Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Từ chính sách đến điểm tựa cho người lao động: Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

(VOH) - Đại dịch COVID-19 đã đem đến những áp lực chưa từng có lên hệ thống bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nói riêng và bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nói chung.

Tuy vậy, đến thời điểm này có thể khẳng định chính sách BHTN đã hoàn thành vai trò, chức năng mà Chính phủ đã đề ra. Bên cạnh đó, những bài học kinh nghiệm thực tiễn sau dịch COVID-19 cũng sẽ trở thành cơ sở để Bộ ngành chức năng cùng các địa phương hoàn thiện chính sách hiệu quả hơn, thiết thực hơn trong tương lai.

Xung quanh nội dung này, VOH thực hiện loạt bài “Từ chính sách đến điểm tựa cho người lao động”. Trong đó, Bài 1 có nhan đề “Phát huy hiệu quả vai trò BHTN trong mùa dịch”. Bài 2: “Hoàn thiện chính sách BHTN hơn nữa sau đại dịch” là bài cuối trong loạt bài này.

bảo hiểm thất nghiệp

Chính sách BHTN đã hoàn thành vai trò, chức năng mà Chính phủ đã đề ra (Ảnh: luatannam)

Sau hơn 11 năm thực hiện, BHTN từ khoảng 6 triệu người tham gia năm 2009 đã tăng lên hơn 13 triệu người tham gia tính đến hết năm 2019, chiếm khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Quá trình tăng dần đều như vậy chứng minh tính đúng đắn của chính sách BHTN. Điều này cùng với những bài học kinh nghiệm rút ra sau đại dịch COVID-19 sẽ được tổng hợp để tạo ra tiền đề, nền tảng cho quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách BHTN trong giai đoạn tiếp theo.

Trên thực tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điểm của Luật Việc làm về BHTN.

Nội dung chính của dự thảo nghị định này nhằm mở rộng các trường hợp bất khả kháng để được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Bổ sung trường hợp người lao động được nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề không phải nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn, bà Nguyễn Thị Hồng Liên – Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM đề cập đến khâu liên kết, phối hợp nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp chậm đóng hoặc nợ đóng BHXH: “Về quản lý Nhà nước đối với lao động trong Khu chế xuất - công nghiệp thì có quy chế phối hợp với BHXH Thành phố cũng như phối hợp với Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội để nắm bắt những doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm hay nợ bảo hiểm trên 3 tháng, đưa vào danh sách để thanh tra, kiểm tra, có xử lý vi phạm kịp thời”.

Có thể nói, ngành Lao động Thương binh và Xã hội luôn hướng tới mục tiêu hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện, hỗ trợ đầy đủ các chế độ BHTN để chính sách thật sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động. TPHCM đã thực hiện đúng và đầy đủ các gói chính sách của Chính phủ và của TP để hỗ trợ cho người lao động khó khăn nói riêng và người lao động thuộc các ngành nghề đặc thù nói chung bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bà Lê Thị Kiều Phượng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm - Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM tin tưởng giải pháp đào tạo nghề, tìm việc làm là thành tố quan trọng cho chính sách BHTN nói riêng và BHXH nói chung.

Theo bà Phượng: “Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh thu thập thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp để tư vấn việc làm cho người lao động. Phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong cùng hệ thống, đồng thời phối hợp với phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận huyện, trường nghề,... tổ chức từ 80 - 85 phiên sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến nhằm tạo điều kiện cho người lao động sớm quay lại với thị trường lao động và có việc làm ổn định”.

Rõ ràng, đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm đồng bộ, hiện đại nhằm góp phần đáp ứng sự phát triển của thị trường lao động và đặc biệt là phải mang đến lợi ích thiết thực nhất cho người lao động. Song song đó, việc nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM nêu ý kiến: “Đối với những trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nên chăng nộp hồ sơ đủ điều kiện hưởng vào ngày 3/5 thì thời điểm bắt đầu được nhận trợ cấp là từ ngày 1/6. Như vậy, hàng tháng thông báo việc làm vào 1/6, 1/7, 1/8… cứ tiếp theo thì sẽ nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Như vậy trở thành quy tắc, người lao động dễ hình dung thời điểm nào được nhận trợ cấp và việc tổ chức chi trả về phía cơ quan quản lý sổ cũng dễ dàng, thuận tiện hơn so với tổ chức chi trả như hiện nay”.

Một yếu tố nữa trong xây dựng, hoàn thiện chính sách là phải làm sao đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người lao động về chính sách BHTN. Chính sách mới cần tác động trực tiếp vào quá trình hợp tác giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với các phương tiện truyền thông làm rõ các phương thức trục lợi, thông tin về các trường hợp bị xử lý vi phạm để người lao động biết, qua đó nâng cao sự trung thực của người lao động lẫn người sử dụng lao động.

Ông Nguyễn Quốc Thanh – Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM nhấn mạnh: “Hiện nay, phần đông người lao động vẫn chưa nắm vững chính sách BHXH, do đó chưa hiểu được quyền lợi của mình. Tôi nghĩ trong thời gian tới phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giải thích chính sách BHXH, bảo hiểm y tế cho người lao động nắm vững. Cũng phải cần có hệ thống, quy trình chung của các ngành có liên quan như lao động, kế hoạch đầu tư, thuế, bảo hiểm. Trên cơ sở đó có dây chuyền quản lý theo dõi khép kín về các sở ngành, để quản lý chặt chẽ doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.

Tình hình dịch bệnh trên toàn cầu còn diễn biến phức tạp, nhiều nước đang lây nhiễm mạnh, số người tử vong cao. Việt Nam cơ bản đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch COVID-19, dần trở lại công việc trong trạng thái bình thường mới. Những kết quả đáng khích lệ của chính sách BHTN có được nhờ sự triển khai đồng bộ, kịp thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan.

Vì vậy, việc ngày càng hoàn thiện chính sách BHTN có thể được xem như một bước tiến nữa trong định hình thị trường lao động, củng cố bộ khung an sinh xã hội để làm bệ đỡ cho những đột phá về kinh tế trong thời hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Từ chính sách đến điểm tựa cho người lao động: Phát huy vai trò BHTN trong mùa dịch - Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một bộ phận của chính sách an sinh xã hội, có vai trò đảm bảo đời sống cho người thất nghiệp.

Các trường hợp người lao động được xác định đang đóng bảo hiểm thất nghiệp - Chính phủ ban hành Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Khảo sát tình hình thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trong mùa dịch Covid-19 - Sáng ngày 22/5, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP khảo sát tình hình thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong mùa dịch Covid-19.

Bình luận