Các giai đoạn phát triển công nghệ ở Việt Nam như thế nào?

(VOH) - Một số thành công của R&D nội địa tại Việt Nam đến từ các hoạt động chuyển giao công nghệ quốc tế.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, trong năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổ chức SIRO’s Data61 của Úc đã hợp tác tiến hành một nghiên cứu chung nhằm phân tích, đánh giá một cách khoa học các giai đoạn phát triển công nghệ hiện tại ở Việt Nam cũng như những đóng góp của các hoạt động khoa học và công nghệ khác nhau đối với quá trình đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Đây là một công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các ngành của Việt Nam trong việc đưa ra các quyết định đầu tư cho giai đoạn phát triển tiếp theo trong thời đại phát triển nền công nghiệp 4.0.

Tầm quan trọng của Nghiên cứu & Phát triển (R&D) trong đổi mới công nghệ và kinh tế 1
Ảnh minh hoạ: Bộ KHCN

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, tại báo cáo đánh giá “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam - Đóng góp của công nghệ vào tăng trưởng kinh tế” được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao ở phương pháp nghiên cứu khoa học, phân tích chuyên sâu, cũng như đưa ra được những khuyến nghị chính sách rất cụ thể và khả thi. Xuyên suốt báo cáo là quan điểm nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới khoa học công nghệ, đặc biệt là tầm quan trọng của Nghiên cứu & Phát triển (R&D) trong đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế.

Một số thành công của R&D nội địa tại Việt Nam đến từ các hoạt động chuyển giao công nghệ quốc tế. Tuy nhiên, theo Coe và các cộng sự, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề R&D và tác động của R&D giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, mặc dù các quốc gia đang phát triển có thể hưởng lợi đáng kể từ các nỗ lực R&D của các đối tác thương mại, nhưng mức độ hưởng lợi lại phụ thuộc vào quy mô hoạt động R&D mà các nước này triển khai. Điều này cho thấy mối liên hệ tiềm năng giữa chuyển giao công nghệ quốc tế sâu rộng và các hoạt động R&D của chính các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Nguồn lực quan trọng khác của R&D đến từ phía chính phủ. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã phát triển mạng lưới các viện nghiên cứu công lập, chiếm một phần lớn cả về ngân sách R&D công lập và nhân lực R&D. Năm 2020, có 652 tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam. Tuy nhiên, không giống như các đối tác của họ tại Đài Loan và Hàn Quốc từ những năm 1970 trở đi, các tổ chức nghiên cứu này ít liên kết/hợp tác với các doanh nghiệp và các trường đại học tư.

Phần lớn đầu tư R&D tại Việt Nam vào các ngành kỹ thuật và công nghệ. Điều này cũng được thể hiện qua phân tích về công bố khoa học quốc tế. Dữ liệu về các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy Việt Nam có trình độ chuyên môn cao hơn mức trung bình của thế giới về toán học, thống kê, nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, và sinh học. Các lĩnh vực khác như khoa học môi trường, y học lâm sàng, môi trường xây dựng và thiết kế cũng là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Hơn nữa, nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam chiếm phần chủ đạo (69% tổng số nghiên cứu) cho thấy tiềm năng đẩy mạnh R&D để đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất lao động trong các ngành công nghiệp.