Nghịch lý trong thị trường lao động
Tốt nghiệp đại học và ra trường hơn 1 năm nay với chuyên ngành kế toán nhưng chưa tìm được việc làm, Lê Thị Ngọc Diệu, tạm trú quận 9, thường đến các hội chợ việc làm hay sàn giao dịch việc làm với mong muốn tìm được công việc đúng chuyên ngành. Cái khó đối với Diệu là hầu hết doanh nghiệp đều muốn tuyển dụng người có kinh nghiệm và có yêu cầu rất cao về kỹ năng thực tế nhưng những gì học ở trường thì không thể đáp ứng. “Mới ra trường cũng ngại, kinh nghiệm không có, thực tiễn rất khác với những gì học ở trong trường. Thứ hai là môi trường làm việc khác với môi trường học. Trở ngại lớn nữa là vấn đề ngoại ngữ." Diệu thừa nhận.
Tìm được việc làm đúng chuyên ngành đã khó, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp lại càng khó hơn khi những kiến thức tại trường chỉ là lý thuyết mà thiếu thực hành và thực tế. Chính vì vậy, Phạm Ngọc Hân, tốt nghiệp đại học luật vẫn chưa tìm được việc làm. Để không phải chịu cảnh thất nghiệp, Hân tạm chấp nhận làm công việc phổ thông để tìm kiếm kinh nghiệm: “Em có đi làm một số doanh nghiệp rồi, nói chung áp lực công việc, mới ra trường nên thấy chưa quen việc. ”.
Khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM gần đây cho thấy, 60% sinh viên ra trường chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt trong kỹ năng nghề; 20% cử nhân đại học tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc.
Sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn lao đao khi tìm việc làm - Ảnh minh họa.
Có một nghịch lý là nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi nhiều doanh nghiệp đang "khát" nhân lực và rất khó tuyển dụng được nguồn lao động.
Theo nhiều doanh nghiệp, họ cần lao động đáp ứng nhu cầu công việc và phải thích nghi được guồng máy hoạt động sản xuất kinh doanh, phải có kiến thức rộng về vấn đề xã hội, về kỹ năng sống cũng như tác phong công nghiệp. Số lao động này thực tế là rất ít. Bà Võ Nguyễn Anh Thư, chuyên viên phát triển kinh doanh bán hàng công sở của một doanh nghiệp tại TPHCM cho biết, quá trình tuyển dụng, doanh nghiệp không cần bằng cấp quá xuất sắc mà cần những kỹ năng làm việc hiệu quả: “Yêu cầu các bạn phải có sự năng động nhất định, cần phải xông pha, cần phải có những kỹ năng đặc thù. Cũng đòi hỏi có khả năng ngoại ngữ kha khá”.
Tuyển lao động theo đúng yêu cầu không dễ. Vì vậy, đào tạo lại và tự đào tạo là cách mà nhiều doanh nghiệp áp dụng khi tuyển dụng lao động. Thậm chí, nhiều ngành nghề, nhà tuyển dụng không cần lao động có bằng cấp vì họ sẽ đào tạo nghề, đào tạo những kiến thức xung quanh yêu cầu công việc. Mặt khác, đối với những ngành nghề đặc thù như dệt, may, phần lớn là công ty phải tự đào tạo nghề khi tuyển dụng lao động.
Liên kết đào tạo theo nhu cầu xã hội
Một công bố gần đây của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy tỷ lệ lao động thất nghiệp và tỷ lệ lao động thiếu việc làm đều gia tăng, trong đó số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người vào những tháng đầu năm 2015. Những lao động này tập trung nhiều tại các TP lớn , trong đó có TPHCM. Đa phần chấp nhận làm việc trái ngành, trái nghề, thậm chí là lao động phổ thông, bám trụ tại TP để mong tìm kiếm cơ hội.
