Chờ...

Trung Quốc: Tỷ lệ kết hôn giảm thấp kỷ lục - Nguyên nhân do đâu?

VOH - Ngày Thất tịch (7/7 âm lịch), còn gọi là "Tết tình nhân" của Trung Quốc, là thời điểm nhiều cặp đôi thường chọn để đăng ký kết hôn.

Tuy nhiên, năm nay, mặc dù ngày này rơi vào thứ Bảy – thời điểm thuận lợi để tổ chức các sự kiện, số cặp đôi đến đăng ký kết hôn lại giảm mạnh, trái ngược với mong đợi của nhiều người.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Dân chính Trung Quốc, số lượng các cặp đăng ký kết hôn trong nửa đầu năm 2024 chỉ đạt 3,43 triệu, trong khi số vụ ly hôn là 1,27 triệu. Đáng chú ý, số cặp kết hôn đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2014, đánh dấu mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua.

dam cuoi_voh
Ngày Thất tịch (7/7 âm lịch), còn gọi là "Tết tình nhân" của Trung Quốc, là thời điểm nhiều cặp đôi thường chọn để đăng ký kết hôn.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm số lượng kết hôn là do số người trong độ tuổi kết hôn (20-40 tuổi) đang giảm dần. Từ năm 2014 đến 2022, dân số trong độ tuổi này ở Trung Quốc đã giảm hơn 55 triệu người. Tình trạng mất cân đối giới tính cũng là một yếu tố quan trọng, khi năm 2021, trong độ tuổi 20-40, số nam giới nhiều hơn nữ tới 17,52 triệu người, với tỷ lệ giới tính là 108,9 nam/100 nữ.

Dù vậy, không chỉ những yếu tố khách quan như dân số và giới tính ảnh hưởng đến việc kết hôn, mà quan niệm về hôn nhân của giới trẻ Trung Quốc cũng đang thay đổi đáng kể. Nhiều người trẻ hiện nay chọn kết hôn muộn hoặc thậm chí không kết hôn. Xu hướng tổ chức đám cưới trực tuyến hoặc với đối tượng ảo cũng ngày càng phổ biến.

Mặc dù tỷ lệ người không kết hôn suốt đời ở Trung Quốc vẫn chỉ chiếm thiểu số, nhưng sự thay đổi trong quan niệm hôn nhân ngày càng rõ nét. Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ người chưa kết hôn suốt đời tại Trung Quốc vẫn dưới 2% trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2020. So với các nước phát triển như Nhật Bản hay Mỹ, tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều. Năm 2020, tỷ lệ nam giới không kết hôn suốt đời ở Trung Quốc là 3,25%, trong khi ở Nhật Bản là 14,1% và ở Mỹ là 8,92%.

Đáng chú ý, trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ đàn ông không kết hôn tại Trung Quốc luôn cao hơn nhiều so với phụ nữ. Điều này phản ánh một thực tế là nam giới có trình độ học vấn thấp có khả năng không kết hôn cao hơn, trong khi phụ nữ có học vấn cao lại có xu hướng sống độc thân. Phụ nữ thành thị có học vấn cao, đặc biệt ở các khu vực phát triển như miền Đông Trung Quốc, ngày càng chọn không lập gia đình.

Kể từ năm 2013, tỷ lệ kết hôn ở nhiều khu vực trên toàn quốc đã giảm đáng kể. Các tỉnh như An Huy, Hà Nam, và Quý Châu có tỷ lệ kết hôn cao, trong khi Thượng Hải và Phúc Kiến là những nơi có tỷ lệ thấp nhất. Nhà nhân khẩu học Hà Á Phúc cho rằng tỷ lệ kết hôn ở các đô thị phát triển thường thấp hơn do những yếu tố như dân số di cư lớn, chi phí sinh hoạt cao, và giá nhà đất đắt đỏ.

Ngược lại, những khu vực duy trì văn hóa truyền thống và có chi phí kết hôn thấp, như Tây Tạng, vẫn giữ được tỷ lệ kết hôn ổn định. Ở những nơi này, chi phí cưới hỏi, bao gồm tiền thách cưới và giá nhà ở, đều thấp hơn so với các khu vực phát triển.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến tỷ lệ kết hôn là việc tăng độ tuổi kết hôn trung bình. Năm 2020, tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở Trung Quốc là 28,67, muộn hơn gần 4 năm so với năm 2010. Việc kéo dài thời gian học tập và sự gia tăng số lượng người có bằng đại học là những yếu tố góp phần đẩy lùi tuổi kết hôn.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, tỷ lệ nhập học đại học năm 2023 đạt 60,2%, tăng gần 26% so với 10 năm trước. Việc nâng cao trình độ học vấn đồng nghĩa với việc nhiều người trẻ dành nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp trước khi lập gia đình.

Như vậy, việc tỷ lệ kết hôn giảm không chỉ đơn thuần do sự thay đổi trong cấu trúc dân số mà còn phản ánh sự thay đổi trong quan niệm hôn nhân của giới trẻ Trung Quốc.