Dùng kem dưỡng ẩm đều đặn nhưng da vẫn khô tróc, đổ dầu hay thậm chí là nổi mụn thì có lẽ bạn nên xem lại công thức mà mình sử dụng. Bởi thành phần hay khả năng cấp ẩm, khóa ẩm cũng ảnh hưởng không hề nhỏ đến hiệu quả nhận được.
-
Cấp ẩm là gì?
Cấp ẩm có thể hiểu là quá trình cung cấp độ ẩm giúp da đầy đặn, mịn màng và ẩm mượt hơn. Chất cấp ẩm (humectants) là một trong những thành phần quen thuộc có trong kem dưỡng ẩm, serum, mặt nạ… Chúng có khả năng thu hút độ ẩm từ môi trường xung quanh và các lớp sâu hơn của da để cung cấp và duy trì độ ẩm cho bề mặt. Về cơ bản tác dụng chính của chất cấp ẩm là làm tăng hàm lượng nước trong da.
Chất cấp ẩm có khả năng thu hút độ ẩm từ môi trường bên ngoài vào da
Vì các chất cấp ẩm đều rất nhẹ nên chúng được xem là thành phần cực kỳ phù hợp với da dầu, da hỗn hợp hay sử dụng cho ban ngày hoặc những tháng mùa hè nóng bức. Tuy nhiên, chất cấp ẩm cũng có nhiều loại và không phải tất cả đều giống nhau. Cách thức mà chúng hoạt động sẽ phụ thuộc vào công thức cũng như các thành phần khác của sản phẩm. Ngoài ra, dù có công dụng tuyệt vời trong việc giữ cho da mềm mại, dẻo dai và ngậm nước nhưng chất cấp ẩm cũng có nhược điểm riêng. Đó là khi không khí hanh khô, độ ẩm xuống thấp thành phần này có gây khô da và mất nước từ bên trong khi hút quá nhiều độ ẩm từ các lớp dưới da (khi chúng không thể thu hút độ ẩm trong không khí).
Hyaluronic acid là một chất cấp ẩm điển hình và được ưa chuộng nhất hiện nay
Một số chất cấp ẩm thường gặp:
- Hyaluronic acid (HA)/ sodium hyaluronate
- Glycerin/ glycerol
- AHA (glycolic acid, malic acid, lactic acid, mandelic acid)
- Urea
- Sorbitol
- Polyethylene Glycol (PEG)
- Sodium PCA
- Nha đam
- Mật ong
- Chiết xuất nấm linh chi
-
Khóa ẩm là gì?
Khóa ẩm về cơ bản là quá trình bảo vệ, giữ độ ẩm, nước ở lại trong da nhằm hạn chế tối đa tình trạng chúng bị bốc hơi ra môi trường bên ngoài. Để làm được điều này, sản phẩm chăm sóc da của bạn cần phải có sự góp mặt của chất khóa ẩm (occlusives). Bằng cách tạo ra một lớp bảo vệ trên bề mặt da đồng thời chống lại các tác nhân gây hại từ bên ngoài, thành phần này sẽ đảm bảo độ ẩm vốn có cũng như được cung cấp từ các bước skincare trước đó không bị thất thoát. Ngoài ra, hiệu quả giảm kích ứng, sửa chữa và phục hồi hàng rào bảo vệ tự nhiên của chúng cũng sẽ rất có lợi cho sức khỏe tổng thể của làn da.
Chất khóa ẩm ngăn chặn tình trạng độ ẩm bốc hơi ra khỏi da
Với công dụng niêm phong lại độ ẩm cho da, chất khóa ẩm và chất cấp ẩm được xem là bộ đôi không thể thiếu trong kem dưỡng ẩm vì chúng có thể cải thiện nhược điểm và bổ sung lẫn nhau để đem đến hiệu quả tốt nhất cho làn da. Tuy nhiên, vì chất khóa ẩm thường khá nặng nên trong một số trường hợp nó có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông hay nổi mụn (đặc biệt da dầu, da dễ nổi mụn). Đó cũng chính là lý do mà thành phần này được xem là lựa chọn thích hợp hơn cho da khô hay sử dụng vào ban đêm và những tháng mùa đông khô lạnh.
Với kết cấu khá nặng và đặc, chất khóa ẩm có xu hướng phù hợp với da khô hơn
Một số chất khóa ẩm phổ biến:
- Petrolatum (mineral oil, petroleum jelly…)
- Silicone (dimethicone)
- Lanolin
- Bơ hạt mỡ
- Các loại dầu như dầu dừa, dầu oliu…
-
Bộ 3 thành phần nên có trong kem dưỡng ẩm
Tùy vào loại da và nhu cầu bạn có thể chọn kem dưỡng có thành phần và nồng độ thành phần phù hợp
Ngoài chất cấp ẩm và khóa ẩm, một lọ kem dưỡng ẩm hoàn hảo còn nên có thêm sự góp mặt của chất làm mềm (emollients) như cetyl alcohol, squalane, ceramide… để “thuần hóa” vùng da thô ráp, bong tróc khiến chúng trở nên mịn màng hơn. Đây được xem là bộ 3 thành phần dưỡng ẩm “siêu sao” mà bạn nên tìm kiếm trong sản phẩm của mình. Tuy nhiên, vì loại da và nhu cầu của mỗi người mỗi khác nên việc lựa chọn công thức (có thành phần nào, nồng độ bao nhiêu…) hoàn toàn có thể linh hoạt và không nhất thiết phải có đủ cả 3 thành phần này.
Thông thường, một sản phẩm dưỡng ẩm sẽ có sự góp mặt của chất cấp ẩm, chất làm mềm và chất khóa ẩm. Tuy nhiên, vì mỗi thành phần lại có cách hoạt động và công dụng khác nhau nên nếu hiểu đúng về chúng bạn sẽ có được lựa chọn tốt nhất cho bản thân mình nên đừng quên ghi nhớ.
Nguồn ảnh: Internet
10 loại kem dưỡng ẩm cho da nhạy cảm không chỉ hiệu quả mà còn nhẹ dịu tuyệt đối: (VOH) – Da khô đỏ, bong tróc, mẩn ngứa, dễ kích ứng… khiến bạn vô cùng khó chịu và vất vả mỗi khi skincare? Đừng lo lắng vì đã có ngay 10 lọ kem dưỡng ẩm cho da nhạy cảm siêu hiệu quả này.
Gợi ý 8 loại kem dưỡng ẩm cho da dầu cực mỏng nhẹ, không gây bóng nhờn: (VOH) – Kem dưỡng ẩm được cho là một trong những sản phẩm quan trọng nhất với làn da. Tuy nhiên, giữa vô vàn lựa chọn thì đâu mới là 'chân ái' của da dầu?