Theo ông Lê Văn Kiệt, hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Tôn Đức Thắng, có hai vấn đề đang đặt ra, đó là thực trạng đào tạo thầy nhiều hơn thợ. Đó là tâm lý thích học đại học mà không xem trọng việc học nghề. Để giải quyết bài toán này, thì cách tốt nhất, là phải phân luồng giáo dục, đầu tư mạnh hơn cho các trường nghề cũng như có chính sách ưu đãi cho lao động học nghề. Ông Kiệt cho rằng: “Phân luồng giáo dục phải cho thật đúng hướng và quyết liệt. Về chính sách sử dụng và đãi ngộ, tức là thang bậc lương của người tốt nghiệp các trường nghề là như thế nào, chính sách đãi ngộ đối với người thợ cả, chính sách đãi ngộ khi người ta đi làm…”.
Học sinh tham quan phòng thực hành khoa cơ khí chế tạo ở Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM - Ảnh: TTO.
Theo thạc sĩ Nguyễn Quang Giải, Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển thành phố, tỷ lệ sinh viên, thạc sĩ sau khi ra trường thất nghiệp cao như hiện nay vì có thể những ngành nghề mà họ chọn thì xã hội chưa cần hoặc những ngành nghề đó đang quá dư thừa. Hơn nữa cũng cần phải tìm hiểu xem chất lượng đào tạo những ngành nghề đó như thế nào ? Để giải quyết vấn đề này, công tác đào tạo phải sát với thông tin từ thị trường lao động, có nghĩa là thị trường đang cần gì ? Thạc sĩ Nguyễn Quang Giải cho hay: “Nhà đào tạo phải tập đào tạo những kỹ năng mềm và chuyên môn giỏi. Phía tuyển dụng cũng chấp nhận giai đoạn đầu có những chênh nhau và chấp nhận thu hút họ để tái đào tạo”.
Theo đề xuất của ông Phạm Công Vinh, Trường đại học Lao động Xã hội, trong công tác đào tạo, nhà trường và doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau. Sự liên kết này đôi bên cùng hưởng lợi. Nhà trường khắc phục được hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị để đào tạo. Phía doanh nghiệp, thông qua những nguồn lực có sẵn, sẽ hướng tới đào tạo lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của chính doanh nghiệp mình. Sinh viên thì có thêm cơ hội để tiếp cận trang thiết bị, công nghệ sản xuất và quan trọng hơn là có thêm kỹ năng nghề nghiệp. Ông Vinh lý giải : “Đó là sự liên thông hay liên kết và tính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các đơn vị hành chính sự nghiệp. Nhân lực ra làm được việc ngay. Doanh nghiệp đưa chuyên gia tới tham dự các giờ giảng, đưa các phương tiện cần thực hành thì như thế sinh viên sẽ tiếp thu được kiến thức nghề, vững hơn”.
Để sự liên kết này được thực hiện, ngành chức năng cần phải "vào cuộc", đứng ra làm đầu mối để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực tế, tỷ lệ các trường có liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo cho sinh viên là rất ít và rất khó thực hiện.
Ông Lâm Trường Toại, Trường đại học quốc gia TPHCM cho rằng: “Đào tạo nguồn nhân lực cần kết hợp giữa khối doanh nghiệp, khối tuyên truyền và khối giáo dục đào tạo. Như vậy, mới hoàn thiện được chương trình đào tạo. Tôi biết thì từng trường cũng có làm nhưng chỉ mang tính chất riêng lẻ. Tôi đề nghị, ở cấp TP, một sở nào đó đứng ra thường xuyên tổ chức hợp giữa các khối lại với nhau để chúng ta có định hướng cụ thể cho các chương trình đào tạo”.
Cuối năm nay, Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ hội việc làm sẽ đến nhiều hơn với người lao động. Nếu không có sự thay đổi tức thời trong giáo dục đào tạo và đào tạo nghề, không đào tạo theo nhu cầu xã hội, người lao động không chủ động trang bị kỹ năng nghề cần thiết thì cơ hội tìm kiếm việc làm sẽ khó hơn và thực trạng thừa thầy, thiếu thợ cũng như sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu của thị trường lao động nước ta sẽ cứ "dai dẳng".