Đăng nhập

Nhiều giải pháp đột phá trong dạy nghề thời hội nhập

(VOH) - Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 1.400 cơ sở đào tạo nghề phủ kín toàn quốc với đội ngũ giáo viên hơn 4.000 người. Mặc dù kết quả tuyển sinh chưa đạt mục tiêu Chiến lược đào tạo nghề đề ra nhưng vẫn tăng gần 20% so với giai đoạn 2006 – 2010. Theo đánh giá, chất lượng đào tạo nghề nói chung từng bước được nâng lên, thể hiện qua kết quả tốt nghiệp và tìm được việc làm sau đào tạo. Tỷ lệ HS-SV sau tốt nghiệp có việc làm rất cao, bình quân trên 70%. Có nhiều trường, nhiều ngành có tỷ lệ việc làm lên đến 80 – 90%. Có những nghề khi sinh viên chuẩn bị ra trường đã có doanh nghiệp đến đặt hàng.

Để đổi mới công tác đào tạo trong lĩnh vực dạy nghề, phải cần có các giải pháp đồng bộ và lâu dài. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh – Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề đã chia sẻ về vấn đề này, qua trao đổi với Phóng viên Đài TNND TPCM (VOH).

img thumbXem toàn màn hình

Giờ thực hành của thầy trò Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội - Ảnh: TCDN

Nghe nội dung:

Gắn kết giữa đào tạo và doanh nghiệp

* VOH: Thưa ông, hiện nay mạng lưới các trường dạy nghề trên cả nước phát triển như thế nào?

TS Nguyễn Hồng Minh: Trong những năm qua, dạy nghề được sự quan tâm của các cấp, các ngành nên từng bước được đổi mới và phát triển. Đối với đào tạo nghề đang đào tạo theo ba cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề. Mạng lưới cơ sở dạy nghề hiện nay chúng tôi có 1.467 cơ sở, trong đó có 190 trường Cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề, 997 trung tâm dạy nghề.

Ngoài ra còn rất nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở dạy nghề từ doanh nghiệp. Năm 2015, đào tạo nghề đạt được 1.967.000 người, trong đó trình độ trung cấp, cao đẳng là 210.000 người, còn lại là sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng.

* VOH: Ông đánh giá chất lượng đào tạo nghề hiện nay ra sao, có những đổi mới nào để đáp ứng nhu cầu thời hội nhập?

TS Nguyễn Hồng Minh: Chất lượng đào tạo nghề từng bước được nâng lên, thể hiện qua các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

Thứ nhất, Về đội ngũ giáo viên, những năm qua chúng tôi đã tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên đạt ba chuẩn, mà trước kia thì giáo viên lý thuyết riêng, giáo viên thực hành riêng. Còn bây giờ giáo viên phải đạt được ba chuẩn tích hợp: trình độ đào tạo, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề. Đội ngũ giáo viên đã tích hợp được lý thuyết, thực hành để dạy theo hướng tích hợp, trên cơ sở đổi mới phương pháp đào tạo, chương trình đào tạo, chuyển đổi từ chương trình đào tạo tách biệt giữa lý thuyết, thực hành riêng, chúng tôi đã xây dựng chương trình đào tạo tích hợp.

Thứ hai, về chương trình, chúng tôi đã xây dựng các bộ chương trình khung theo quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp, đến nay đã xây dựng được 265 chương trình khung. Chương trình khung này được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng, tiêu chuẩn kỹ năng lại được xây dựng trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp.

Bộ tiêu chuẩn kỹ năng này được phân tích từ quy trình kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh. Từ đó, chúng tôi xây dựng chương trình khung, từ chương trình khung này, các trường nghề xây dựng chương trình cho trường mình. Chương trình mới này chúng tôi thiết kế những mô-đun trong chương trình, dành thời gian thích hợp để đi thực tế tại doanh nghiệp, có gắn kết giữa chương trình đào tạo với doanh nghiệp thì người lao động mới thành thạo kỹ năng trong doanh nghiệp được.

Lao động qua đào tạo có việc làm đạt trên 70%

* VOH: Những sự thay đổi này thể hiện qua kết quả tìm việc làm của người học nghề sau tốt nghiệp như thế nào?

