Tin nóng trưa 19/3: Giải phẫu tử thi tìm nguyên nhân ca nâng ngực tử vong

(VOH) - Dự kiến, trong hôm nay 19/3, công tác giải phẫu tử thi sẽ hoàn tất và thi thể nạn nhân sẽ được bàn giao về cho gia đình.

Sáng 19/3, Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết, cơ quan công an đang phối hợp tiến hành giải phẫu tử thi tìm nguyên nhân tử vong của nữ bệnh nhân T.T.N.Nh. (32 tuổi, ngụ Đồng Tháp) tử vong khi phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện 1A.

Dự kiến, trong hôm nay 19/3, công tác giải phẫu tử thi sẽ hoàn tất và thi thể nạn nhân sẽ được bàn giao về cho gia đình.

Công an Q.Tân Bình làm việc tại Bệnh viện 1A. Ảnh: NGƯỜI THÂN BỆNH NHÂN CUNG CẤP

Công an Q.Tân Bình làm việc tại Bệnh viện 1A. Ảnh: NGƯỜI THÂN BỆNH NHÂN CUNG CẤP

Trước đó, trưa 18/3, theo lịch hẹn, chị Nh. đến Bệnh viện 1A phẫu thuật nâng ngực trong tình trạng sức khỏe bình thường. Đến 15 giờ cùng ngày, chưa thấy chị Nh. ra nên người nhà đi hỏi bác sĩ và được báo là chị Nh đang gây mê, chưa tỉnh. Người nhà xin vào thăm nhưng chưa được phép.

Tuy nhiên sau đó, bác sĩ báo chị Nh. bị tụt huyết áp và cũng từ chối cho người nhà vào gặp chị Nh. Linh tính có chuyện, người nhà chị Nh. đến các phòng tìm và phát hiện chị Nh. đang nằm trên giường trong 1 phòng nhưng đã tử vong. Sự việc đang được điều tra làm rõ.

Thêm 259 công dân Việt Nam từ UKRAINE về nước an toàn

Chuyến bay đưa 259 công dân Việt Nam, trong đó có 5 trẻ em dưới 2 tuổi, sơ tán từ Ukraine về nước đã cất cánh từ Sân bay quốc tế Chopin ở thủ đô Vácsava lúc 18h30 ngày 18/3 (giờ địa phương), dự kiến hạ cánh tại Sân bay Nội Bài vào 11h00 ngày 19/3.

Đây là chuyến bay cứu trợ nhân đạo miễn phí thứ ba của Nhà nước Việt Nam đưa công dân sơ tán từ Ukraine về nước. Trong hai chuyến bay trước từ Ba Lan vào ngày 9/3 và 12/3, gần 600 công dân Việt Nam đã được về nước an toàn, mạnh khỏe. Các trường hợp được ưu tiên cao nhất trong các chuyến bay này là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi.

Đối với các chuyến bay, Đại sứ quán Việt Nam và Hội Người Việt Nam tại Ba Lan luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Toàn thể cán bộ Đại sứ quán và Ban hỗ trợ của Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đã trực tiếp giúp đỡ di chuyển và hướng dẫn bà con làm thủ tục tại sân bay. Ban hỗ trợ cộng đồng và nhiều tình nguyện viên người Việt tại Ba Lan đã hỗ trợ phương tiện đưa đón bà con từ các địa điểm lưu trú ở thủ đô Vácsava tới sân bay.

Người lao động được nghỉ 3 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, 4 ngày dịp 30-4 và 1-5

7 ngày nghỉ lễ là tổng thời gian người lao động được nghỉ và hưởng 100% lương trong 2 kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch) và ngày thống nhất đất nước 30-4, ngày Quốc tế lao động 1-5.

Số ngày nghỉ lễ được tăng lên do năm nay, các ngày lễ này rơi vào ngày nghỉ hằng tuần nên người lao động được nghỉ bù vào các ngày kế tiếp.

