại nhà, 12 ca trong khu phong tỏa và 55 ca chưa cách ly.

Đáng chú ý, trong số các ca nhiễm cộng đồng, có tới 30 người là tiểu thương chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu); 1 người tại chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà); 2 người phát hiện khi lấy mẫu định kỳ tại Công ty Thuận Phước…

Chợ Hòa Khánh đang là điểm nóng lây nhiễm dịch COVID-19 trên địa bàn, đã có hơn 100 ca nhiễm liên quan đến chợ. Hiện chợ đã tạm ngừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Quận Liên Chiểu tiếp tục là quận có ca mắc nhiều nhất trong ngày với 53 ca. Hai phường Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Nam đang ở cấp độ 3.

Trong sáng nay, thành phố cũng cho học sinh lớp 1, 8, 9 đi học lại. Các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn quận Liên Chiểu chưa tổ chức dạy học trực tiếp.

Tin nóng tối 6/12: TPHCM lên phương án ứng phó biến thể mới 6
Nhiều ngày qua Đà Nẵng liên tục ghi nhận ca nhiễm COVID-19 là tiểu thương.

Thừa Thiên Huế: Triển khai tổ y tế lưu động chăm sóc bệnh nhân Covid-19

Hôm nay (6/12), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch triển khai mô hình tổ y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn. Theo đó, tất cả các địa phương đều thành lập tổ y tế lưu động, sẵn sàng kích hoạt khi có trường hợp F0 cách ly tại nhà

Tỉnh Thừa Thiên Huế có chủ trương cách ly F0 không triệu chứng tại nhà, nếu tại địa bàn phường, xã phát hiện có F0 cần cách ly thì kích hoạt ngay một tổ y tế lưu động để quản lý, chăm sóc F0 tại nhà. Mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp F0 được cách ly tại nhà có một tổ y tế lưu động.

Tổ y tế lưu động thuộc trạm y tế phường, xã, chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của trưởng trạm y tế và giám đốc trung tâm y tế tuyến huyện. Tổ này có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người mắc Covid-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời.

Bộ Quốc phòng tăng cường nhân lực y tế hỗ trợ Sóc Trăng phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 5/12, UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết Bộ Quốc phòng vừa tăng cường 39 y, bác sĩ thuộc Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến vô cùng phức tạp, ca nhiễm liên tục tăng cao. Tỉnh Sóc Trăng chuẩn bị tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 bổ sung và tiêm nhắc lại cho lực lượng ưu tiên tuyến đầu chống dịch, người trên 50 tuổi và người có bệnh nền. Do đó, đoàn y, bác sĩ được tăng cường sẽ hỗ trợ cho các địa phương trong tỉnh tiêm vắc xin phòng Covid-19, phối hợp chăm sóc, điều trị bệnh nhân ở các tuyến.

Tin nóng tối 6/12: TPHCM lên phương án ứng phó biến thể mới 7
Lực lượng y, bác sĩ tham gia các trạm y tế lưu động sẵn sàng chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại nhà

Hà Nội: Xây dựng 3 kịch bản ứng phó dịch COVID

Trước tình hình dịch phức tạp,Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản ca bệnh: với kịch bản 10.000 ca nhiễm, tầng 1 tăng lên 9.200 giường; tầng 2 có 600 giường; tầng 3 là 200 giường. Với kịch bản 40.000 ca nhiễm, các tầng điều trị lần lượt tăng số giường lên 36.800, 2.400 và 800.

Trường hợp ca nhiễm lên 100.000, thành phố chuẩn bị tổng cộng 92.000 giường ở tầng một (22.100 giường tại các cơ sở thu dung, điều trị và 69.900 giường tại các trạm y tế lưu động thuộc quận, huyện, thị xã); 6.000 giường ở tầng 2; và 2.000 giường ở tầng 3.

Trong tuần qua, thành phố cũng đã ban hành các hướng dẫn cụ thể về quy định cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà. Qua rà soát bước đầu, có khoảng 780.000 hộ gia đình đủ điều kiện cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bình Dương cho phép tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19

Sở Y tế Bình Dương chiều nay (6/12) vừa có văn bản gửi các cơ sở y tế trực thuộc và các địa phương trong tỉnh về việc vắc xin Covid-19 mũi cơ bản và mũi nhắc lại.

