“Xanh hóa” những dòng kênh

(VOH) - Từ trên tầm cao nhìn xuống, TPHCM thật đẹp với những dòng kênh uốn lượn như những dải lụa đào. Đó là hình ảnh của một thành phố đang phát triển và là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của Việt Nam và khu vực.

Những thành tựu của công cuộc đổi mới về kinh tế xã hội đã tạo cho TPHCM một sức sống thật mạnh mẽ. Thế nhưng bên cạnh bộ mặt sáng sủa, khang trang đó, trong lòng thành phố vẫn còn có những khu dân cư đang tồn tại cùng môi trường ô nhiễm với nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Nơi đó, những nhu cầu tối thiểu về nơi ăn chốn ở của người dân có lẽ chỉ đến trong những giấc mơ. Và cũng từ nỗi niềm đó, câu chuyện về những đổi thay của dòng kênh đã được bắt đầu.

So với các tỉnh, thành khác, TPHCM có quỹ mặt nước lớn, hệ thống kênh rạch đan xen, phát triển. Cùng với 3 sông chính: Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè thì hệ thống kênh Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Cầu Bông, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Lò Gốm, Kênh Tẻ, Tàu Hũ… đã góp phần định hình diện mạo đô thị của thành phố.

Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích mà hệ thống kênh rạch mang lại cho giao thông đường thủy thì những dòng kênh hôi thối đó từng một thời là nỗi bức xúc của người dân thành phố. Tuy nhiên, giờ đây các con kênh kể trên đã khoác lên mình chiếc áo mới...

Cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm (Ảnh: Lan Hương)

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm

Tân Hóa – Lò Gốm cũng từng là một trong những dòng kênh đen như thế. Ngày 8/4/2015, sau 3 năm thi công, dòng kênh từng được mệnh danh là “dòng kênh chết” đã hoàn toàn hồi sinh.

Từ thực trạng ô nhiễm nặng từ rác thải sinh hoạt của hàng ngàn căn chòi ven kênh, đi kèm theo đó là những tệ nạn xã hội, nay hình ảnh đó đã được thay thế bởi cảnh quan khang trang, môi trường sống trong lành, an toàn và văn minh.

Kênh Tân Hóa – Lò Gốm đi qua 4 quận gồm: quận 6, 11, Tân Bình và Tân Phú với chiều dài khoảng 7.5km, bắt nguồn từ đường Âu Cơ chảy về hạ nguồn đến đường Võ Văn Kiệt.

Dự án gồm các hạng mục: mở rộng lòng kênh, nắn dòng chảy, lắp đặt cống hộp kín và làm đường dọc hai bên bờ kênh có tổng chiều dài 11,8 km, nạo vét 400.000m3 bùn, xây 10 cầu bắc qua kênh, xây hệ thống cống bao, cống nhánh, thu gom nước thải với tổng chiều dài 8km. Toàn bộ nước thải được thu gom, thoát qua cống hộp, giúp giảm ô nhiễm và ngập úng trên tổng diện tích khoảng 19km2.

Dù quá trình thi công gặp nhiều trở ngại do địa hình phức tạp, quy mô dự án trải dài gồm nhiều hạng mục, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều cơ quan chuyên trách và các sở ngành, nhưng với tinh thần thi đua, công trình đã kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và không ai vui sướng hơn những người dân nhiều năm sống ven kênh này.

Cùng với Tân Hóa – Lò Gốm, trước đó, 2 hệ thống kênh nội thị cũng đã được cải tạo, đó là Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Tàu Hũ - Bến Nghé.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Dự án vệ sinh kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đi qua 7 quận gồm quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp. Từ một dòng kênh lớn thuở ban đầu, qua biến thiên lịch sử, kênh dần bị lấn chiếm, dòng chảy thu hẹp và tắc nghẽn khiến tàu thuyền khó đi lại. Có nhiều ghe thuyền, các chợ đầu mối thu gom hàng hóa và rác đủ các loại từ các chợ được đổ bừa bãi xuống dòng nước. Ở các chân cầu rác đổ thành từng đống lớn.

Trước tình trạng đó, kế hoạch cải tạo dòng kênh huyết mạch của thành phố được đưa ra. Năm 2001, dự án khởi công với tổng mức đầu tư toàn dự án trên 4.000 tỉ đồng. Từ một dòng kênh đen bị ô nhiễm nặng, nay Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã trở thành một dòng kênh xanh có cảnh quan khang trang.

Nước thải sinh hoạt đã được tách dòng, không còn xả trực tiếp xuống kênh qua 70 km tuyến cống thoát nước các loại, qua đó giải tỏa áp lực nước mưa và nước sinh hoạt trong lưu vực đổ về kênh, chống ngập nước trên diện tích hơn 33 km2, góp phần cải thiện cuộc sống của 1,2 triệu dân.

Đồng thời 2 tuyến đường chạy dọc bờ kênh là Trường Sa và Hoàng Sa cũng được mở rộng, trở thành một trong những con đường đẹp nhất của thành phố với nhiều cây xanh, thảm cỏ, tiểu cảnh, lối bộ hành dọc hai bên đường. Đối với không chỉ những hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ kênh mà cả phần đông người dân dù chỉ một lần đi qua dòng kênh này, tất cả đều cảm nhận rõ ràng sự hồi sinh của dòng kênh ngày nào.

Tàu Hủ - Bến Nghé

Song song đó, Tàu Hủ - Bến Nghé là một trong 5 lưu vực kênh rạch lớn của TPHCM cũng đã được tiếp tục đầu tư, cải tại xanh – sạch – đẹp. Hai tuyến đường Võ Văn Kiệt và Bến Vân Đồn dọc bờ kênh đồng thời được đầu tư, mở rộng. Tuyến kênh đen ngày nào giờ đã thay đổi hoàn toàn diện mạo.

Nổi bật là đường Võ Văn Kiệt - con đường huyết mạch và có cảnh quan đẹp mắt nhất thành phố, với không gian xanh, nhiều công trình trang trí, thảm cỏ, lối đi bộ… Cho đến nay, công tác xây dựng, tôn tạo cảnh quan dọc toàn tuyến kênh vẫn đang được tiếp tục triển khai và hoàn thiện.

Với hệ thống kênh rạch đa dạng, trong đó có 5 kênh rạch nội thị góp phần tạo nên tiềm năng và nội lực phát triển của thành phố cũng như những đặc thù về cảnh quan, văn hóa đô thị, việc đầu tư và cải tạo các dự án kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với TPHCM, góp phần cải tạo, chỉnh trang môi trường đô thị.

Một ý nghĩa lớn lao hơn nữa, đó là cả 3 công trình đã làm thay đổi cuộc sống của hàng ngàn hộ dân từng sinh sống dọc những con kênh này và mang lại cuộc sống mới cho bao hộ dân sống ở hai bên tuyến kênh như ngày nay, đồng thời cũng giúp kết nối mạng lưới giao thông, góp phần mang lại diện mạo đô thị mới.

Đây là một trong những dấu son trong quá trình phát triển hơn 40 năm của thành phố, mang lại niềm vui, niềm tự hào cho người dân thành phố mang tên Bác.