Cụ thể, ngày giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10-3 âm lịch) là ngày 10-4-2022 dương lịch rơi vào chủ nhật, nên người lao động sẽ được nghỉ bù vào thứ hai tuần kế tiếp (ngày 11-4), tức nghỉ liên tục 3 ngày, từ ngày 9-4-2022 đến hết 11-4-2022. Còn ngày 30-4 thống nhất đất nước và ngày Quốc tế lao động 1-5 trùng vào thứ bảy và chủ nhật là ngày nghỉ hằng tuần, nên người lao động được nghỉ bù vào thứ hai và thứ ba của tuần kế tiếp, tức nghỉ 4 ngày liên tục, từ ngày 30-4-2022 đến hết ngày 3-5-2022.

Các cơ quan, tổ chức không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Thanh Hóa: truy tìm 2 đối tượng bịt mặt nổ súng vào cửa hàng đồ gỗ

Ngày 19/3, Công an huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đang truy tìm 2 đối tượng bịt mặt nổ súng vào cửa hàng đồ gỗ ở xã Xuân Hồng.

Trước đó, vào khoảng 2h25 ngày 16/3, chị H (trú thôn Vân Lộ, xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đang ngủ thì nghe 2 tiếng nổ lớn và tiếng đập phá cửa. Khi xuống kiểm tra thì phát hiện cửa kính trước nhà bị vỡ và có nhiều mảnh kim loại ở dưới nền. Nghi ngờ có đối tượng bắn vào nhà mình, gia đình đã báo công an.

Hình ảnh camera ghi được cho thấy thời điểm xảy ra vụ việc có 2 người đi xe máy đến trước cửa hàng đồ gỗ ở xã Xuân Hồng. Người ngồi sau cầm một vật nghi là súng bắn 2 phát. Sau khi đập vào cửa, nghi phạm lên xe bỏ đi.

Hiện vụ việc đang được cơ quan Công an điều tra làm rõ.

TPHCM: mật phục vây bắt 9 thanh thiếu niên đua xe

Sáng 19/3, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết, rạng sáng cùng ngày, Đội CSGT Rạch Chiếc cùng tổ phòng chống đua xe của PC08 vừa mật phục bắt nhóm 'quái xế' hẹn nhau đi quậy qua mạng xã hội

Theo đó, khoảng 1 giờ 30, nhóm "quái xế" hẹn nhau trên mạng xã hội rồi từ nhiều nơi đổ về Quốc lộ 51 (H.Long Thành, Đồng Nai) tụ tập "quậy". Sau đó, nhóm này tiếp tục chạy theo Quốc lộ 1, hướng về cầu Đồng Nai để qua địa bàn Bình Dương, TP.HCM. Nhận tin báo, CSGT Đội Rạch Chiếc cùng tổ chống đua xe của Phòng PC08 bố trí lực lượng mật phục, vây ráp bắt 9 thanh thiếu niên (7 nam, 2 nữ) cùng 6 xe máy.

Làm việc với CSGT, nhóm thanh thiếu niên cho biết, khuya hôm trước được nhóm "quái xế" ở Đồng Nai rủ xuống "dợt xe". Cả nhóm sinh sống ở TP.HCM, trẻ tuổi, do ham vui, bạn bè rủ rê mới đi "đua xe".

Nghệ An: Trả lại túi đựng tiền và sổ tiết kiệm 200 triệu đồng cho người đánh rơi

Ngày 18/3, thông tin từ Công an xã Nam Lĩnh (H.Nam Đàn, Nghệ An) cho biết, cơ quan này vừa trao trả tài sản cho một người dân đánh rơi.

Trước đó, vào ngày 16/3, anh Hoàng Văn Thông (22 tuổi, ngụ xã Nam Xuân, H.Nam Đàn) đã đến trụ sở Công an xã Nam Lĩnh giao nộp một chiếc túi, bên trong túi có chứa 10,6 triệu đồng tiền mặt, một sổ tiết kiệm 200 triệu đồng và một số giấy tờ.

