Ngoài thực hiện tốt công tác chuyên môn trong lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ, ngay từ khi còn là bí thư đoàn Bệnh viện Quận 2, Bác sĩ Phan Minh Hoàng luôn là một thủ lĩnh đầy nhiệt huyết, tiên phong trong công tác thiện nguyện, tham gia tích cực các hoạt động khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo vùng sâu vùng xa. Chính qua những hoạt động mang tính nhân văn như vậy, Bác sĩ Hoàng gặp rất nhiều bệnh nhân nghèo khó mang bệnh ngặt nghèo đồng hành đưa họ trở về cuộc sống bình thường, xóa đi mặc cảm, tự ti thậm chí nhiều người bệnh còn suy nghĩ tiêu cực muốn kết thúc cuộc sống.
Chính việc học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã giúp bác sĩ Hoàng luôn tận tâm với bệnh nhân dù ở cương vị điều trị hay quản lý. Và cho dù bất cứ vai trò, vị trí nào, sự soi rọi tấm gương của Người luôn là hành trang quý báu cho người thầy thuốc. VOH có trò chuyện với TS.BS Phan Minh Hoàng – Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ Thành phố - Phó Giám đốc - Bí thư đảng ủy Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp .
TS.BS Phan Minh Hoàng thăm khám sức khỏe bệnh nhân.
*VOH: Thưa bác sĩ, ở cương vị vừa là bác sĩ vừa vai trò quản lý lúc trước tại Bệnh viện Quận 2, vấn đề vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào công việc cụ thể của mình như thế nào vì cũng được biết bác sĩ Hoàng là gương điển hình học tập Bác tại bệnh viện Quận 2 nhiều năm liền?
TS.BS Phan Minh Hoàng: Từ lúc công tác tại Bệnh viện Quận 2 với vai trò đầu tiên là bí thư đoàn bệnh viện, mình phát huy được sức trẻ, năng động sáng tạo dám nghĩ dám làm của thầy thuốc trẻ, luôn luôn xông pha những mặt trận vì cộng đồng, luôn đi đầu vào công tác điều trị bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể những năm 2015, Bệnh viện Quận 2 tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tai nạn phỏng xăng, phỏng axít, tai nạn lao động hiểm nghèo. Trong suốt quá trình thăm khám, điều trị, trải qua những lần phẫu thuật lúc đó chúng tôi vừa đóng vai trò vừa là bác sĩ vừa là người anh cũng là người thân bệnh nhân, chúng tôi có thể hiểu, cảm nhận sự khó khăn, bệnh nhân bị vướng mắc tâm lý như thế nào. Và chúng tôi luôn hiểu điều trị lâm sàng và tâm lý phải phối hợp để đạt được chất lượng điều trị tốt nhất.
Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là những định hướng trong cuộc sống cho người thầy thuốc trẻ, cho đội ngũ cán bộ ngành Y phải cống hiến hết sức trẻ của mình, mang tâm huyết hoài bão của mình, mang màu áo blouse trắng đến điều trị bệnh nhân, làm sao mang chất lượng điều trị tốt nhất đến với cộng đồng.
*VOH: Thưa bác sĩ, hiện ở vị trí mới bí thư Đảng ủy Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp, rõ ràng như chúng ta thấy việc phục hồi chức năng rất quan trọng nhất là sau khi chấn thương tủy sống hoặc sau khi đột quỵ, tai biến mạch máu não… Vậy thì ở cương vị mới, việc vận dụng, học tập tấm gương của Bác thì bác sĩ sẽ có kế hoạch phát triển bệnh viện như thế nào?
