Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

10 tác dụng của hành tây không thể bỏ qua

(VOH) – Hành tây là một trong những loại củ gia vị được trồng rộng rãi trên thế giới, trở thành nguyên liệu phổ biến trong các món ăn. Vậy bạn có biết tác dụng của hành tây là gì hay không?

Có 2 loại hành tây được sử dụng phổ biến là hành tây tây (hay còn gọi là hành tây trắng) và hành tây ta (hay còn gọi là hành tây tím). PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, hành tây được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực là nhờ có tinh dầu (mùi hăng) giúp tạo hương thơm và vị ngon cho món ăn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ăn hành tây còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. 

1. Tác dụng của hành tây 

Hành tây là một nguồn cung cấp nhiều dưỡng chất, vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Qua nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy hành tây có một số tác dụng dưới đây: 

1.1 Tăng cường hệ miễn dịch

Nhờ có flavonoid nên hành tây có tác dụng chống viêm, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể và hỗ trợ cho hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, hành tây cũng là nguồn cung cấp hàm lượng lớn nhóm chất phytochemical, nhằm tăng cường hấp thu vitamin C trong cơ thể. 

1.2 Tốt cho tim mạch 

Tinh dầu và lưu huỳnh trong hành tây có khả năng chống viêm hiệu quả, đặc biệt là chống viêm thành mạch máu, phòng ngừa các mảng xơ vữa, nhồi máu cơ tim

10-tac-dung-cua-hanh-tay-khong-the-bo-qua-voh-0
Hành tây rất tốt cho sức khỏe tim mạch (Nguồn: Internet) 

1.3 Ngăn ngừa gốc tự do

Trong flavonoid có nhiều gốc hóa học khác nhau, gốc hóa học được tìm thấy trong hành tây là keratin và quercetin. Bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết, keratin và quercetin được nghiên cứu rất rộng rãi, giúp loại bỏ và trung hòa các gốc tự do, làm chậm phát triển tế bào ung thư. 

1.4 Tốt cho hệ xương khớp

Hai khoáng chất canxi và photpho được tìm thấy trong hành tây góp phần đáng kể trong việc cải thiện mức độ loãng xương, duy trì hoạt động xương khớp trơn tru. Hơn nữa, chất quercetin cũng làm giảm các cơn đau cấp tính và mãn tính do viêm khớp gây ra. 

Xem thêm: Những thực phẩm giúp phòng ngừa loãng xương hiệu quả

1.5 Kiểm soát đường huyết 

Hành tây được xem là “thần dược” đối với người mắc bệnh tiểu đường bởi chỉ số đường huyết của thực phẩm này chỉ có 10. Ngoài ra, hoạt chất polyphenol trong hành tây cũng tăng cường độ nhạy của insulin và hỗ trợ giảm lượng đường trong máu.

1.6 Hỗ trợ điều trị bệnh đường hô hấp 

Hành tây chứa chất kháng sinh tự nhiên phytoncide như allicin, có tính kháng khuẩn mạnh, đồng thời khi đi qua các cơ quan hô hấp sẽ kích thích tiết dịch tiêu đờm. Trong quá trình điều trị bệnh hen suyễn, có thể sử dụng thêm hành tây để giảm tình trạng nghẹt mũi và khó thở. 

1.7 Kích thích mọc tóc

Các chất axit amin có trong hành tây kích thích hoạt động sản xuất collagen, giúp các tế bào ở da đầu khỏe mạnh, thúc đẩy quá trình mọc và tái tạo tóc. Hơn nữa, nước ép hành tây có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây nấm và gàu. 

Xem thêm:  6 bí quyết ‘thăng hạng’ mái tóc và cải thiện sức khỏe từ nước ép hành tây

1.8 Làm đẹp da

10-tac-dung-cua-hanh-tay-khong-the-bo-qua-voh-1
Hành tây bổ sung lượng lớn vitamin E và C cho da (Nguồn: Internet) 

Hàm lượng lớn vitamin E và C trong hành tây sẽ giúp giảm các nếp nhăn cũng như tàn nhang và nám trên da của các chị em phụ nữ. 

1.9. Chống sâu răng

Nhai hành tây khoảng 2 – 3 phút sẽ giúp bạn duy trì tốt sức khỏe răng miệng bởi hai hoạt chất thiosulfin và thiosulfonate trong hành tây hỗ trợ chống lại các vi khuẩn gây sâu răng. 

1.10 Cải thiện sức khỏe sinh sản nam giới 

Hành tây bổ sung các chất oxy hóa tự nhiên, giúp nam giới cải thiện chất lượng tinh trùng cũng như làm tăng nồng độ testostereone, điều này giúp duy trì sức khỏe sinh sản của phái mạnh một cách tốt nhất.