Anh Thông cho biết chiếc túi này anh nhặt được khi đang chạy xe trên đường, qua địa bàn xã Nam Lĩnh. Kiểm tra túi, thấy có nhiều tài sản có giá trị nên anh đã mang đến giao nộp cho công an để công an tìm và trả lại cho người đánh rơi.

Qua xác minh, Công an xã Nam Lĩnh xác định người đánh rơi chiếc túi này là chị Nguyễn Thị Tâm (ngụ P.Nghi Hải, TX.Cửa Lò, Nghệ An). Ngày 17.3, chị Tâm đã đến trụ sở Công an xã Nam Lĩnh để nhận lại tài sản.

TIN THẾ GIỚI

Anh: Nghiên cứu hiện tượng suy giảm trí nhớ hậu COVID

Trong nghiên cứu "COVID-19 và Nhận thức", một nhóm chuyên gia do các nhà nghiên cứu Đại học Cambridge dẫn đầu, đã ghi nhận những đặc điểm cơ bản và kết quả đánh giá nhận thức của 181 bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài và 185 người chưa mắc COVID-19.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng mức độ nghiêm trọng của bệnh là chỉ số quan trọng báo trước mắc hội chứng COVID kéo dài cũng như mức độ nghiêm trọng của hội chứng này. 6 triệu chứng ban đầu có liên quan tới sự phát triển của hội chứng này gồm yếu tay chân, sương mù não, đau ngực hoặc đau thắt ngực, chóng mặt, ho và gặp vấn đề về hô hấp. Những người mắc COVID-19 có cảm giác mệt nặng và có các triệu chứng liên quan tới thần kinh như chóng mặt và đau đầu trong thời gian mắc bệnh có nguy cơ mắc các hội chứng COVID kéo dài nghiêm trọng.

Ảnh minh họa (Nguồn: TechForge)
Ảnh minh họa (Nguồn: TechForge)

Trong số 126 người tham gia nghiên cứu mắc hội chứng COVID kéo dài, có tới 77,8% gặp vấn đề về khả năng tập trung, 69% bị sương mù não, 67,5% mắc chứng quên, 59,5% gặp vấn đề về từ và hiện tượng đầu lưỡi (tức là lời nói đến cửa miệng rồi mà vẫn không nhớ nổi), 43,7% gặp khó khăn về nói và viết từ chính xác.

Tỷ lệ tiêm chủng ở châu Phi tăng 15%

Trong một tuyên bố ngày 18/3 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 ở châu Phi đã tăng khoảng 15%. Đây là kết quả đạt được sau khi một số quốc gia trong khu vực tổ chức các chiến dịch tiêm chủng đại trà.

Theo số liệu ghi nhận, trong tháng 2 vừa qua, châu Phi đã triển khai tiêm tổng cộng 62 triệu liều vaccine, tăng so với 54 triệu liều trong tháng 1. Nhiều quốc gia đông dân như Cộng hòa dân chủ Congo, Ethiopia, Kenya và Nigeria đã triển khai các chiến dịch tiêm chủng đại trà.

Các chiến dịch tiêm chủng đã tạo động lực tích cực cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở châu lục nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, châu Phi vẫn cần phải tăng gấp 9 lần tốc độ tiêm chủng hiện nay nếu muốn đạt được mục tiêu chủng ngừa cho 70% dân số vào tháng 6 tới.

Đức dỡ bỏ hầu hết các quy định hạn chế

Quốc hội Đức ngày 18/3 đã thông qua một dự luật sửa đổi, dỡ gần như toàn bộ các quy định hạn chế từng được áp dụng để phòng chống COVID-19.

