- TIN TRONG NƯỚC:
- TP.HCM tiêm mũi 3 xuyên Tết
- Việt Nam đã tiếp nhận trên 211 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19
- Đồng Nai: học sinh ở vùng xanh, vùng vàng đi học trực tiếp từ 14/2
- Đà Nẵng: Trạm y tế lưu động hỗ trợ điều trị F0 tại nhà hiệu quả
- Hà Nội hơn 500 người tử vong Covid-19
- Sơn La: F0 tăng cao
- Khánh Hòa trở về vùng xanh
- Bắc Ninh: Lập đường dây nóng hỗ trợ bệnh nhân COVID-19
- TIN THẾ GIỚI
TIN TRONG NƯỚC:
TP.HCM tiêm mũi 3 xuyên Tết
Trước các diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, sự xuất hiện biến chủng mới Omicron, để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại (hay còn gọi là mũi 3) để tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân.
TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân bằng cách vẫn tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên địa bàn 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Người dân đang ở tại TP bất kể là thường trú hay tạm trú có nhu cầu tiêm vắc xin có thể đến bất kỳ địa điểm tiêm nào trên địa bàn để được tiêm chủng (không cần đăng ký danh sách trước). TP sẽ nỗ lực bao phủ vắc xin COVID-19 trong cộng đồng đến hết tháng 2 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Việt Nam đã tiếp nhận trên 211 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19
Bộ Y tế cho biết đến nay đã tiếp nhận trên 211 triệu liều vắc xin COVID-19, đã phân bổ trên 195 triệu liều, số còn lại đang đợi các thủ tục về kiểm định chất lượng trước khi phân bổ.
Đến ngày 27/1, cả nước cũng đã tiêm được gần 179 triệu mũi, trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 161,5 triệu liều, gồm mũi 1 trên 70,5 triệu liều; mũi 2 là 67,7 triệu liều; mũi bổ sung là 8,33 triệu liều (tiêm cho người có bệnh nền); mũi 3 là trên 14,8 triệu liều.
Đồng Nai: học sinh ở vùng xanh, vùng vàng đi học trực tiếp từ 14/2
Từ ngày 28/1, tất cả các cơ sở giáo dục ở Đồng Nai kết thúc thí điểm cho học sinh đi học trực tiếp. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, từ ngày 7 - 12/2, toàn bộ cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên tổ chức dạy học trực tuyến; học sinh mầm non vẫn ở nhà. Từ ngày 14/2, tất cả các cơ sở giáo dục tại vùng xanh (dịch cấp 1) và vùng vàng (dịch cấp 2) trên địa bàn Đồng Nai đồng loạt đi học trực tiếp trở lại.
Riêng các cơ sở giáo dục ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng cam (dịch cấp 3) và vùng đỏ (dịch cấp 4) tiếp tục dạy học trực tuyến cho học sinh, học viên giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; giáo dục mầm non không cho trẻ đến trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị phương án tổ chức dạy học cho trẻ em, học sinh và học viên ứng phó với tình huống địa phương chuyển cấp độ dịch từ vùng cam và vùng đỏ xuống vùng vàng và vùng xanh hoặc ngược lại.
Đà Nẵng: Trạm y tế lưu động hỗ trợ điều trị F0 tại nhà hiệu quả
Dịch Covid-19 tại Đà Nẵng vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc ngoài cộng đồng liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, bình quân hơn 700 ca mỗi ngày. Thành phố Đà Nẵng đang chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Trạm y tế lưu động trên địa bàn để kịp thời chăm sóc, điều trị hiệu quả F0 tại nhà. Từ đó, giảm áp lực cho các cơ sở y tế trong điều trị và chăm sóc người bệnh.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có gần 30 trạm y tế lưu động được thiết lập và đang hoạt động. Theo đánh giá, các trạm y tế lưu động này bước đầu đã phát huy tác dụng, giúp giảm tải cho các cơ sở y tế, chăm sóc và điều trị hiệu quả F0 có triệu chứng nhẹ. UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu ngành y tế rà soát lại tất cả các điều kiện hoạt động của trạm y tế lưu động như: trang thiết bị bảo hộ, bình oxy, thuốc,…
Bên cạnh đó, Bệnh viện Đà Nẵng vừa thành lập phòng khám “Tư vấn và điều trị sau Covid-19”. Phòng khám là nơi khám, tầm soát, tư vấn và điều trị toàn diện các di chứng của bệnh, đồng thời, đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau mắc Covid-19./.
Hà Nội hơn 500 người tử vong Covid-19
Theo CDC Hà Nội, số ca mắc mới được phân bố tại 439 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (112); Đông Anh (108); Chương Mỹ (97); Đống Đa (90); Nam Từ Liêm (84); Hoài Đức (82). TP Hà Nội vừa ghi nhận ca đầu tiên nhiễm Omicron trong cộng đồng. Như vậy, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 14 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, trong đó, 13 ca nhập cảnh và một trường hợp tại cộng đồng. Tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4/2021 đến 25/1/2022 là 506 người.
Sơn La: F0 tăng cao
Dịp cận Tết cổ truyền, số ca mắc COVID-19 ở Sơn La tăng mạnh. Ngày 26/1, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết, đã ghi nhận thêm 140 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có nhiều ca nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao, đặc biệt là ở huyện Mộc Châu và huyện Vân Hồ. Hiện, các địa phương đang khẩn trương truy vết những trường hợp tiếp xúc gần, quản lý, cách ly và triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định. Tổ chức khoanh vùng các địa điểm có nguy cơ cao, đồng thời thông báo để người dân chủ động khai báo y tế và truyền thông để người dân thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch, đặc biệt nhóm các công dân đi làm ăn xa trở về địa phương.
