Đắp mặt nạ vốn là bước chăm sóc bổ sung có tác dụng cải thiện và ‘nâng cấp’ làn da cực hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bạn mắc phải những lỗi kinh điển sau thì chắc chắn hại sẽ nhiều hơn lợi.
1. Sử dụng loại mặt nạ không phù hợp
Để dưỡng da đúng và hiệu quả, chúng ta cần chọn mỹ phẩm dựa trên loại da và nhu cầu của mình. Với mặt nạ cũng vậy, nếu không muốn công sức, tiền bạc bị lãng phí hay gây ảnh hưởng xấu đến làn da thì bạn nhất định phải chú ý đến yếu tố này.
Xem thêm: Giữa ‘ma trận’ mặt nạ chăm sóc da, đâu là sản phẩm mà bạn cần?
2. Không làm sạch da trước khi đắp mặt nạ
Bụi bẩn, bã nhờn, mỹ phẩm (makeup và skincare)… tích tụ trên da sẽ trở thành tác nhân gây cản trở nếu bạn không loại bỏ chúng trước khi đắp mặt nạ. Ở những tình huống tệ hơn, thói quen này sẽ dẫn đến vấn đề tắc nghẽn lỗ chân lông và nổi mụn. Do đó, muốn nhận được kết quả tốt thì chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ quy trình đắp mặt nạ cơ bản.
- Tẩy trang để loại bỏ mỹ phẩm, kem chống nắng…
- Rửa mặt với sữa rửa mặt để làm sạch da
- Thoa toner để đảm bảo lỗ chân lông thông thoáng, không bị tắc nghẽn đồng thời làm mềm giúp da dễ dàng thẩm thấu và hấp thụ dưỡng chất
- Đắp mặt nạ
Xem thêm: Đây mới là cách rửa mặt đúng để da sạch mịn và sáng khỏe
3. Dùng serum trước khi đắp mặt nạ
Thoa serum trước khi đắp các loại mặt nạ giấy được cho là tips skincare có khả năng nhân đôi hiệu quả chăm dưỡng. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng, phương pháp này không phù hợp với tất cả các loại da. Việc xử lý, hấp thụ cùng lúc 2 sản phẩm cũng không hề đơn giản, nhất là khi cả serum và mặt nạ đều chứa lượng dưỡng chất lớn. Do đó, không muốn lỗ chân lông bị quá tải từ đó tạo điều kiện cho mụn phát triển thì tốt nhất chúng ta nên thực hiện theo đúng quy trình thông thường.
Xem thêm: 7 ‘thủ thuật’ giúp bạn đắp mặt nạ giấy tại nhà hiệu quả hơn
4. Tranh thủ đắp mặt nạ mọi lúc mọi nơi
Đắp mặt nạ mọi lúc mọi nơi mà không cân nhắc đến thời điểm hay môi trường xung quanh là lỗi gây ảnh hưởng khá nhiều đến hiệu quả của bước skincare này. Bởi hầu hết các loại mặt nạ đều dễ thu hút bụi bẩn, cần có đủ thời gian hoạt động cũng như sự hỗ trợ của các bước chăm sóc da khác. Trong khi đó, việc tranh thủ thời gian thường khó đảm bảo được các yếu tố trên nên kết quả là vừa tốn công vừa không nhận được lợi ích.
Xem thêm: Muốn da đẹp hơn bội phần nhờ đắp mặt nạ thì phải ghi nhớ 6 gạch đầu dòng sau
5. Không làm sạch da sau khi đắp mặt nạ
Trên thực tế, trong quá trình đắp mặt nạ da đã hấp thụ hết mức có thể tinh chất trong sản phẩm. Do đó, việc cố gắng giữ lại phần dưỡng chất dư thừa là không cần thiết. Bằng cách làm sạch da nhẹ nhàng, chúng ta sẽ tránh được trường hợp bị tắc lỗ chân lông, nổi mụn hay gây cản trở đến việc hấp thụ các sản phẩm dưỡng da khác. Ngoài ra, đây còn được xem là bước “đóng” lỗ chân lông để “khóa” lại dưỡng chất cũng như ngăn ngừa bụi bẩn xâm nhập.
6. Đắp mặt nạ quá nhiều
Da sẽ khó có thể hấp thu hết dưỡng chất nếu chúng ta đắp mặt nạ mỗi ngày. Thói quen này thậm chí còn có thể tăng thêm gánh nặng cho lỗ chân lông, làm tăng nguy cơ nổi mụn hay kích ứng (các loại mặt nạ chứa thành phần hoạt chất). Do đó, nếu bạn không thuộc trường hợp đặc biệt cần phải đắp mặt nạ thường xuyên thì tốt nhất chỉ nên duy trì bước skincare này khoảng 1 – 3 lần/ tuần.
7. Không dưỡng ẩm cho da sau khi đắp mặt nạ
Sau bước đắp mặt nạ, chúng ta cần phải dùng kem dưỡng ẩm để phục hồi lại độ ẩm cũng như “khóa chặt” lớp dưỡng chất được hấp thụ. Đây vừa là việc cần thiết vừa là cách để tối ưu hiệu quả skincare. Do đó, hãy đảm bảo bạn chỉ kết thúc quy trình đắp mặt nạ của mình sau khi đã hoàn thành bước này.
Xem thêm: Cách tìm sản phẩm kem dưỡng ẩm ‘chân ái’ cho từng loại da
Đắp mặt nạ đúng cách, bạn hoàn toàn có thể sở hữu làn da đẹp hơn bội phần. Tuy nhiên đắp mặt nạ sai cách, ngoài việc không nhận được kết quả như mong muốn, tốn công sức, lãng phí tiền bạc thì chúng ta còn dễ gặp phải các vấn đề như tắc lỗ chân lông, nổi mụn, kích ứng. Do đó, cách tốt nhất chính là ghi nhớ và tránh mắc phải những lỗi sai phổ biến để vừa bảo vệ làn da vừa skincare hiệu quả.
Nguồn ảnh: instagram