Chờ...

Ứng dụng vật liệu Ag/GO lên khẩu trang vải, tác dụng kháng khuẩn ngăn Covid-19

(VOH) - Nhóm nghiên cứu ở Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM do PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu làm trưởng nhóm đã ứng dụng vật liệu kháng khuẩn Ag/GO lên khẩu trang tạo thành khẩu trang vải kháng khuẩn ngăn Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhóm nghiên cứu ở Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM do PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu làm trưởng nhóm, đã ứng dụng vật liệu kháng khuẩn Ag/GO lên khẩu trang vải để tạo thành sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn ngăn Covid-19. Nano bạc bám trên bề mặt vải bền hơn và graphene cũng là vật liệu giúp nano bạc phân bố đều, giúp khẩu trang có khả năng kháng khuẩn luôn ở mức cao. Đây cũng là điểm khác biệt của sản phẩm so với các sản phẩm khẩu trang vải có chứa nano bạc trên thị trường. Sản phẩm hiện đang được thử nghiệm, dùng trong phạm vi Đại học Bách Khoa.

Với hàm lượng vật liệu kháng khuẩn Ag/GO rất thấp, khẩu trang vải kháng khuẩn có giá thành sản xuất ở quy mô phòng thí nghiệm hiện nay là dưới 20.000 đồng – thấp hơn nhiều so với giá bán các loại khẩu trang kháng khuẩn khác trên thị trường. Do đó, nếu sản xuất ở quy mô công nghiệp, thì giá thành sản xuất còn thấp hơn nhiều, hoàn toàn có thể tính đến việc xuất khẩu.

Ứng dụng vật liệu Ag/GO lên khẩu trang vải, tác dụng kháng khuẩn ngăn Covid-19 1
Khẩu trang kháng khuẩn từ graphene oxit và nano bạc

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, ngoài khẩu trang, vật liệu kháng khuẩn Ag/GO còn có thể ứng dụng để sản xuất nước rửa tay, đồ bảo hộ. Doanh nghiệp có nhu cầu nhận chuyển giao công nghệ sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn ngăn Covid-19, hoặc ứng dụng vật liệu kháng khuẩn Ag/GO, có thể liên hệ Đại học Bách Khoa hoặc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.

Vật liệu Ag/GO là sự kết hợp của AgNPs và GO, khắc phục được những hạn chế của các vật liệu tiền chất như hiện tượng dễ kết tụ của AgNPs và kết dính của các tấm GO. Các hạt AgNPs được phân bố đồng đều giữa các tấm GO, kết quả là vật liệu mới tạo thành có hoạt tính kháng khuẩn cao hơn các vật liệu tiền chất. Vật liệu Ag/GO cũng có tiềm năng ứng dụng như một tác nhân kháng khuẩn trực tiếp, không độc hại trong các sản phẩm như: băng dán vết thương, thuốc bôi,..

Sự bám dính của vật liệu Ag/GO lên bề mặt vải chủ yếu là do sự liên kết giữa các tấm GO và chuỗi xenlulo trong vải. Các vi khuẩn bị hấp phụ lên bề mặt vải nhờ tương tác giữa màng tế bào vi khuẩn và bề mặt giàu điện tử của các tấm GO. Đồng thời các hạt AgNPs trên bề mặt các tấm GO có khả năng tương tác cao với các hợp chất chứa lưu huỳnh và photpho ở màng tế bào vi khuẩn. Do đó, tăng cường khả năng bám dính của vi khuẩn trên bề mặt vải. Tiếp đến, các AgNPs giải phóng các ion bạc khuếch tán vào tế bào vi khuẩn làm ức chế khả năng hô hấp. Ion bạc liên kết với vật chất di truyền ngăn cản quá trình nhân đôi của vi khuẩn, gây rối loạn quá trình sinh trưởng và phát triển của vi khuẩn.

Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ “Nghiên cứu tổng hợp nanocomposite bạc tên cơ sở graphene oxit ứng dụng làm vật liệu kháng khuẩn” do Đại học Bách Khoa chủ trì được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM nghiệm thu năm ngoái.