Cùng với 2.034 loài mới được phát hiện vào năm 2015 đã nâng tổng loài thực vật tồn tại trong hệ thực vật thế giới lên 390.900 loài. Đánh giá toàn cầu của Kew sẽ được tiến hành hàng năm, cho phép các nhà khoa học theo dõi sự phát triển thực vật theo thời gian.
Tuy nhiên, báo cáo này cũng cảnh báo rằng 21% trong số đó đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì mất môi trường sống, bệnh tật, các loài khác xâm lấn và mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.
Giáo sư Kathy Willis, Giám đốc khoa học tại RBG Kew cho biết: "Việc nghiên cứu xem có bao nhiêu loài thực vật đang tồn tại, môi trường sống ưa thích của chúng là gì hay mối quan hệ giữa các nhóm loài như thế nào là một việc làm quan trọng. Bởi lẽ thực vật chính là gốc rễ của sự sống loài người. Chúng cung cấp thức ăn, nhiên liệu, các loại thuốc cho chúng ta, thậm chí kiểm soát khí hậu của chúng ta”.
Việc nghiên cứu và thống kê được thực hiện dựa trên cơ sở dữ liệu hiện có. Các nhà nghiên cứu tìm thấy rất nhiều điểm khác lạ trong hồ sơ như việc một số loài sẽ được gọi bằng tên của loài khác tại những thời điểm khác nhau.
Trong tổng số 390.900 loài được ước tính, không bao gồm tảo, rêu sừng và rêu tảng, hiện có khoảng 369.400 loài có hoa. Tuy nhiên Giáo sư Willis cho biết đây chỉ là kết quả sơ bộ, có hàng ngàn loài đang tồn tại ngoài sự hiểu biết của chúng ta.
Một trong những phát hiện thú vị vào năm ngoái, một loài cây có tên khoa học Gilbertiodendron maximum (thuộc họ đậu), cây trưởng thành có thể cao đến 45m, được tìm thấy trong các khu rừng của Gabon ở Tây Phi.
Gilbertiodendron maximum (Ảnh BBC)
90 loài Thu hải đường (tên khoa học Begonia) cũng đã được phát hiện cùng với 5 loài cây ăn thịt có màu sắc sặc sỡ tên Magnifica ở Brazil.
“Thành viên mới” - Cây ăn thịt Magnifica (Ảnh BBC)
Các nhà thực vật từ Trung Quốc, Australia và Brazil là những người có đóng góp to lớn trong việc tìm kiếm và đặt tên các loài thực vật mới nhất.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra 4.979 loài xâm lấn khắp thế giới tác động không nhỏ tới môi trường sống của thực vật khác. Với những thiệt hại mà chúng gây ra cho môi trường, ước tính chi phí tháo dỡ các loài xâm lấn chiếm 5% nền kinh tế thế giới.
Một loài cây xâm lấn (Ảnh BBC)
Tiến sĩ Clubbe, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Kev nhận định: "Những nghiên cứu cho thấy, loài xâm lấn thực sự là kẻ thù của chúng ta, việc tìm hiểu sâu về chúng giúp ta tìm ra biện pháp quản lý và đối phó với chúng tốt hơn”.
Báo cáo cũng cho thấy hơn 10% trái đất được bao phủ bởi thảm thực vật, chúng nhạy cảm với bất kỳ thay đổi nhỏ nào từ khí hậu, ví dụ biến đổi khí hậu gây ra những thay đổi lớn về tập quán thụ phấn và ra hoa của cây.