Quyết định mới nhất được đưa ra sau khi Indonesia tuyên bố cấm bán hàng trực tiếp trên các nền tảng truyền thông xã hội nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ.
TikTok Indonesia nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu là tuân thủ luật pháp và quy định của quốc gia sở tại. Do đó, họ sẽ ngừng các giao dịch thương mại điện tử trên tính năng mua sắm trực tuyến TikTok Shop Indonesia.
Mặc dù vậy, TikTok cho rằng, lệnh cấm của cơ quan chức năng Indonesia sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người bán hàng đã sử dụng TikTok Shop tại quốc gia này.
Theo số liệu của TikTok, Indonesia với 125 triệu người dùng là thị trường toàn cầu lớn thứ hai của ứng dụng này sau Mỹ.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, ngày càng có nhiều lời kêu gọi cơ quan chức năng ban hành quy định quản lý mạng xã hội và thương mại điện tử khi những người bán hàng theo các phương thức truyền thống nhận thấy việc bán các sản phẩm rẻ hơn trên TikTok Shop và các nền tảng khác đang đe dọa sinh kế của họ.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan từng phát biểu rằng, thương mại điện tử cần phải tách biệt khỏi mạng xã hội. Các kênh này có thể quảng cáo sản phẩm nhưng không được tạo điều kiện giao dịch các sản phẩm trên nền tảng của họ.
Ông Hasan nhấn mạnh rằng, lệnh cấm mới nhất được đưa ra nhằm bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho biết, cơ quan chủ quản sẽ cảnh cáo các công ty không tuân thủ lệnh cấm bán hàng trực tiếp trên các nền tảng truyền thông xã hội. Nếu tiếp tục vi phạm quy định, những thực thể này sẽ bị tước giấy phép hoạt động tại Indonesia.
Các nền tảng như Tokopedia, Shopee và Lazada hiện thống trị thị trường thương mại điện tử Indonesia, song TikTok Shop đã giành được thị phần đáng kể từ khi ra mắt vào năm 2021.
Indonesia hiện là một trong những thị trường lớn nhất thế giới của ứng dụng TikTok Shop và là thị trường đầu tiên thí điểm tính năng thương mại điện tử của ứng dụng này.