Trong báo cáo hàng quý liên quan đến chiến dịch chống tin giả, Google cho biết các kênh YouTube này thường đăng tải những nội dung “spam, không liên quan đến chính trị”, nhưng cũng có một số lượng nhỏ có liên quan đến chính trị.
Google không tiết lộ tên của những kênh YouTube đã bị gỡ bỏ này mà chỉ nói rằng chúng có hoạt động tương tự như một chiến dịch đưa thông tin sai lệch lên Twitter được công ty phân tích mạng xã hội Graphika phát hiện hồi tháng 4.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ và mạng xã hội đang gia tăng.
Nhà Trắng hôm 5/8 cho biết họ đang tăng cường nỗ lực nhằm xóa bỏ các ứng dụng "không đáng tin cậy" của Trung Quốc ra khỏi mạng kỹ thuật số của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng Mỹ sẽ triển khai chương trình “mạng lưới sạch”, tập trung vào 5 lĩnh vực, bao gồm các biện pháp ngăn chặn các ứng dụng và các công ty viễn thông của Trung Quốc truy cập vào những thông tin nhạy cảm của công dân và doanh nghiệp Mỹ.
Ông Pompeo cũng cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ phối hợp với các cơ quan khác trong chính phủ để bảo vệ dữ liệu của công dân Mỹ và tài sản trí tuệ của Mỹ, bao gồm cả việc nghiên cứu vaccine ngừa virus SARS-CoV-2.
Biện pháp mà Mỹ sẽ áp dụng là ngăn chặn truy cập từ các hệ thống điện toán đám mây do các công ty như Alibaba, Baidu, China Mobile, China Telecom và Tencent điều hành.
Ông Pompeo nói rằng ông sẽ cùng Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr và Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Chad Wolf thúc giúc Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) rút giấy phép cung cấp dịch vụ tại Mỹ của China Telecom và 3 nhà mạng khác.
Thông báo của Ngoại trưởng Pompeo được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ cấm ứng dụng TikTok của Trung Quốc.
Hiện TikTok đang đứng trước sự lựa chọn. Trước ngày 15/9, họ sẽ bán doanh nghiệp tại Mỹ cho Microsoft hoặc đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn các hoạt động tại Mỹ.
Liên quan đến việc Google gỡ bỏ trên 2.500 kênh YouTube có liên kết với Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận gì. Trước đây, Trung Quốc từng bác bỏ các cáo buộc nói rằng nước này tham gia lan truyền các thông tin sai lệch.
Theo Reuters, các thông tin sai lệch có nguồn gốc từ nước ngoài đã trở thành mối lo ngại đối với các chính trị gia và các công ty công nghệ Mỹ kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 khi các tin tặc có liên kết với chính phủ Nga đã tung ra nhiều thông tin gây nhầm lẫn lên hệ sinh thái mạng xã hội.
Nhằm tránh lặp lại những gì đã xảy ra vào năm 2016, các công ty như Google và Facebook đã thường xuyên cập nhật về cách thức họ đối phó với các thông tin sai lệch được tuyên truyền trên mạng.
An Nhiên
Lebanon: Tổ chức quốc tang 3 ngày tưởng niệm các nạn nhân vụ nổ tại Beirut - Từ ngày 6/8, Lebanon tổ chức quốc tang 3 ngày nhằm tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut.