Y tế công và bài toán giữ chân nguồn nhân lực

(VOH) - Hiện nay, trong bối cảnh có sự dịch chuyển nguồn nhân lực sang khu vực y tế tư, thì tại các bệnh viện công lập, đâu đó vẫn luôn có những bác sĩ phải gọi là tận hiến với bệnh nhân của mình.

Họ làm việc miệt mài ngày đêm, dù vất vả, dù thu nhập không đáng là bao tuy nhiên, phương châm làm việc đã đặt ra và họ quyết tâm đi đến cuối cùng đó là phục vụ cho cộng đồng, vì bệnh nhân của mình. “Nếu nghĩ đến thu nhập thì sẽ không gắn bó đến ngần ấy năm”, đó là lời chia sẻ chung của hầu hết các y bác sĩ có thâm niên gắn bó với các cơ sở y tế công lập mà chúng tôi tiếp xúc, lắng nghe họ chia sẻ tâm tư, nguyện vọng. Ai cũng hiểu, ở khu vực y tế công, thì đa phần bệnh nhân đến khám chữa bệnh điều kiện kinh tế không khá giả, thậm chí có rất nhiều trường hợp nhập viện điều trị mà chi phí chi trả họ không đảm bảo, lúc đó bệnh viện phải kiêm luôn phần hỗ trợ từ phòng công tác xã hội.

Mới đây, Bệnh viện An Bình đã phải giải quyết miễn phí 2 trường hợp bệnh nhân đến phẫu thuật cấp cứu nhưng không có bảo hiểm y tế, gia đình rất nghèo. Con số cũng vài chục triệu đồng. Và dường như tại các cơ sở y tế công khác, chuyện lo miễn phí những trường hợp bệnh nhân không có điều kiện kinh tế trở nên thường xuyên. Bệnh nhân ở khu vực y tế công thì luôn mong muốn các y bác sĩ đừng rời bỏ môi trường này, vì họ cảm thấy rất gắn bó với các y bác sĩ tại đây.

Điều này cũng là nỗi lòng của bà Nguyễn Thị Tâm, ngụ Quận 1, hàng tháng bà đều đặn đến Bệnh viện đa khoa Sài Gòn để khám chữa bệnh: "Bác sĩ ở đây đều tốt hết, gắn bó ở đây mà. Tôi khám ở đây khoa nào tôi thấy bác sĩ cũng nhiệt tình hết, từ khám khớp, khám bác Vui, bác Phương, bác Hằng nói chung các bác đều tốt hết, nhiệt tình lắm, tư vấn nhiệt tình. Bác sĩ mà về mấy bệnh viện tư thì người điều trị phải có tiền mà bây giờ kinh tế khó khăn người điều trị làm sao có tiền được. Ở đây chế độ bảo hiểm các thứ cũng đỡ hơn".

Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui
Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui – Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Sài Gòn đang khám bệnh cho bệnh nhân

Một trong những bác sĩ mà bà Tâm đề cập đó là Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui – Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Sài Gòn. 26 năm công tác trong ngành, Bác sĩ Vui đều gắn bó và trưởng thành từ cơ sở y tế công lập. Mùa dịch vừa qua, Bác sĩ cũng lặn lội xông pha về hỗ trợ Quận 7 và sau dịch, vẫn đều đặn mỗi tuần vài buổi, Bác sĩ ngồi phòng khám để khám cho bệnh nhân của mình. Nhiều bệnh nhân gặp lại bác sĩ sau mùa dịch, họ ân cần thăm hỏi như người nhà. Tình cảm ấy, đó là liều thuốc tinh thần quý giá giúp bác sĩ Vui phụng sự cộng đồng: "Môi trường làm việc mà tốt thì đương nhiên là một trong những động lực để cho cán bộ viên chức người ta làm việc mới tốt được. Còn nếu nơi làm mà lộn xộn thì sẽ ảnh hưởng tới tinh thần chung, không chỉ của bản thân mình mà người khác cũng vậy thôi".

Ở cương vị trưởng khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện Nhân dân 115, có thể nói, cả thời tuổi trẻ của bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng đã gắn bó, trưởng thành từ chiếc nôi là cơ sở y tế công lập. Nói về duyên gắn bó nơi đây thì có rất nhiều điều để chia sẻ, tuy nhiên, với vị bác sĩ rất đỗi hiền hòa này, yếu tố tiên quyết giúp chị luôn và sẽ tiếp tục gắn bó tại đây, đó là thích môi trường làm việc có thể chuyên môn toàn tâm toàn ý, học hỏi nhiều từ bệnh nhân và các đồng nghiệp. Hơn nữa, môi trường này luôn cho chị cảm giác ổn định và yên tâm làm nghề.

