Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những rủi ro từ ứng dụng ghép mặt vào video đang khiến giới trẻ mê mẩn

(VOH) - Bị mê hoặc bởi những hình ảnh đẹp đẽ như thiên thần nhiều người dùng đã cài đặt các ứng dụng ghép mặt vào video để… giải trí. Điều này liệu có mang lại rủi ro hay không?

Vài ngày gần đây, FacePlay đang trở thành ứng dụng gây "sốt" trên nhiều nền tảng như Tiktok, Instagram, Facebook… Từ ứng dụng này, không ít người đã tạo ra clip công chúa, công tử cổ trang Trung quốc hay clip nhảy nhót hoặc tập Gym để đăng trên mạng xã hội với mục đích giải trí.

FacePlay là ứng dụng của hãng phần mềm BigHead Bros (trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc). Ứng dụng này ban đầu có cả phiên bản dành cho Android lẫn iOS, nhưng không hiểu vì lý do gì hiện tại phiên bản FacePlay trên nền tảng CH Play dành cho Android đã bị xóa bỏ, chỉ còn phiên bản dành cho iOS.

Xem thêm: Bộ trường Tài chính Mỹ nói TikTok sẽ không thể thu thập thông tin cá nhân của công dân Mỹ như hiện nay

faceplay, ứng dụng
Ứng dụng FacePlay là ứng dụng của một hãng phần mềm Trung Quốc

Cách dùng app FacePlay ghép mặt vào video khá đơn giản. Người dùng chỉ cần thêm ảnh hoặc chụp ảnh, tự động ghép mặt vào video có sẵn, cuối cùng, một đoạn video ngắn của chính chủ với những tạo hình “lung linh” ra đời chỉ sau vài thao tác đơn giản. Điều khiến cho nhiều người mê mẩn app này đó chính là gương mặt được tự động điều chỉnh trở nên xinh đẹp mà vẫn giữ được những nét đặc trưng của chủ nhân bức ảnh.

Một số người cho rằng, việc ghép ảnh vào video dạng này sẽ gây ra nhiều rủi ro cho người dùng, chẳng hạn như việc cung cấp dữ liệu khuôn mặt cho ứng dụng có thể khiến một ngày nào đó khuôn mặt ấy xuất hiện trong các bộ phim “đen”. Liệu người dùng có thực sự đối mặt với nguy cơ này?

Theo ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO NextPay Tập đoàn Nexttech, hiện nay có rất nhiều ứng dụng sử dụng công nghệ AI trên thế giới, việc nhận dạng khuôn mặt và các công nghệ chỉnh sửa, ghép ảnh, ghép mặt vào các video/hình ảnh mẫu đã có những bước tiến xa, thậm chí có thể tạo hoàn toàn mới các gương mặt bằng AI, tạo ra các khuôn mặt chưa bao giờ có thật.

Trong ngành giải trí cũng đã sử dụng AI cho các cảnh đóng thế, một số hãng truyền hình cũng đã thử nghiệm phát thanh viên AI... Với sự phát triển của mạng xã hội, người dùng càng chia sẻ nhiều dữ liệu về hình ảnh thì dữ liệu càng lớn, và công nghệ sẽ càng tiến xa hơn nữa trong tương lai ...

Hiện có 2 ứng dụng ghép hình khuôn mặt vào video phổ biến nhất là Reface và FacePlay. Reface thì rất chuyên nghiệp, đủ thể loại ảnh và các cảnh film nổi tiếng. Có điều video đa số là diễn viên châu Âu, châu Á (Hàn, Nhật) nên không hợp khuôn mặt người Việt Nam.

Ngược lại, FacePlay có rất nhiều clip cổ trang và thời trang hiện đại của Trung Quốc, hình dáng nhân vật phù hợp với khuôn mặt người Việt – do đó, ứng dụng này cũng được yêu thích và phổ biến hơn với người Việt Nam.

Các ứng dụng này có thể lấy đi các dữ liệu gì của người dùng?

