NASA ra mắt siêu tên lửa khổng lồ thế hệ mới

(VOH) - Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã cho ra mắt siêu tên lửa Mặt trăng thế hệ mới lần đầu tiên, được biết đến với tên gọi Hệ thống Phóng Không gian (SLS).

Ngày 17/3 (theo giờ địa phương), thế hệ tên lửa Mặt trăng tiếp theo của NASA đã bắt đầu hành trình đầu tiên vô cùng thận trọng của mình đi từ nhà máy lắp ráp đến bệ phóng ở Florida, để chuẩn bị cho những vòng thử nghiệm cuối cùng trong vài tuần tới nhằm xác định chính xác thời gian mà nó có thể chính thức vận hành, bay vào không gian.

Việc triển khai Hệ thống Phóng Không gian (SLS) khổng lồ cùng với khoang chở phi hành đoàn Orion gắn trên đỉnh SLS (gọi chung là SLS-Orion) đánh dấu cột mốc quan trọng trong kế hoạch khám phá Mặt Trăng mới của Mỹ sau nhiều năm thất bại. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ công chúng được chứng kiến sự phát triển của một cỗ máy hàng không vũ trụ của Mỹ.

Quá trình di chuyển siêu tên lửa SLS-Orion nặng 5,75 triệu tấn, cao tương đương một tòa nhà 32 tầng ra khỏi khu vực lắp ráp tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Cape Canaveral đã bắt đầu vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 17/3 (giờ địa phương - tương đương 4 giờ 30 phút sáng ngày 18/3 theo giờ Hà Nội). Sau đó khoảng 90 phút là thời điểm Mặt trăng lên hoàn toàn.

Siêu tên lửa - cao hơn cả Tượng Nữ thần Tự do - sẽ từ từ được đưa đến khu liên hợp phóng số 39B trên một phương tiện bánh xích khổng lồ Crawler-Transporter 2. Quãng đường di chuyển dài khoảng 6,4 km dự kiến sẽ mất khoảng 11 giờ và do một đội ngũ gồm 25 chuyên gia thực hiện. Toàn bộ quá trình cũng được truyền trực tiếp trên kênh truyền hình và website chính thức của NASA.

NASA ra mắt siêu tên lửa khổng lồ thế hệ mới
Siêu tên lửa thế hệ mới của NASA (SLS) nặng 5,75 triệu tấn, cao tương đương một tòa nhà 32 tầng cùng tàu vũ trụ Orion phía trên đỉnh tại sự kiện ra mắt ngày 17/3/2022. Ảnh: Reuters
NASA ra mắt siêu tên lửa khổng lồ thế hệ mới
Đông đảo người dân tập trung theo dõi sự kiện ra mắt và di chuyển SLS-Orion tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Ảnh: Reuters
NASA ra mắt siêu tên lửa khổng lồ thế hệ mới
Cận cảnh tàu vũ trụ Orion sẽ nhận nhiệm vụ chở các phi hành gia trong sứ mệnh tái đổ bộ Mặt Trăng sắp tới của Mỹ. Ảnh: Reuters

Dự án SLS-Orion tiêu tốn khoảng 37 tỷ USD để phát triển.

Theo kế hoạch, sau khi SLS được đưa đến bệ phóng thành công và cố định an toàn, đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật viên của NASA sẽ tiến hành bước thứ hai - gọi là thử nghiệm tiền phóng - để xác định xem cả tên lửa SLS, tàu vũ trụ Orion, thiết bị mặt đất và đội phóng đã sẵn sàng để thực hiện sứ mệnh Artemis I (đưa tàu vũ trụ Orion bay lên Mặt Trăng và quay lại Trái Đất) hay chưa.

Artemis I là giai đoạn một, được xem là “xương sống” của chương trình chinh phục Mặt trăng của NASA mang tên Artemis - nhằm mục đích đưa các phi hành gia trở lại và khám phá lâu dài trên Mặt Trăng vào năm 2025.

Tại buổi ra mắt SLS, Janet Petro - Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Kennedy phát biểu: “60 năm trước, Trung tâm Vũ trụ Kennedy được thành lập để đáp ứng thách thức mà Tổng thống J.F. Kennedy khi ấy đưa ra là NASA phải đưa người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn trong Chương trình Apollo thế kỷ 20.

Thế kỷ 21 đến, NASA lại triển khai chương trình Artemis để một lần nữa đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng. NASA đã làm việc ngày đêm để phát triển những công nghệ giúp con người hiện diện trong không gian và sử dụng những kiến thức có được để đưa con người lên sao Hỏa.

Hôm nay, chúng ta ở đây để tôn vinh di sản ấy, tôn vinh những con người đã lao động hăng say để mở ra một chương mới trong hành trình khám phá không gian của NASA nói riêng và nước Mỹ nói chung.”

SLS là tên lửa đẩy duy nhất hiện nay có khả năng đưa con người tiến sâu vào vũ trụ. SLS là tên lửa mạnh nhất thế giới và khi cất cánh, nó sẽ ra lực đẩy mạnh 8,8 triệu pound (gần 4.000 tấn). Trong khi đó, tàu vũ trụ Orion (lắp trên đỉnh SLS) sẽ thực hiện hành trình dài 386.242 km đến Mặt Trăng.

Giám đốc NASA Bill Nelson khi nói về tiềm năng phát triển của SLS-Orion, Giám đốc NASA Bill Nelson khẳng định: “Đây là siêu tên lửa mạnh nhất thế giới hiện tại. Nhân loại sẽ sớm bắt đầu một kỷ nguyên khám phá mới.”