TS.BS Phan Minh Hoàng: Trong nhiệm vụ 5 năm từ năm 2020 đến năm 2025, Đảng bộ bệnh viện đặt ra mục tiêu phát triển bệnh viện thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, chuyên sâu về phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, và bệnh nghề nghiệp. Chúng tôi sẽ định hướng phát triển các chuyên ngành sau thứ nhất là đơn vị tâm lý lâm sàng. Như chúng ta biết, sau khi bệnh nhân bị tai nạn giao thông, từ một người đi lại bình thường sau tai nạn thành tàn phế kể cả mất chức năng vận động, tri giác cũng tổn thương. Lúc đó bệnh nhân rất bi quan thì nhân viên y tế chuyên ngành tâm lý lâm sàng đến trò chuyện, giải thích cho bệnh nhân để bệnh nhân vượt qua rào cản tâm lý bắt tay vào điều trị sẽ tốt hơn. Ngoài ra chúng tôi sẽ thành lập một số đơn vị khác như y học thể thao để giúp cho những bệnh nhân chấn thương thể thao được phục hồi. Có những bệnh nhân bị chấn thương với những hoạt động sinh hoạt bình thường nhưng lại chấn thương tủy, cổ, dẫn đến yếu liệt.
Và trong giai đoạn 2020 – 2025 sẽ phát triển 5 khối nhà mới trong đó có Trung tâm bỏng - tạo hình - y học thảm họa để kịp thời ứng cứu những thảm họa bất ngờ xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Để thực hiện các chiến lược vừa nêu, thì chúng tôi ưu tiên chú trọng nguồn nhân lực nhất là các bác sĩ trẻ có tay nghề, có y đức cùng với tập thể bệnh viện phát triển nguồn nhân lực làm sao chất lượng điều trị ngày càng tốt nhất.
*VOH: Nhìn lại quá trình làm việc của mình, có trường hợp bệnh nào mà bác sĩ thấy việc học tập Bác đã giúp cho mình tính kiên trì theo đuổi, sát cánh cùng bệnh nhân để mang đến cho bệnh nhân cuộc sống mới tốt đẹp hay không?
TS.BS Phan Minh Hoàng: Trải qua quá trình làm việc hơn 14 năm, trải qua rất nhiều câu chuyện nhưng đọng lại trong Hoàng là 3 bệnh nhân mà mình đã theo từ đầu bị sẹo co rút do phỏng xăng, phỏng axít. Ấn tượng nhất với tôi là bệnh nhân Phùng Thanh Liêm sinh năm 1986, trải qua quá trình điều trị 1 năm 6 tháng và bệnh nhân phục hồi ngoạn mục. Lúc mới bị tai nạn phỏng xăng, bệnh nhân từ một người trụ cột lao động chính trở thành thừa thải, không làm gì được trở thành gánh nặng gia đình nên bệnh nhân rất bi quan, chán nản. Trải qua tổng cộng 7 lần phẫu thuật điều trị bệnh nhân hiện nay đi lại hoàn toàn bình thường, tự chạy xe máy, tự đi hái tiêu được. Bệnh nhân đã có thể đi làm công mỗi ngày bình thường như bao người khác để nuôi bản thân, lo cho gia đình.
Sau những tai nạn không mong muốn xảy ra, xung quanh bệnh nhân chỉ là bốn bức tường không lối thoát nên đứng trước những trường hợp đó, với vai trò là bác sĩ, mình phải giải quyết từng bước. Đầu tiên giải quyết tạo hình để bệnh nhân tuân thủ phối hợp với mình. Sau khi tạo hình giải quyết nhu cầu sinh hoạt bản thân thì bệnh nhân bắt đầu có được niềm tin. Và bước tiếp theo mình tạo diện mạo mới, gương mặt mới cho bệnh nhân đẹp hơn thì lúc đó bệnh nhân bắt đầu mở được cánh cửa thứ hai để hòa nhập cuộc sống. Bệnh nhân sẽ bắt đầu cuộc sống mới mưu sinh để lo cho bản thân. Đó cũng là ý nghĩa rất nhân văn trong chuyên ngành phục hồi chức năng tạo hình.
Xin cảm ơn bác sĩ!