- TIN TRONG NƯỚC
- Cảnh báo thuốc xách tay trị COVID-19 có thể nguy hiểm cho người dùng
- Đắk Lắk: Mở rộng điều trị F0 tại nhà
- TP.Buôn Ma Thuột: Dừng dạy học trực tiếp từ mầm non đến lớp 6 từ 21/2
- TP.HCM: Người dân lại lủi thủi dắt bộ vì cửa hàng... hết xăng
- Đà Nẵng: Đảm bảo đủ nhu cầu xăng dầu cho người dân
- Sân bay Tân Sơn Nhất: Đóng cửa một đường băng từ chiều 21/2 để thi công đường lăn
TIN TRONG NƯỚC
Cảnh báo thuốc xách tay trị COVID-19 có thể nguy hiểm cho người dùng
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, chia sẻ trên trang cá nhân của mình “không dùng thuốc xách tay, không rõ nguồn gốc để điều trị Covid-19” khi thời gian qua, ông nhận được nhiều tin nhắn hỏi có thể dùng loại thuốc xách tay của Nga trị COVID-19?
Dược sĩ Hà Quang Tuyến - trưởng khoa dược của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội - cũng nhìn nhận tình trạng người dân tự mua thuốc điều trị COVID-19 hoặc mua qua "bác sĩ Google" rất đáng ngại.
Trong số các thuốc xách tay từ Trung Quốc, Nga về hay được mua có loại Arbidol, thành phần là Umifenovir và thuốc Areplivir, thành phần là Favipiravir với lời quảng cáo có cánh về khả năng điều trị COVID-19.
Dược sĩ Tuyến cho rằng Arbidol là thuốc kháng virus phổ rộng, được cấp phép sử dụng để phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga năm 2006.
Thử nghiệm Arbidol (Umifenovir) trên bệnh nhân COVID-19 tại Trung Quốc ở giai đoạn đầu của dịch cho hiệu quả không đồng nhất giữa các nghiên cứu, đồng thời không có khác biệt về hiệu quả giữa người bệnh COVID-19 dùng và không dùng thuốc.
Việc sử dụng thuốc này có thể dẫn đến lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, trong khi tiềm tàng nhiều tác dụng bất lợi với sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, hay nôn.
Đắk Lắk: Mở rộng điều trị F0 tại nhà
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác điều trị bệnh nhân tại địa phương, triển khai quyết liệt việc cách ly F1 tại nhà và mở rộng thực hiện điều trị bệnh nhân triệu chứng nhẹ tại nhà.
Đồng thời chỉ đạo các bệnh viện và trung tâm y tế huyện triển khai thực hiện mô hình cơ sở y tế tách đôi “vừa điều trị thường quy, vừa điều trị bệnh nhân Covid-19” theo hướng dẫn của ngành y tế, giảm tối đa các trường hợp tử vong; hạn chế việc chuyển bệnh nhân lên các cơ sở điều trị tuyến tỉnh (trừ những trường hợp diễn tiến nặng phải chuyển tuyến)...
TP.Buôn Ma Thuột: Dừng dạy học trực tiếp từ mầm non đến lớp 6 từ 21/2
UBND TP.Buôn Ma Thuột, cho biết hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, liên tiếp những ngày gần đây số ca nhiễm tăng cao. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh và tiếp tục hoạt động dạy học trực tiếp, UBND TP.Buôn Ma Thuột chỉ đạo tạm dừng dạy học trực tiếp đối với bậc mầm non, tiểu học và lớp 6 trên địa bàn thành phố từ ngày 21/2 và giao Phòng GD-ĐT triển khai phương án dạy học trực tuyến.
Trước đó, khi triển khai hoạt động dạy học trực tiếp từ ngày 7/2 đến ngày 19/2, toàn thành phố có 43 giáo và 425 học sinh dương tính với Covid-19.
Về tỷ lệ tiêm vắc xin, mũi 2 đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên của các trường học đạt hơn 99%; tỷ lệ học sinh từ 12 tuổi trở lên tiêm vắc xin mũi 2 đạt khoảng 97%. Còn đối tượng học sinh mầm non, tiểu học và khối lớp 6 chưa được tiêm phòng.
TP.HCM: Người dân lại lủi thủi dắt bộ vì cửa hàng... hết xăng
“Hết xăng, còn dầu” là điệp khúc mà nhân viên một số cây xăng tại huyện Củ Chi, các quận Bình Thạnh, Gò Vấp và quận 12 trả lời khách trong ngày 20/2. Rất nhiều người dân phải dắt bộ, chạy lòng vòng để có thể đổ xăng.
Trong khi đó, cây xăng của các doanh nghiệp lớn vẫn hoạt động bình thường khi khách hàng không bị khống chế số lượng xăng cần mua.
Để bảo đảm nguồn cung xăng, dầu trên địa bàn TP trong thời gian tới, Sở Công Thương tăng cường chỉ đạo các DN kinh doanh xăng, dầu chủ động nguồn cung, duy trì việc cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối, thương nhân nhượng quyền thương mại, tổng đại lý, đại lý xăng dầu.
Bên cạnh đó, phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường giám sát chặt chẽ việc kinh doanh xăng dầu nhằm bảo đảm việc bán hàng không bị gián đoạn, nhất là trước các chu kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu...
Đà Nẵng: Đảm bảo đủ nhu cầu xăng dầu cho người dân
Bà Lê Thị Kim Phương - giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng - xác nhận đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng chưa có hiện tượng thiếu xăng dầu, dù ra Tết tại một số tỉnh xăng dầu đã có dấu hiệu khan hiếm.
Theo bà Phương, việc Đà Nẵng vẫn đảm bảo nhu cầu xăng dầu cho người dân là do Tổng kho xăng dầu khu vực V và các công ty xăng dầu đầu mối đã nhập hàng dự trữ đủ cho nhu cầu cung ứng trong thời gian khoảng 1 tháng.
Ông Lưu Anh Tú - phó giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực V, đơn vị quản lý Tổng kho xăng dầu Đà Nẵng – khẳng định nguồn hàng của tổng kho luôn đảm bảo ổn định, đủ cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ trong hệ thống và khách hàng đã ký hợp đồng.
Ông Tú cho biết thêm “năng lực dự trữ của tổng kho khoảng 76.000 mét khối, từ khi một số nơi rộ lên tình trạng khan hiếm xăng dầu thì đến nay nguồn hàng cho thị trường Đà Nẵng vẫn chưa bao giờ đứt”.
Sân bay Tân Sơn Nhất: Đóng cửa một đường băng từ chiều 21/2 để thi công đường lăn
Từ 14h hôm nay 21/2 đến 14h ngày 15/3, Cục Hàng không sẽ tạm dừng khai thác đường băng 25R/07L sân bay Tân Sơn Nhất để phục vụ thi công các đường lăn thuộc dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Trần Văn Thi - giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết ban quản lý đã chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công 3 ca để cố gắng rút ngắn thời gian nhằm khai thác đường băng 25R/07L trở lại càng sớm càng tốt, trả lại trạng thái hoạt động bình thường của sân bay Tân Sơn Nhất.