TS Nguyễn Hồng Minh: Thông qua tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm ngay sau khi ra trường, trước kia tỷ lệ có việc làm rất thấp. Tỷ lệ này ngày càng được nâng lên, trong những năm qua tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%. Nhưng, có nhiều trường tỷ lệ này đạt tới 80 – 90%, đặc biệt là những ngành nghề về lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghệ thông tin….tỷ lệ ra trường có việc làm rất cao.

Thêm nữa, chất lượng đào tạo còn thể hiện qua hội thi tay nghề ASEAN, trong 8 lần thi tay nghề ASEAN, chúng ta có đến 3 lần đạt giải nhất toàn đoàn. Chất lượng đào tạo nghề tăng lên còn thông qua việc các doanh nghiệp đã thấy rằng người lao động qua đào tạo nghề đã đáp ứng được những vị trí kỹ thuật, vị trí lao động mà trước kia chúng ta phải thuê mướn lao động nước ngoài, giờ thì lao động VN có khả năng tham gia được những vị trí đó.

Nhiều giải pháp đột phá

* VOH: Trong thời gian tới, để đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động theo hướng hội nhập, theo ông cần tập trung những giải pháp nào, thưa ông?

TS Nguyễn Hồng Minh: Quan điểm của chúng tôi, là chúng ta đào tạo nghề phải đáp ứng được cả số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ cho thị trường lao động. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu hội nhập khu vực và trên thế giới, thì nguồn lực của chúng ta không thể đủ để tập trung, đầu tư cho tất cả cơ sở dạy nghề được.

Chúng ta phải tập trung đầu tư cho những ngành nghề trọng điểm, những trường chất lượng cao, những lĩnh vực mũi nhọn, nên tập trung đầu tư, để nó vươn ra hội nhập khu vực và trên thế giới và xuất khẩu lao động.

Chủ yếu tập trung vào hai hướng để phát triển dạy nghề, thứ nhất là tập trung đào tạo trung cấp và cao đẳng nghề. Chúng tôi lựa chọn những ngành nghề mũi nhọn, để tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng, tạo sự đột phá về chất lượng của dạy nghề VN để tham gia hội nhập. Hướng thứ hai, đối với dạy nghề sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng thông qua chương trình đào tạo dạy nghề nông thôn, một mặt nâng cao chất lượng, kỹ năng của người lao động nông thôn để nâng cao năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp ở nông thôn để họ có thu nhập tốt hơn. Chúng tôi cũng đào tạo để làm sao trang bị cho họ kiến thức kỹ năng để chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn ra khu công nghiệp – khu chế xuất, qua đó tái cấu trúc lực lượng lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hoá.

Để làm tốt việc đó, chúng tôi đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp. Thứ nhất, đổi mới cơ chế quản lý. Trước kia, chúng tôi giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường, nhưng như thế không hiệu quả. Bây giờ, chúng tôi chuyển sang quản lý đào tạo theo đầu ra. Trường tuyển sinh bao nhiêu không cần biết, chỉ biết ra trường được bao nhiêu, có việc làm được bao nhiêu, trên cơ sở chúng tôi sẽ thanh toán kinh phí đào tạo cho trường.

Tiếp nữa là theo đặt hàng, Nhà nước đặt hàng đào tạo cho các trường, vừa quản lý đầu vào, quá trình, chất lượng đào tạo, đầu ra. Doanh nghiệp phải nhận được ít nhất 70% trở lên sinh viên tốt nghiệp ra trường,  tức là xác định ngay từ đầu đầu ra thì chúng tôi mới thanh toán tỷ lệ tương ứng cho cơ sở đó.

Chúng tôi còn thực hiện cơ chế tự chủ. Các trường tự chủ càng cao, thì được giao phân cấp càng nhiều. Ví dụ, tự chủ 100% cả đầu tư thường xuyên thì được tự chủ hoàn toàn về nhân sự, chi tiêu, tự chủ thấp hơn thì chịu sự quản lý của cấp trên nhiều hơn. Ngoài ra, còn có chế độ chính sách để làm sao khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo. Không có chính sách tốt, doanh nghiệp cũng không quan tâm, nhưng phải cho họ thấy rằng làm sao để họ tham gia vào quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chính họ.

Xin cám ơn ông!

Bình luận