TPHCM sẽ tách đội cứu hộ cứu nạn khỏi phòng cháy chữa cháy

(VOH) - Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng cháy chữa cháy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot chữa cháy…

Cần tăng cường đầu tư trang thiết bị PCCC tương xứng với sự phát triển

Sáng nay (12/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện nghị định số 83/2017 của Chính phủ quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh karaoke. Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/8/2022 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh; vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9/2022; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 6/9/2022 làm nhiều người chết, tối 11/9 xảy ra vụ cháy tại Đồng Nai…).

Xem thêm: Sau vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương: Người khi đi hát karaoke cần chú ý gì?

Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn. 

Bày tỏ trăn trở khi tình hình cháy nổ là khẩn cấp, nghiêm trọng ở nhiều nơi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về PCCC, xác định trách nhiệm hình sự, trách nhiệm kỷ luật khi để xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng; mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt việc chết người và hậu quả nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan trong cháy nổ, nâng cao ý thức và kỹ năng của người dân trong phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu hạn.

TPHCM kiến nghị trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot chữa cháy 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng (Ảnh: VGP)

Theo thống kê hiện nay, cả nước có 389 khu công nghiệp, hơn 15.000 cơ sở xăng dầu, khí hơn 400 nhà máy thủy điện, 39 nhà máy nhiệt điện, 22 cảng hàng không, 72 cảng biển, 128 cảng thủy nội địa, gần 26.000 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; Hơn 30.000 chung cư, nhà cao tầng và hàng trăm ngàn cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, cứu hộ cứu nạn. 

Trong 5 năm vừa qua, cả nước đã đầu tư 9.600 tỷ đồng cho công tác PCCC, trong đó chỉ có 4.600 tỷ đầu tư vào trang bị các phương tiện PCCC cho cả nước với 167 xe thang, 1.267 xe phòng cháy chữa cháy. Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, số phương tiện này vẫn ít so với nhu cầu thực tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, cần tăng cường đầu tư các trang thiết bị cần tương xứng với quy mô ngày càng phát triển của các tòa nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh; Cần có sự quan sát và dự báo về tình hình cháy nổ. Theo Thủ tướng, những vụ cháy nghiêm trọng đã cho thấy tình hình khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới.

“Chúng ta phải đặt sự an toàn về tính mạng của người dân lên trên hết trong thực thi công tác phòng chống cháy nổ và cứu nạn cứu hộ. Sự an toàn cháy nổ góp phần phát triển kinh tế chính trị, ổn định trật tự xã hội. Chúng ta phải đặt ra mục tiêu cao hơn so với thời gian vừa qua. Cụ thể là phải ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chống việc chết người và hậu quả nghiêm trọng…” - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.

TPHCM sẽ tách đội cứu hộ cứu nạn khỏi phòng cháy chữa cháy

Tại điểm cầu TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thực hiện Nghị định số 83/2017 của Chính phủ, TPHCM đã ban hành Kế hoạch số 7788 triển khai thực hiện công tác PCCC. TPHCM với đặc điểm là một đô thị lớn, lãnh đạo Thành phố rất chú ý tập trung xây dựng lực lượng cứu nạn, cứu hộ, PCCC tinh nhuệ. Đồng thời thường xuyên củng cố, tập huấn lực lượng PCCC ở cơ sở cũng như các đội PCCC chuyên ngành ở 22 quận huyện và 312 xã, phường, thị trấn.

 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để tăng tính cơ động và hiệu quả phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. (Ảnh: Lệ Loan)

Chỉ tính từ ngày 1/8/2017 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra gần 3.500 vụ việc liên quan đến cháy, nổ và sự cố, tai nạn. 8 tháng đầu năm 2022, TPHCM có 122 vụ, trong đó có 4 vụ lớn, 4 vụ nghiêm trọng và làm chết 2 người, bị thương 12 người. Về nguyên nhân các vụ cháy, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ ra, hiện nay có rất nhiều nơi không đảm bảo, các chung cư hiện nay người dân hay làm các lồng sắt ngoài lô gia…

Ông Mãi cho rằng, công tác kiểm tra thường xuyên, duy trì gắn với xử lý vi phạm có ý nghĩa rất quan trọng để phòng ngừa; cũng như việc xây dựng và phát huy lực lượng tại chỗ, tập huấn và trang bị cho các lực lượng này là rất quan trọng.

TPHCM đã củng cố 17 đội PCCC với 150 thành viên, đặc biệt là ở các Khu công nghiệp – Khu chế xuất các chung cư lớn, chuyên ngành xăng dầu ở các tổng kho.

Chủ tịch UBND TP kiến nghị, sắp tới TPHCM sẽ tách đội cứu hộ cứu nạn khỏi PCCC, mong Bộ Công an sẽ hướng dẫn, hỗ trợ. TPHCM sẽ triển khai PCCC cho các công trình ngầm, các tuyến Metro. Thành phố sẽ trình phương án, rất mong sẽ có hướng dẫn và có khung pháp lý trong thời gian sắp tới. Đồng thời, đề xuất Thủ tướng và Trung ương hoàn thiện thể chế, các quy định, cần có cơ chế phối hợp giữa lực lượng hoạt động PCCC, cứu hộ cứu nạn cho vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, hằng năm cần có diễn tập trong khu vực.

Ông Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để tăng tính cơ động và hiệu quả PCCC trên địa bàn, kể cả trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy, tăng cường thêm xe, thang và các phương tiện cứu hộ cứu nạn khác.

“Nếu chúng ta không làm tốt hiệp đồng, không diễn tập, không trang bị thì thiệt hại rất lớn, đặc biệt là với vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. TPHCM cũng thống nhất đề nghị xem xét, bổ sung công việc PCCC, cứu hộ cứu nạn vào danh mục nghề độc hại nguy hiểm để chúng ta có chính sách xứng đáng” - ông Phan Văn Mãi nêu ý kiến.

Sau vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương vào ngày 6/9/2022 làm 32 người chết, tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ người bị tai nạn nhẹ 2 triệu đồng/người và người mất là 77 triệu đồng/người, đồng thời khởi tố hình sự để điều tra làm rõ nguyên nhân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – ông Võ Văn Minh cho biết thêm: “Sau ngày vụ việc xảy ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo công an tỉnh ra quân rà soát tất cả các cơ sở karaoke trên địa bàn. Trong 4 ngày vừa qua, công an đã kiểm tra 85% các cơ sở karaoke trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương với số lượng 234 cơ sở kinh doanh và đã phạt hành chính 108 trường hợp, đình chỉ hoạt động 24 cơ sở, hiện đang tiếp tục thực hiện 15% cơ sở còn lại.

Về bài học rút ra, lãnh đạo tỉnh nhận thấy người chỉ huy tại hiện trường cần phải khẩn trương, linh hoạt trong phân công lực lượng, phương tiện để tiếp cận trinh sát và nắm tình hình”.