Theo luật mới được thông qua, việc đeo khẩu trang bắt buộc sẽ chỉ còn được áp dụng khi sử dụng phương tiện công cộng, tới bệnh viện, trạm dưỡng lão và sẽ không còn hiệu lực khi người dân lui tới các địa điểm khác như cửa hàng, trường học, nhà hàng. Luật được thông qua tại thời điểm mọi quy định hạn chế về phòng chống COVID-19 theo luật cũ sẽ hết hiệu lực từ ngày 19/3.

Luật sửa đổi được thông qua tại thời điểm Đức ghi nhận lây nhiễm COVID-19 ở mức cao kỉ lục. Hệ số lây nhiễm tại Đức trong tuần kết thúc ngày 15/3 đã lên mức kỉ lục là hơn 1.585 ca nhiễm/100.000 dân. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 19/3 là 297.845 ca - mức cao nhất kể từ đầu dịch.

Các trường học Nhật Bản có thể bị kiện vì những nội quy hà khắc

Các nội quy hà khắc về đồng phục tại một số trường học Nhật Bản, từ tóc phải đen đến dây giày phải trắng, đang đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày một tăng và thậm chí là rủi ro pháp lý từ phụ huynh học sinh.

Hãng AFP đưa tin anh Toshiyuki Kusumoto, một người cha có hai con ở thành phố Oita phía Tây Nhật Bản, đang yêu cầu tòa án can thiệp nhằm bảo vệ đứa con trai thứ hai của anh khỏi những nội quy nhà trường mà theo anh là “phi lý”. Nội quy bao gồm quy định cụ thể về độ dài của tóc, cấm nữ sinh buộc tóc đuôi ngựa và thắt đuôi sam, cấm đi tất cổ thấp và dây giày phải là màu trắng.

Tại thủ đô Tokyo, các trường học công thông báo sẽ bỏ những nội quy nghiêm ngặt, bao gồm quy định về màu tóc, từ tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, tại các tỉnh thành còn lại, những nội quy trên vẫn còn phổ biến. Được biết, những quy định hà khắc được áp dụng đối với học sinh cấp 2 trở lên xuất hiện từ những năm 1970.

Anh cảnh báo thiệt hại ít nhất 70 tỷ bảng từ lệnh cấm dầu mỏ Nga của EU

Ngày 18/3, Bộ trưởng Tài chính Anh đã cảnh báo một lệnh cấm ngay lập tức trên toàn Liên minh châu Âu (EU) đối với việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ gây thiệt hại ít nhất 70 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh, tương đương khoảng 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Anh hiện đang phải vật lộn để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát và giá thực phẩm, xăng dầu tăng cao. Ước tính chỉ riêng giá năng lượng tăng đã đặt gánh nặng lên tới 38 tỷ bảng cho các hộ gia đình ở "xứ sở sương mù" vào cuối năm nay.

Bộ Tài chính Anh đã chi hàng tỷ bảng để hỗ trợ các gia đình ở nước này thanh toán hóa đơn năng lượng, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục theo dõi những tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với chi phí sinh hoạt tại nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ khánh thành cây cầu nối châu Âu - châu Á

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Thủ tướng Hàn Quốc ngày 18/3 đã dự lễ khánh thành cây cầu treo lớn bắc qua eo biển Dardanelles nối liền hai bờ châu Âu và châu Á của tuyến đường thủy quan trọng này.

Theo hãng tin AP, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, với nhịp chính dài 2.023 mét, cầu “Canakkale 1915” trở thành cây cầu treo dài nhất thế giới.

Cây cầu kết nối thị trấn Gelibolu nằm ở phía châu Âu của tỉnh Canakkale, phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, với thị trấn Lapseki ở phía châu Á. Ông Erdogan cho biết cây cầu cho phép du khách băng qua eo Dardanelles - nơi nối Biển Aegean với Biển Marmara - chỉ trong 6 phút so với 1 tiếng rưỡi đi phà trước đó.

Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua Nhật Bản, quốc gia có cây cầu treo nhịp dài nhất thế giới.