Mối nguy từ "thử thách Momo": Làm gì để phòng ngừa?

(VOH) - Cơ quan chức năng đã có nhiều hình thức ngăn chặn video độc hại như "Thử thách Momo" nhưng đến nay, video dạng này vẫn tồn tại và “gây họa” cho nhiều gia đình.

Hiểm họa từ "Thử thách Momo"

Thử thách momo tên tiếng Anh là Momo Challenge. Đây là một trò bịp về một thử thách trên mạng được người dùng mạng xã hội Facebook hay Youtube lan truyền.

Trong các video đăng tải, hình tượng Momo xuất hiện một cách kinh dị với khuôn mặt của một người phụ nữ đầu người mình gà, mái tóc đen, trán nhô cao, làn da nhợt nhạt, mắt lồi, miệng nhọn và rộng bất thường hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân.

Hiện vẫn chưa thể xác định rõ chính xác nguồn gốc của "trò chơi tự sát" Momo, ai là người đứng sau trò chơi được lan truyền này.

Momo có thể xuất hiện trên ứng dụng Youtube, mạng xã hội WhatsApp hoặc ứng dụng Messenger... Sau đó, nó sẽ trò chuyện, tâm sự, gửi nhiều hình ảnh bạo lực và một số thử thách làm hại bản thân như cắt tay, cạo đầu, thậm chí là tử tự - rồi ép trẻ thực hiện theo. Momo còn gửi lời đe dọa trẻ nếu không thực hiện thử thách thì sẽ bị trừng phạt và không được nói cho ai biết.

Mục tiêu tiếp cận của Momo thường là thanh thiếu niên, đặc biệt là những người có vấn đề về tâm lý như trầm cảm, có thể dễ dàng nghe theo những lời xúi giục. Không chỉ trên thế giới mà cả Việt Nam, “Thử thách Momo” từng là nguyên nhân của nhiều vụ tự sát ở trẻ em.

momo challenge
Hình tượng Momo vốn là một tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa. Tác phẩm này có tên "Mother Bird - Chim mẹ" - từng được trưng bày vào năm 2016 tại Phòng triển lãm Vanilla ở thành phố Tokyo. Keisuke Aisawa không bao giờ ngờ tới tác phẩm của mình lại bị kẻ xấu lợi dụng với mục đích xấu.

Năm 2019, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đã yêu cầu Google gỡ bỏ và tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt các clip có nội dung độc hại để không còn tiếp tục xuất hiện trên Youtube.

Tuy nhiên, gần đây, các clip này có dấu hiệu xuất hiện trở lại và  thông tin bé trai 8 tuổi tử vong nghi vì treo cổ áo đang mặc vào móc áo, do học theo "Thử thách Momo" trên mạng khiến nhiều bậc phụ huynh vô cùng lo lắng.

Làm sao để đề phòng “Thử thách Momo”

Thử thách Momo đã từng được giới truyền thông cảnh báo vào năm 2018 trên ứng dụng WhatsApp, khi nó nhắm vào thanh thiếu niên, đặc biệt là những người có vấn đề về tâm lý như trầm cảm.

Năm 2019, "Thử thách Momo" bị phát hiện chèn bên trong một số video không chính thức, có nội dung lấy lại từ kênh hoạt hình Peppa Pig và game Fortnite. Điều đáng lo ngại là chúng hướng dẫn cách để một người tự làm hại bản thân, thậm chí tự tử.

Tránh để xảy ra những điều đáng tiếc, các bậc phụ huynh cần chú ý khi cho con sử dụng các ứng dụng trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh:

- Hãy xem ứng dụng/kênh trước khi cho phép trẻ sử dụng để đảm bảo rằng nội dung phù hợp với độ tuổi của con.

- Cùng sử dụng các ứng dụng với con và hạn chế thời gian xem các thiết bị di động của trẻ.

- Hạn chế những đoạn video liên quan tới những video có nội dung xấu đang trôi nổi trên Internet (bao gồm Thử thách Momo) bằng cách cài đặt tìm kiếm Google và cài đặt Restricted Mode trên Youtube.

Đặt chế độ Restricted mode

Restricted mode là chế độ hạn chế giúp ẩn hoàn toàn các video có nội dung không phù hợp với lứa tuổi của trẻ em. Chế độ này hữu ích nếu bạn cho trẻ xem video YouTube trực tiếp ngay trên trình duyệt (và cần được đăng nhập tài khoản Google). Để kích hoạt chế độ này, tại giao diện chính của YouTube bạn bấm vào hình đại diện của tài khoản Google nằm ở góc trên bên trái và chọn dòng Restricted Mode: Off.

Trong hộp thoại xuất hiện, gạt nút chọn ở dòng Activate Restricted Mode để kích hoạt chế độ hạn chế video. Lúc này trình duyệt sẽ tự động tải lại toàn bộ nội dung các video với nội dung phù hợp nhất với trẻ em.

Restricted Mode
Chọn dòng Restricted Mode để kích hoạt chế độ hạn chế video

Cài ứng dụng YouTube Kids

Ngoài ra, khi cho trẻ tiếp xúc với các máy tính bảng hay điện thoại thông minh, cha mẹ nên cài ứng dụng YouTube Kids để lọc bỏ bớt các video có nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi. Đây là ứng dụng được thiết kế chỉ tập trung vào các video có nội dung gia đình, hoạt hình, học tập dành cho các bé.

Với ứng dụng này cha mẹ có thể chọn độ tuổi của trẻ để có những video phù hợp nhất. Và bên cạnh đó bạn còn có thể vào phần cài đặt để tùy chỉnh giới hạn quyền xem một số video nhất định, hay chỉ cho phép các video được phê duyệt trước, giới hạn thời gian xem và nhiều thiết lập hữu ích khác.

Ngày 29/7/2018, một cô bé 12 tuổi (ở Ingeniero Maschwitz, Argentina) bị nghi tìm đến cái chết sau khi nhắn tin trên ứng dụng Whatsapp với tài khoản có tên Momo.

Cô bé được tìm thấy đã qua đời ở tư thế treo cổ trên cây ở sau nhà. Khi đó, điện thoại đang quay một đoạn video, cảnh sát cho rằng cô bé đang ghi lại hình ảnh để đăng lên mạng xã hội, xác nhận thực hiện thử thách của trò chơi.

Tại Anh cũng từng ghi nhận một trường hợp về cô bé Callie hoảng loạn đến mức đập đầu vào tường, liên tục mơ thấy ác mộng sau khi tiếp xúc với Momo. Ngoài ra có thêm hai trường hợp tự sát của các em bé 12 và 16 tuổi ở các quốc gia Châu Mỹ.

Tính đến thời điểm hiện tại, “trò chơi tự sát” Momo đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước Châu Âu, Mỹ, khu vực châu Mỹ Latinh.