Cũng là tình cảm hướng đến cơ sở y tế công, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đăng Khoa – nguyên trưởng khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện Chợ Rẫy, với tâm huyết của mình, dù nhận nhiều lời mời từ các cơ sở y tế tư nhưng Bác sĩ Khoa vẫn luôn mong muốn về phục vụ tại bệnh viện tuyến cơ sở, cùng chung tay vực dậy bệnh viện theo những định hướng mà mình tâm huyết bấy lâu. Với cơ sở rộng rãi, thoáng mát, được sự tiếp sức từ Ban giám đốc bệnh viện huyện Bình Chánh, Bác sĩ Khoa quyết tâm phát triển chuyên ngành phục hồi chức năng, góp phần để giúp bệnh nhân không có điều kiện kinh tế có thể tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng.

Bác sĩ Đăng Khoa tâm sự: "Nếu bệnh viện tư người ta chỉ làm những công việc để đáp ứng những nhu cầu của họ, mình sẽ không bao giờ làm theo ý của mình được. Tôi thích làm việc ở bệnh viện Bình Chánh vì có nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất là cơ sở vật chất đáp ứng với nguyện vọng của mình phát triển chuyên ngành phục hồi chức năng. Thứ hai là người đứng đầu phải có nhiệt huyết thì mình rất thích hợp tác".

Với bác sĩ chuyên khoa nhi Phạm Nguyễn Anh Vũ, cũng gắn bó với một viện tuyến cơ sở hơn 20 năm. Trải qua nhiều nhiệm vụ công tác từ cấp cứu, rồi sang khoa mắt và sau là khoa nhi, bác sĩ cảm thấy mình gắn bó với bệnh nhân, người dân vùng ven rất nhiều, không nỡ rời xa. Bệnh viện huyện đã có công gửi mình đi học, đi đào tạo thì mình trở về đây phục vụ cũng là hợp lẽ, nên bác sĩ Anh Vũ cứ vậy mà làm, không nghĩ ngợi gì nhiều. Không ít lần nhận được lời mời từ các bệnh viện tư, nhưng Bác sĩ Anh Vũ quyết lòng vẫn ở lại với bệnh nhân vùng ngoại thành của mình.

"Tôi thì chắc không có dưới 5 đến 7 lời mời từ các bệnh viện. Kể cả trong mùa dịch vừa rồi vẫn có những bệnh viện mời. Nhưng vì thực sự ra nếu mà tất cả ra bệnh viện tư hết, bệnh viện tư phân khúc sẽ là trung – cao thì những bệnh nhân còn lại thì ai sẽ lo. Mình không dám nói cao cả gì đâu nhưng mà ít ra ở đây thì mình cũng có cái gì đó giúp đỡ cho người dân trên địa bàn", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Với bác sĩ Lê Thị Huyền Châu – tốt nghiệp ra trường và nhận công tác tại bệnh viện huyện Bình Chánh từ năm 1991 cho tới nay, bác sĩ vẫn gắn bó với bệnh viện cũng là nơi mà gia đình sinh sống. Tuổi thơ của bác sĩ Huyền Châu cũng lớn lên tại đây, nên khi học về chị quyết tâm đầu quân và cống hiến cho bệnh viện huyện nhà. Với bác sĩ Huyền Châu, tình cảm với quê hương, với bệnh nhân tại huyện nhà đã níu giữ bước chân chị ở lại: "Thứ nhất đó là lúc mới ra trường thì tất nhiên mình cũng muốn phục vụ cho quê hương. Đây là nơi quê hương mình sinh ra, ba mẹ mình sống ở đây, anh em mình cũng ở đây hết, nên mình cũng muốn phục vụ cho chính quê hương mình. Thứ hai nữa đó là tình cảm, dù là thu nhập không bao nhiêu hết, những năm đầu đi làm thu nhập thấp lắm nhưng mà đã làm thì mình quan trọng tình cảm hơn".

Có lẽ mỗi người có riêng cho mình một lý tưởng, một phương châm sống và làm việc. Qua những gì chúng ta vừa nghe, những sẻ chia, tâm tư tình cảm của các bác sĩ gắn bó với bệnh viện công thì chắc hẳn, kinh tế không là phép thử với họ mà chủ yếu đó là vì bệnh nhân đã níu giữ bước chân ở lại. Yếu tố tình cảm, nặng lòng với người bệnh cũng như mong muốn góp sức mình xây dựng y tế cho địa phương, là những lý do mà đội ngũ y bác sĩ gắn bó với bệnh viện công. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện tổng thể, làm sao để nguồn nhân lực y tế có được sự gắn kết lâu dài, mang tính bền vững thì rất cần những giải pháp căn cơ. Bởi, đường dài để đội ngũ y bác sĩ gắn bó được với cơ sở y tế công lập là một câu chuyện cần phải có tầm nhìn chiến lược.