Cũng giống bất kỳ các ứng dụng khác như Facebook, Tiktok, Viber, Whatsapp, Zalo hay Momo, Grab..., FacePlay cũng yêu cầu một số quyền cơ bản như quyền xác định vị trí của người dùng, quyền truy cập danh bạ…

Ông Nguyễn Hữu Tuất cho biết, hiện có nhiều ứng dụng yêu cầu người dùng cấp quyền xác định vị trí khi cài đặt. Để an toàn, người dùng nên tắt đi và chỉ nên dùng khi tìm đường đối với Google map, đặt xe đối với các ứng dụng đặt xe công nghệ hay cần tìm bạn xung quanh đối với Zalo... Người dùng chỉ nên bật định vị khi cần dùng và tắt đi để không ai có thể theo dõi vị trí của mình.

Phiên bản FacePlay trên iOS yêu cầu khá nhiều quyền hạn như, thông tin liên lạc (email, số điện thoại…), lịch sử giao dịch… Thực tế, người dùng dùng App nào thì hành vi cũng như các dữ liệu như ảnh, clip, nội dung… đều được ghi lại và các ứng dụng đều phân tích đánh giá để cải thiện app, làm ứng dụng thông minh hoặc chạy quảng cáo. Đa số các App đều nói là "không chia sẻ bên thứ 3" nhưng thực tế người dùng không kiểm soát được điều này.

Faceplay đòi hỏi quyền này để lấy ảnh khuôn mặt up lên và save video về và cũng có thể quyét ảnh để lấy ảnh tương tự cho chính xác hơn. Theo Policy của FacePlay thì là ảnh Up lên Server, sau khì dùng thuật toán phân tích lấy khuôn mặt (chủ yếu mắt, mũi, miệng) để ghép vào clip thì sẽ xoá, không lưu tại Server (Alibaba Cloud).

Không chỉ FacePlay, nhiều ứng dụng cần upload và lưu hình ảnh/video đều yêu cầu người dùng cho phép truy cập album ảnh, đặc biệt là Facebook thậm chí quét thường xuyên hình ảnh trong album.

Theo TS. Hà Việt Uyên Synh - Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Quốc Tế (ĐHQG-HCM), nguyên nhân lộ, lọt thông tin cá nhân chủ yếu là xuất phát từ chính sự bất cẩn của người sử dụng trong các trường hợp này. Nếu bạn hoàn toàn vô tư đồng ý cho phép ứng dụng truy cập hình ảnh để tạo ra những hình ảnh thú vị, video clip hài hước…, thì có nghĩa là các ứng dụng này cũng thoải mái vào lấy hình ảnh, xem các tệp tài liệu trong máy của bạn.

faceplay
Với việc biểu thị mức phí sử dụng như thế này, người dùng có thể lầm tưởng là mức phí sử dụng FacePlay quá rẻ

Đáng chú ý, FacePlay là ứng dụng có thu phí với mức giá 139.000 đồng/tuần sử dụng, hoặc 1,059 triệu đồng cho một năm sử dụng. Sau khi hết 3 ngày sử dụng thử, nếu người dùng không gỡ bỏ ứng dụng ra khỏi thiết bị, FacePlay sẽ tự động đăng ký mua phiên bản chuyên nghiệp của ứng dụng với hạn sử dụng trong một tuần mà không cần hỏi ý kiến của người dùng. Do vậy nếu không chú ý, người dùng sẽ bị mất tiền oan bởi tính năng này.

Đối với các app phải trả tiền, người dùng cần lưu ý quan trọng vì nó sẽ tự động thu theo tuần/tháng/năm nếu không biết thì sẽ bị mất tiền. Do đó phải thường xuyên vào mục Cài đặt -> Tài khoản Apple ID (tượng tự Android) -> Phương tiện & Mục mua -> Đăng ký để gỡ bỏ các ứng dụng đang trả tiền định kỳ.

Bình luận