10 tác dụng của hành tím đối với sức khỏe

(VOH) – Hành tím vừa là loại gia vị quen thuộc, vừa có nhiều công dụng trong việc phòng và trị bệnh. Những tác dụng của hành tím đều được cả Đông và Tây y coi trọng.

Hành tím còn được gọi với nhiều tên khác nhau như hành tía, hành ta hay hành đỏ,… Hành tím có vị cay, mùi hơi hăng. Đến nay, hành tím được trồng phổ biến khắp thế giới, không chỉ là loại gia vị phổ biến trong căn bếp mà hành tím còn mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, rất nhiều hộ gia đình còn áp dụng các phương pháp tự trồng hành tím ngay tại nhà

1. Tác dụng của hành tím

Y học cổ đại Trung Quốc ghi chép, hành tím có vị ngọt, cay nhẹ, hơi chát, ấm áp. Công dụng của hành tím giúp nhuận trường, lưu thông khí huyết dạ dày, tốt cho lá lách, trừ cảm lạnh, dễ tiêu hóa, giải độc. 

Theo Y học hiện đại, củ hành tím có chứa tinh dầu, lưu huỳnh, hoạt chất flavonoid (keratin và quercetin). Ngoài ra, hành tím còn chứa nhiều dưỡng chất khác như chất organosulfur, folate, chất xơ... đều là những chất cực kỳ tốt cho sức khỏe.

Qua nhiều tài liệu nghiên cứu, người ta ghi nhận công dụng của hành tím gồm có:

1.1 Phòng ngừa bệnh ung thư

Chất chống oxy hóa là những hợp chất giúp bảo vệ tế bào của bạn khỏi bị hư hại bởi các chất gọi là gốc tự do – một chất có thể gây ra stress oxy hóa trong cơ thể, có thể dẫn đến viêm nhiễm và các bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường, đặc biệt là ung thư.

10 tác dụng của hành tím đối với sức khỏe 1
Trong hành tím chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa (Nguồn: Internet)

Hành tím giàu các hợp chất có hoạt tính chống oxy hóa, chẳng hạn như quercetin, kaempferol và allicin, nên có tác dụng ngăn ngừa việc hình thành các tế bào ung thư gây hại cho sức khỏe.

1.2 Cải thiện sức khỏe tim mạch

Ăn hành tím giúp giảm cholesterol và triglyceride. Hợp chất lưu huỳnh trong củ hành cũng có tác dụng chống máu vón cục. Quercetin thì ngăn ngừa xơ cứng động mạch bằng cách loại bỏ mảng bám, từ đó giảm nguy cơ đau tim. 

1.3 Kiểm soát huyết áp cho người huyết áp cao

Hành tím có lượng calo thấp, ít natri và không chứa chất béo. Vì vậy, ăn hành tím sẽ giúp tăng độ đàn hồi của mạch máu và có hiệu quả trong việc làm giảm huyết áp đối với người huyết áp cao.

1.4 Có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn

Hành tím có chứa một hợp chất có tên là organosulfur. Đây là hợp chất có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và kháng virus. Đây cũng là hợp chất giúp tạo nên mùi cay nồng của hành tím. 

Hoạt động kháng viêm của hành tím giúp nới lỏng các cơ đường hô hấp và làm giảm hen suyễn cùng với viêm phế quản. Ngoài ra, tác dụng của hành tím còn hữu hiệu trong việc ngăn ngừa ho, cảm lạnh, cúm, hắt hơi, sốt, ho, chảy nước mũi,…

1.5 Giảm các triệu chứng dị ứng

Cũng nhờ chứa nhiều quercetin nên ăn hành tím có tác dụng làm giảm và kiểm soát các triệu chứng dị ứng ở mũi và mắt liên quan đến dị ứng theo mùa. Ngoài ra, hợp chất này có thể ngăn chặn sự giải phóng chất histamin, làm giảm mức độ nghiêm trọng của các phản ứng viêm và hô hấp như hen suyễn dị ứng, viêm phế quản và dị ứng theo mùa.

Xem thêm: Hen suyễn và những điều cần biết

1.6 Cải thiện sức khỏe xương khớp

Một số nghiên cứu cho thấy ăn hành tím giúp tăng mật độ xương, giảm nguy cơ loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh. 

1.7 Hỗ trợ tuần hoàn máu và sức khỏe tim mạch

Chất organosulfur và chất chống oxy hóa trong  hành tím có thể giúp ích cho sức khỏe tim mạch và lưu thông máu, từ đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Hành tím có chứa một lượng lớn thisosulginates - một loại hợp chất organosulfur có thể ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.

