Những điểm mới Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2021

(VOH) - Trước hết là giải thưởng rút ngắn tên gọi là giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng. Thứ hai là tiêu chí xét giải thưởng ở nhiều lĩnh vực...

Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2021, Ban tổ chức mở rộng xét chọn lĩnh vực chuyển đổi số và tự động hóa, liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây, robot tự hành, nông nghiệp chính xác.

Giải thưởng khuyến khích người dân tộc thiểu số, khuyết tật, hoặc vừa là nhà khoa học/sáng chế đồng thời là thành viên chủ chốt trong tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ, tiên phong trong khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số tạo ra các sản phẩm, dịch vụ giá trị cao trên thị trường.

Xoay quanh Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm nay, chương trình Gõ cửa thành công (VOH) phỏng vấn TS Tống Mạnh Hùng, Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng Hội đồng kết nối Tài năng trẻ Việt Nam:

Điểm mới Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2021 1
Lễ trao Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2020. Ảnh minh họa.

*VOH: Xin ông cho biết về mục đích, ý nghĩa của Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng? Giải thưởng đã đạt kết quả ra sao trong thời gian qua?

TS Tống Mạnh Hùng: Tôi cảm ơn Đài tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã cho tôi cơ hội được trao đổi với thính giả của VOH

Về Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng: Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2003 Trung ương Đoàn đã chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Giải thưởng hàng năm nhằm phát hiện, tôn vinh các bạn trẻ tài năng Việt Nam (không quá 35 tuổi tính đến năm xét trao giải) đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước có những thành tích xuất sắc về khoa học công nghệ. Giải thưởng được trao mỗi năm tối đa 10 cá nhân được nhận Giải thưởng. Như vậy, có thể nói đây là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học & Công nghệ dành cho các tài năng trẻ xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ hàng năm.

Về mục đích của Giải thưởng: Giải thưởng ra đời trước hết là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cụ thể hóa thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ nhân tài khoa học công nghệ, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hai là, góp phần động viên, tôn vinh các bạn tài năng trẻ có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học công nghệ được xét trao giải thưởng. Ba là, tạo động lực và thúc đẩy phong trào trong thanh thiếu nhi thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống, vào thực tiễn của các cơ quan, đơn vị, các ngành, các địa phương.

Về ý nghĩa của Giải thưởng: Chúng ta thấy, giải thưởng có ý nghĩa không chỉ biểu dương, tôn vinh các cá nhân xuất sắc đạt giải thưởng, mà mỗi bạn trẻ đạt giải thưởng đều là những tấm gương rất tiêu biểu, mỗi bạn là những câu chuyện vượt khó, những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, trong học tập, nghiên cứu để theo đuổi, dấn thân với đam mê của mình là khoa học công nghệ. Do đó, có ý nghĩa truyền động lực, truyền cảm hứng và tình yêu khoa học công nghệ đối với các bạn thanh thiếu nhi khác. Về phía cơ quan tổ chức Giải thưởng, thì có ý nghĩa rất lớn là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh góp phần cùng với các cấp, các ngành tạo ra sân chơi khoa học để phát hiện, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực trẻ tài năng cho đất nước.

Về đánh giá kết quả triển khai Giải thưởng trong thời gian qua: Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng được triển khai tổ chức đến năm nay là bước sang năm thứ 18, giải thưởng đã không ngừng đổi mới, bổ sung và điều chỉnh để làm sao phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển khoa học công nghệ của đất nước trong những giai đoạn cụ thể. Công tác triển khai giải thưởng được thông tin, tuyên truyền rộng rãi hơn. Phương pháp đánh giá, xét chọn giải thưởng ngày càng khoa học, chặt chẽ và minh bạch hơn. Các lĩnh vực, đối tượng xét giải thưởng thì ngày càng được mở rộng để đáp ứng với nhu cầu phát triển nhân lực về khoa học công nghệ của đất nước. Cụ thể: 

- Từ năm 2003 đến năm 2010, giải thưởng có tên gọi là Giải thưởng Khoa học Kỹ thuật Thanh niên mang tên Quả Cầu Vàng và khi đó chỉ trao duy nhất cho lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

- Từ năm 2011 đến năm 2015, giải thưởng mở rộng thành 4 lĩnh vực xét giải, gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ y - dược, công nghệ sinh học và công nghệ môi trường.

- Từ năm 2016 đến năm 2020, đổi tên là Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng, việc thay từ “kỹ thuât” bằng từ “công nghệ”, giải thưởng muốn nhấn mạnh và hướng đến phát hiện các tài năng trẻ có các nghiên cứu, các giải pháp theo hướng ứng dụng công nghệ vào cuộc sống và mở rộng thành 5 lĩnh vực xét giải thưởng, đó là: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ y - dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường và công nghệ vật liệu mới.

Sau 17 năm tổ chức giải thưởng, từ năm 2003 đến năm 2020, có thể khẳng định rằng, các Quả Cầu Vàng đều là các cá nhân đặc biệt xuất sắc trong học tập, nghiên cứu với nhiều công trình có giá trị khoa học cao, ứng dụng thực tiễn, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách của đời sống, của ngành, của địa phương cũng như của đất nước.

Những điểm mới Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2021 2
TS Tống Mạnh Hùng, Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng Hội đồng kết nối Tài năng trẻ Việt Nam, Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ Trung ương Đoàn - Đơn vị thường trực Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng.

*VOH: Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm nay có những điểm mới gì so với những năm trước, thưa ông?

TS Tống Mạnh Hùng: Về Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2021 có nhiều đổi mới. Trước hết, bắt đầu từ năm 2021, giải thưởng rút ngắn tên gọi thành Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng để dễ nhớ và vẫn bảo đảm yêu cầu mục tiêu, ý nghĩa của giải thưởng.