Ngành y tế tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên.

Đồng thời, tiêm liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm đủ 2 mũi) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng. Nhóm đối tượng này sẽ được tiêm loại vắc xin cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin Pfizer, khoảng cách với mũi tiêm cuối cùng ít nhất 28 ngày.

Đối với tiêm mũi nhắc lại (mũi 3), ngành y tế sẽ tiến hành tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, nhân viên y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

Tin nóng tối 6/12: TPHCM lên phương án ứng phó biến thể mới 8
Ảnh minh họa

Tình hình dịch Covid- 19 trên thế giới:

WHO muốn Trung Quốc, Ấn Độ chia sẻ công nghệ vắc xin

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang làm việc với các hãng dược Trung Quốc và Ấn Độ để chia sẻ bản quyền vắc xin COVID-19 sau khi các công ty phương Tây làm lơ với kêu gọi bỏ bản quyền.

Theo WHO, Sinopharm và Sinovac đều quan tâm đến việc chia sẻ công nghệ nhưng muốn thực hiện thông qua thỏa thuận song phương tại mỗi quốc gia. Trong khi đó, công ty sản xuất dược Bharat Biotech của Ấn Độ đã đồng ý chia sẻ công nghệ và đang trong quá trình thỏa thuận với WHO.

Ấn Độ hiện là nhà sản xuất lớn nhất thế giới đối với các loại vắc xin công nghệ của phương Tây. Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng không kém khi là nhà cung cấp vắc xin lớn nhất cho các nước đang phát triển. WHO và nhiều nước trước đó đã nhiều lần kêu gọi các hãng được chia sẻ bản quyền vắc xin ngừa COVID-19 để tăng nguồn cung và đảm bảo vắc xin cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên các hãng dược phương Tây như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca đều không mặn mà.

Campuchia dỡ bỏ lệnh cấm đối với hành khách từ châu Phi

Tối 5/12, Chính phủ Campuchia đã ra thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đối với các hành khách tới từ 10 quốc gia châu Phi và những du khách có lịch sử đi qua các quốc gia này trước khi vào Campuchia. Tuy nhiên, các du khách này cần phải thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 bổ sung theo quy định của bộ Y tế Campuchia.

Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia ngày hôm nay (6/12), trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 16 trường hợp mắc Covid-19, nâng tổng số ca Covid-19 của cả nước lên 120.272 trường hợp, trong đó có 116.627 trường hợp đã bình phục và có 2.963 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này.

Hiện tại, Campuchia đang nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế về việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, giúp cho đất nước có thể trở lại trạng thái bình thường mới.

Tin nóng tối 6/12: TPHCM lên phương án ứng phó biến thể mới 9
Campuchia dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh và thay bằng quy định xét nghiệm, cách ly với người đến từ miền nam châu Phi 

Hàn Quốc áp đặt trở lại quy định siết chặt phòng chống dịch COVID-19

Ngày 6/12, Hàn Quốc áp đặt trở lại các quy định siết chặt phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới theo ngày liên tục tăng cao kỷ lục

Theo quy định mới, số người được phép tụ tập đối đa ở thủ đô Seoul và khu vực lân cận là 6 người, các địa phương còn lại là 8 người, giảm 4 người so với quy định hiện nay. Khách đến các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cao như nhà hàng, quán ăn, rạp chiếu phim… phải xuất trình "thẻ vaccine", tức là đã tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 - 18 cũng sẽ được yêu cầu xuất trình "thẻ vaccine" từ ngày 1/2/2022.

Toàn bộ người nhập cảnh Hàn Quốc từ nước ngoài phải thực hiện cách ly 10 ngày bất kể đã tiêm chủng hay chưa cho đến hết ngày 16/12. Hàn Quốc buộc phải áp đặt trở lại các biện pháp phòng dịch tăng cường sau khi số ca mắc COVID-19 mới ở mức trên 5.000 mỗi ngày trong ngày thứ hai liên tiếp tính đến ngày 5/12.

