Chờ...

Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

(VOH) - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhận định, nếu có được thể chế, chính sách đúng đắn, phù hợp... sẽ khơi thông được nguồn lực to lớn cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Tiếp tục hội thảo Văn hóa 2022, chiều 17/12, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp. 

Thường trực Ban Bí thư cho rằng vị trí, vai trò của văn hoá chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hoá có những mặt chưa thực sự lành mạnh.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm,” tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa bị đẩy lùi.

Văn hóa phẩm độc hại, thông tin tiêu cực trên Internet, mạng xã hội tác động xấu đến giới trẻ, gia đình và xã hội.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn.

Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội 1
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu.

Công tác đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá chưa ngang tầm nhiệm vụ. Chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tính tích cực xã hội của nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hóa...

"Công tác tổ chức thi hành pháp luật, chính sách về văn hóa vẫn là khâu yếu. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế chưa cụ thể, rõ ràng. Nhiều chính sách đối với văn nghệ sĩ đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi", ông Võ Văn Thưởng nêu.

Sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa 

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, một trong những yêu cầu bức thiết là cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa, đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

“Phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Ông Võ Văn Thưởng nêu rõ, thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc; Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.

Đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thể chế, cơ chế, chính sách phải chú trọng tính đặc thù, bảo đảm phát triển đúng định hướng, bảo đảm tự do sáng tạo của cá nhân với mục đích đúng đắn.