Hai là, về tiêu chí các lĩnh vực xét giải thưởng có rất nhiều đổi mới nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược khoa học công nghệ của Chính phủ. Theo đó, 5 lĩnh vực xét giải thưởng được bổ sung, mở rộng và ưu tiên xét chọn các ngành thuộc danh mục các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên quốc gia giai đoạn (2020-2030) của Chính phủ. Đồng thời bổ sung mở rộng thêm nội dung "chuyển đổi số” "tự động hóa”, để giải thưởng sẽ góp phần định hướng, thúc đẩy thế hệ trẻ dấn thân, học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp trong những lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên chiến lược quốc gia, hay tích cực chuyển đổi số, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và Quốc gia số, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo chủ trưởng của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Do đó, "Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông" năm 2021 được điều chỉnh, bổ sung thành "Lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa". Như vậy, giải thưởng năm 2021 sẽ có 5 lĩnh vực xét giải thưởng: công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; công nghệ y - dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường và công nghệ vật liệu mới.

Ba là, các tiêu chí cho từng lĩnh vực xét giải trong Quy chế lần này được cụ thể chi tiết, dễ lượng hóa, giúp thuận lợi cho Hội đồng, cho Ban thư ký trong công tác đánh giá, xét chọn giải thưởng.

Bốn là, công tác đăng ký giải thưởng được thực hiện bằng hình thức trực tuyến và đổi mới, nâng cao, cập nhật hệ thống ứng dụng đăng ký trực tuyến khoa học hơn để giúp cho Ban tổ chức giải thưởng trong công tác tổng hợp, phân loại hồ sơ và giúp cho các ứng viên đăng ký tham gia xét giải thưởng được dễ dàng, nhanh và thuận lợi hơn, đặc biệt là các ứng viên đang học tập, nhiên cứu và công tác ở nước ngoài. Và thuận lợi nữa là đăng ký trực tuyến góp phần triển khai giải thưởng dễ hơn, đặc biệt trong điều kiện Covid -19 như hiện nay, phải giãn cách xã hội, chúng ta không thể thực hiện nhiều nội dung cần phải có sự tiếp xúc, hoặc phải gặp trực tiếp các cơ quan, đơn vị để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục của các ứng viên tham gia giải thưởng.         

VOH: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, về phía Ban tổ chức có gặp những khó khăn trong việc triển khai giải thưởng, thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký tham gia xét giải thưởng và cũng như hỗ trợ, đồng hành với Ban tổ chức giải thưởng như thế nào?

TS Tống Mạnh Hùng: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban tổ chức giải thưởng đương nhiên là sẽ gặp những khó khăn nhất định. Chúng ta đều biết hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội và toàn dân đều phải ưu tiên số một cho công tác chống dịch và nhiều tỉnh, thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội, cũng như thực hiện Chỉ thị 16, 15 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, công tác triển khai thông tin tuyên truyền về giải thưởng, công tác tìm kiếm, phát hiện các cá nhân xuất sắc của các cơ quan, tổ chức, các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước hay các Đại sứ quán, Hội thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài để giới thiệu các cá nhân tiêu biểu ở ngoài nước đăng ký tham gia giải thưởng cũng không thể thuận lợi so với khi không có dịch.

Về công tác tổ chức các hội đồng để thẩm tra, đánh giá, xét chọn và đề cử các cá nhân nhận giải thưởng năm nay hay công tác tổ chức giải thưởng, lễ trao giải thưởng cũng sẽ gặp những khó khăn nếu như dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Ban tổ chức cũng tính toán các phương án khác nhau.

Về việc thu hút các ứng viên đăng ký tham gia giải thưởng, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, công văn giới thiệu, xác nhận thành tích cá nhân của các cơ quan, đơn vị chủ quản giới thiệu ứng viên cũng sẽ khó khăn hơn do giãn cách xã hội, do hạn chế tiếp xúc. Mặc dù chúng ta cũng đẩy mạnh thực hiện các giao dịch trực tuyến trong xử lý công việc, tuy nhiên cũng chưa có thể đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương nên các ứng viên cũng sẽ gặp những khó khăn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để đăng ký tham gia giải thưởng.

Về hỗ trợ, đồng hành với giải thưởng, có thể nói trong nhiều năm qua, Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ Trung ương Đoàn - Đơn vị thường trực giải thưởng luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp để giúp cho giải thưởng được tổ chức thành công và hiệu quả. Tiêu biểu như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát là Nhà tài trợ chính của Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng đã có chặng đường gắn bó với giải thưởng trong suốt 10 năm qua, từ năm 2011 đến năm 2020 và tiếp tục đồng hành với giải thưởng bằng thỏa thuận hợp tác giai đoạn (2021-2025). Trường Đại học Phenikaa đã tài trợ xây dựng và hỗ trợ quản trị các hệ thống đăng ký trực tuyến của giải thưởng trong 2 năm (2021 và 2022).

Tuy nhiên, để giải thưởng ngày càng nâng cao giá trị, uy tín và lan tỏa rộng rãi trong thanh thiếu nhi và toàn xã hội. Ban tổ chức giải thưởng rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước, các cơ quan báo chí truyền thông, các tổ chức, doanh nghiệp trong công tác truyền thông, công tác giới thiệu, tìm kiếm các bạn trẻ tài năng để đăng ký tham gia giải thưởng, cũng như hỗ trợ các điều kiện để đảm bảo triển khai hiệu quả giải thưởng. Để làm sao giải thưởng thực sự là nơi sớm phát hiện các bạn trẻ tài năng về khoa học công nghệ, để chăm lo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ nhân tài cho đất nước.      

VOH : Cảm ơn ông !  

Bình luận