Ngoài ra, chất allicin - cũng là một hợp chất organosulfur khác, đã được chứng minh là có khả năng làm giảm độ cứng của mạch máu bằng cách giải phóng oxit nitric, giúp cải thiện tuần hoàn và giảm huyết áp. Nó cũng có thể cải thiện tổng lượng cholesterol trong cơ thể.

1.8 Kiểm soát đường huyết

Crom khoáng có trong củ hành tím đặc biệt tốt cho người bệnh tiểu đường. Crom giúp tác động làm chậm và kiểm soát việc hấp thụ đường vào cơ thể, kiểm soát insulin.

10 tác dụng của hành tím đối với sức khỏe 2
Hành tím tốt cho người bị bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

1.9 Tốt cho hệ tiêu hóa

Củ hành tím giàu chất xơ và prebiotic, cần thiết cho sức khỏe đường ruột. Tiêu thụ thực phẩm giàu prebiotic sẽ giúp tăng men vi sinh đường ruột, có lợi cho sức khỏe tiêu hóa.

1.10 Hỗ trợ điều trị thiếu máu

Ăn hành tím mỗi ngày có thể cung cấp đủ lượng chất sắt cần thiết cho cơ thể bởi hàm lượng chất sắt trong hành tím rất dồi dào.

Xem thêm: Top 13 thực phẩm bổ sung sắt, nên cho vào chế độ ăn ngay để tránh thiếu máu

Như vậy, hành tím mặc dù vị hơi hăng cay nhưng có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe, đặc biệt là phòng ngừa các bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch, tiểu đường,…Vì vậy, hãy thường xuyên đưa củ hành tím vào thực đơn món ăn hàng ngày của gia đình bạn để cùng nhau duy trì sức khỏe. 

2. Bạn có muốn biết nguồn gốc và dinh dưỡng của hành tím?

Hành tím có tên khoa học là Allium ascalonicum L., thuộc họ Allium. Có thể nói hành tím có “họ hàng” rất gần với hành tây nhưng lại cả 2 loại này lại khác nhau về hình dáng bên ngoài lẫn bên trong.

Hành tím có hình dáng nhỏ hơn hành tây, lớp vỏ bao bên ngoài mỏng và có màu tím đặc trưng. Khi bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài, bạn sẽ thấy bên trong có chứa từ 3 – 6 nhánh hoặc củ (giống như tỏi), thay vì có các khoanh như hành tây. Tuy nhiên, khi bóc hành tím bạn vẫn sẽ bị chảy nước mắt giống như bóc hành tây.

Về mặt dinh dưỡng, hành tím chứa nhiều chất dinh dưỡng. Trong 100g hành tím sẽ mang đến những hàm lượng chất dinh dưỡng sau:

  • Calo: 75
  • Chất đạm: 2.5gr
  • Chất béo: 0gr
  • Carb: 17gr
  • Chất xơ: 3gr
  • Canxi: 3% giá trị hàng ngày (DV)
  • Sắt: 7% DV
  • Magie: 5% DV
  • Photpho: 5% DV
  • Kali: 7% DV
  • Kẽm: 4% DV
  • Folate: 9% DV

So với hành tây, hành tím là một nguồn cung cấp nhiều protein, chất xơ và vi chất dinh dưỡng nhiều hơn. Ngoài ra, chính nhờ có hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, nên hành tím được đánh giá là thực phẩm có tác dụng phòng ngừa sự hình thành phát triển các tế bào ung thư và giúp duy trì sức khỏe.

Xem thêm: Những điều cần biết về vi chất dinh dưỡng và giải pháp giúp bổ sung an toàn

3. Một số lưu ý khi sử dụng hành tím

Nếu có sở thích ăn hành tím thì mỗi ngày bạn cũng chỉ nên ăn với số lượng vừa phải vì hành tím có tính nóng, ăn nhiều dễ gây nóng trong người.

Củ hành tím có thể ăn sống hoặc nấu chín với các món ăn như xào, hấp, phi thơm, trộn dầu giấm, muối hành tím chua ngọt…Tuy nhiên, khi ăn củ hành chín, hàm lượng vitamin C có thể bị giảm một chút. Dù vậy, thành phần flavonoid trong củ hành tím vẫn không bị biến mất. 

Bên cạnh đó, để sử dụng hành tím trong thời gian dài, hãy chú ý bảo quản ở nơi thông thoáng, khô ráo. Không sử dụng túi ni lông hoặc hộp nhựa đậy kín để cất trữ hành tím, tốt nhất hãy sử dụng các loại rổ hay túi giấy. 

Nói chung, hành tím là một loại hành có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như có đặc tính chống oxy hóa cao, giảm viêm, hỗ trợ sức khỏe tim mạch... Vì thế, hãy duy trì việc sử dụng hành tím trong các bữa ăn gia đình để có thể nhận được nhiều hơn những giá trị mà loại thực phẩm này mang lại.