Tin nóng tối 6/12: TPHCM lên phương án ứng phó biến thể mới 10
Ngày 4 - 5/12, Hàn Quốc đều ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 5.000. 

Nhật Bản: Kiểm tra chứng nhận tiêm vaccine bằng nhận dạng khuôn mặt

Tập đoàn công nghệ NEC của Nhật Bản sẽ cho ra mắt hệ thống kiểm tra chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 dựa trên nhận diện khuôn mặt, qua đó loại bỏ việc sử dụng chứng nhận qua các ứng dụng trên điện thoại di động hoặc văn bản giấy tờ.

Để sử dụng hệ thống, người dùng chỉ cần đăng ký lịch sử tiêm chủng và gửi ảnh khuôn mặt. Hệ thống sẽ quét bằng camera tại lối vào các địa điểm và xác nhận tình trạng tiêm chủng trong vòng vài giây. Theo NEC, công nghệ này chính xác đến 99,9%, ngay cả khi người dùng đang đeo khẩu trang.

NEC đã thử nghiệm công nghệ này tại các khu vực gần núi Phú Sĩ trong tháng 11. Hệ thống đã giúp giảm được 10% thời gian xử lý chứng nhận tiêm chủng và giảm 14% số lượng nhân viên. Do đó, NEC hy vọng việc áp dụng đại trà hệ thống này tại các địa điểm du lịch hoặc các điểm diễn ra sự kiện sẽ giúp giảm tắc nghẽn cũng như chi phí thuê nhân công.

Khuyến cáo Mùa COVID 19 hôm nay:

Nguy cơ tử vong do COVID-19 tăng 14 lần nếu không tiêm vaccine

Mặc dù, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đã được khuyến cáo cho tất cả người dân nhưng hiện tại nhiều người vẫn còn nghi ngại khi tiêm. Các chuyên gia cảnh báo, nhập viện và tử vong do COVID-19 vẫn cao trong thời gian gần đây. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, đến nay có 69,5% dân số Hoa Kỳ đã nhận được ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19, 59% được tiêm chủng đầy đủ và 18,7% đã được tiêm nhắc lại.

Tuy nhiên, CDC Hoa Kỳ cho hay, trong vòng 7 ngày gần đây, ước tính có có khoảng 92.800 trường hợp mắc bệnh, tăng 18% so với tuần trước và khoảng 5.600 người mỗi ngày phải nhập viện do COVID-19, tăng 6% so với tuần trước. Tỷ lệ tử vong hàng ngày trung bình trong 7 ngày là 1.000 người mỗi ngày. Các chuyên gia cảnh báo, số người mắc COVID-19 chưa được tiêm vaccine vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Thống kê tại bang New South Wales (NSW) của Australia cho thấy, những người không tiêm vaccine phòng COVID-19 có nguy cơ phải điều trị trong phòng chăm sóc và tử vong do COVID-19 cao nhiều lần so với những người đã tiêm vaccine.

Tại nước ta, con số thống kê tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tuần vừa qua có có 151 người tử vong. Trong số đó, có 75% số ca tử vong là các trường hợp chưa tiêm mũi vaccine nào hoặc tiêm chưa đủ liều.

TS. Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho biết, những người không được tiêm vaccine phòng COVID-19 có khả năng nhiễm COVID-19 cao hơn khoảng 6 lần so với những người đã được tiêm chủng, nguy cơ phải nhập viện cao hơn 9 lần và khả năng tử vong tăng 14 lần do các biến chứng liên quan đến COVID-19.

Hiện tại, có tới 47 triệu người Mỹ trưởng thành đủ điều kiện và hơn 12 triệu thanh thiếu niên vẫn chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Và đây là nhóm người có nguy cơ mắc COVID-19 cao nhất.

Nhiều chuyên gia nhận định, dịch COVID-19 hiện là mối đe dọa chủ yếu đối với nhóm chưa tiêm vaccine và để thoát khỏi đại dịch ngay lúc này là cần gia tăng tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19.