Khánh Hòa trở về vùng xanh
Ngày 26/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, tỉnh này đã đạt các điều kiện, tiêu chí cấp độ 1- bình thường mới. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa đã ứng dụng hiệu quả nhiều giải pháp công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch như cài đặt phần mềm PC-Covid, tạo được 79.000 địa điểm kiểm soát mã QR, bản đồ mức độ nguy cơ dịch Covid-19 được cập nhận đến từng thôn, tổ dân phố.
Bắc Ninh: Lập đường dây nóng hỗ trợ bệnh nhân COVID-19
Ngày 26/1, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh và các đơn vị liên quan khai trương thiết lập hệ thống Tổng đài tư vấn sức khỏe cho người mắc COVID-19 tại nhà. Tổng đài 1022 có đội ngũ tư vấn viên là bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc điều trị COVID-19, trực 24/24h, cả thứ Bảy và Chủ nhật. Đội ngũ tư vấn viên luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các thông tin liên quan đến điều trị COVID-19 cho người mắc hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19. Người dân trong tỉnh có thể quay số từ cố định nội hạt bằng cách trực tiếp bấm 1022, người dân ngoại tỉnh có thể gọi trực tiếp số 02221022 để được tư vấn, hỗ trợ.
TIN THẾ GIỚI
Đan Mạch: dự kiến dỡ bỏ toàn bộ quy định phòng Covid 19
Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke thông báo ý định dỡ bỏ toàn bộ quy định về Covid-19 từ ngày 1-2. Theo đó, việc dỡ bỏ toàn bộ quy định phòng Covid-19 trong nước đồng nghĩa hộp đêm có thể mở cửa, nhà hàng được phục vụ đồ có cồn sau 22 giờ, khách không cần trình giấy xác nhận tiêm vắc xin. Người đi xe buýt sẽ không phải đeo khẩu trang và các cửa hiệu không còn giới hạn số khách.
Trước đó, các nước như Anh, Cộng hòa Ireland và Hà Lan cũng công bố dỡ bỏ hầu hết quy định dù số ca nhiễm do biến thể Omicron còn cao. Lý do được đưa ra là số ca nhiễm mới đã giảm dần sau khi đạt đỉnh và tỷ lệ nhập viện thấp hơn lo ngại.
Moderna tiến hành thử nghiệm vaccine chống Omicron
Moderna bắt đầu thử nghiệm lâm sàng liều vaccine tăng cường được phát triển riêng để chống lại biến chủng Omicron. Cuộc thử nghiệm có 600 người trưởng thành tham gia, trong đó một nửa tiêm hai liều vaccine Moderna ít nhất 6 tháng trước, nửa còn lại tiêm hai liều cùng một liều tăng cường được cấp phép. Liều vaccine đặc hiệu cho Omicron sẽ lần lượt là liều tăng cường thứ ba và thứ tư với hai nhóm.
Moderna cũng cho biết kết quả về hiệu quả chống lại Omicron của liều tăng cường. Theo đó, 6 tháng sau khi tiêm nhắc lại, mức độ kháng thể trung hòa chống Omicron giảm 6 lần so với mức đỉnh điểm đạt được 29 ngày sau tiêm, nhưng vẫn còn tồn tại ở tất cả những người đã tiêm.
Một lọ vaccine Moderna tại Naples, Italy, hồi tháng 3/2021. Ảnh: Reuters.
Vắc xin mRNA đầu tiên của Trung Quốc đạt hiệu quả thử nghiệm 95%
Vắc xin mRNA đầu tiên của Trung Quốc có tên ARCoV, do Học viện Khoa học quân y, Công ty Suzhou Abogen và Viện Công nghệ sinh học Walvax cùng phát triển. Theo dữ liệu giai đoạn đầu của thử nghiệm lâm sàng, vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA đầu tiên của Trung Quốc có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch ở 95% người tiêm mà không có phản ứng có hại nghiêm trọng nào được ghi nhận.
Vắc xin công nghệ mRNA chứng tỏ hiệu quả cao hơn so với vắc xin sản xuất theo công nghệ truyền thống, và là một trong những loại vắc xin COVID-19 được dùng nhiều nhất trên thế giới. Hiện có 2 loại vắc xin mRNA được dùng phổ biến trên toàn cầu là Pfizer và Moderna. Trung Quốc chưa phê duyệt bất kỳ loại vắc xin mRNA nào.
Ấn Độ sẽ phát hành hộ chiếu điện tử
Ấn Độ sẽ triển khai phát hành hộ chiếu điện tử cho những công dân xin cấp lần đầu hoặc gia hạn hộ chiếu cũ của họ. Vào năm ngoái, chính phủ Ấn Độ chính thức giới thiệu hộ chiếu điện tử và cam đoan tuân thủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Hộ chiếu điện tử (ePassport) là một bản nâng cấp của hộ chiếu truyền thống, được cấy một con chip bao gồm các chi tiết cá nhân, tiểu sử trên 2 trang đầu của người cầm hộ chiếu (holder). Đồng thời, hộ chiếu điện tử cũng sẽ được tích hợp dữ liệu sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, mống mắt). Bên cạnh việc giảm thời gian chờ đợi tại các quầy thủ tục xuất nhập cảnh, giới chuyên gia nhận định hộ chiếu điện tử còn giúp giảm nguy cơ sao chép và giả mạo thông tin.