Xem thêm: Vai trò của testosterone là gì? Testosterone cao-thấp ảnh hưởng đến sức khỏe phái mạnh như thế nào?

2. Bà bầu ăn hành tây lợi hay hại?

Hành tây thường sử dụng trong một số công thức món ăn bổ dưỡng mà mẹ bầu thường ăn trong quá trình mang thai. Do đó, có thể mẹ đang lo ngại bà bầu ăn hành tây sẽ không có lợi cho thai kỳ.

Nhưng thực tế, mẹ bầu hoàn toàn CÓ THỂ ăn hành tây khi mang thai, bởi những thành phần dinh dưỡng có trong hành tây sẽ mang đến cho mẹ rất nhiều lợi ích, chẳng hạn như: ngăn ngừa trĩ, kiểm soát cân nặng, cải thiện làn da, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường... 

Xem thêm: Bà bầu ăn hành tây được không và đâu là điều mẹ bầu cần nắm rõ để ăn hành tây thật an toàn

3. Ăn nhiều hành tây có tốt không?

Hành tây có thể mang đến những lợi ích sức khỏe nhưng cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không muốn, chẳng hạn như: Hôi miệng, tăng triệu chứng hội chứng ruột kích thích hay dẫn đến trào ngược axit dạ dày.

Bên cạnh việc, củ hành tây (đặc biệt là hành tây sống) cũng không nên xuất hiện trong khẩu phần ăn nếu tình trạng sức khỏe của bạn nằm trong các trường hợp sau đây: 

  • Đau mắt đỏ
  • Viêm loét dạ dày
  • Đầy bụng khó tiêu
  • Phụ nữ mang thai bị sung huyết 
  • Huyết áp thấp 
  • Dị ứng ngoài da 

Xem thêm: Ăn hành tây nhiều có tốt không? Đây là những điều bạn cần nắm rõ trước khi ăn

4. Ăn hành tây sống được không?

Hành tây ăn sống sẽ giữ được hàm lượng vitamin C. Vitamin C sẽ bị giảm một lượng đáng kể nếu hành tây được nấu chín, tuy nhiên, thành phần flavonoid vẫn không bị biến mất và tác dụng chống gốc tự do vẫn còn. Chính vì vậy, có thể ăn hành tây sống hoặc nấu chín.

10-tac-dung-cua-hanh-tay-khong-the-bo-qua-voh-2
Có thể ăn hành tây sống hoặc nấu chín (Nguồn: Internet) 

Thực tế, khi ăn thêm hành tây chúng ta sẽ cảm thấy có mùi hôi hơi khó chịu ở miệng, tuy nhiên bác sĩ Bay khuyên chúng ta, trong các món ăn hàng ngày nên cho hành tây vào để vừa tăng thêm hương vị thơm ngọt, vừa hỗ trợ sức khỏe. Bạn có thể chế biến hành tây với rất nhiều món ăn như xào, hấp, phi thơm hoặc trộn với dầu giấm ăn sống. 

5. Hành tây là món nào ngon?

Hành tây là nguyên liệu phổ biến xuất hiện trong rất nhiều món ăn ngon, điển hình như mực xào hành tây hay thịt bò xào hành tây....Ngoài ra, một số món gỏi, nộm cũng dùng hành tây như một nguyên liệu khiến món ăn thêm đậm vị.

Đặc biệt phải kể đến hành tây ngâm mật ong hay nước ép hành tây, loại thức uống cứ ngỡ rất khó uống nhưng khi thưởng thức thì bạn chỉ có thể gật gù khen ngon. Hơn thế, nước ép hành tây còn có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe và mái tóc của bạn.

Xem thêm: Hành tây là món gì ngon? Đây là 6 món ăn hông chỉ thơm ngon mà còn cực kỳ bổ dưỡng

Hành tây vốn là một “gia vị” đặc trưng trong các công thức chế biến, tuy nhiên, không phải món ăn nào cũng nên sử dụng. Dưới đây là các thực phẩm “đại kỵ”, không nên kết hợp cùng hành tây mà bạn cần lưu ý: 

  • Rong biển
  • Tôm
  • Thịt cóc/ếch

6. Cách bảo quản hành tây

Nhiều người có thói quen mua hành với số lượng lớn để dùng lâu dài. Do đó, nếu bạn cũng có xu hướng mua hành tây trữ trong nhà để dùng dần, bạn nên học cách bảo quản hành tây.

Thông thường, hành tây mua về bạn nên bảo quản ở những nơi khô thoáng mát, khô ráo và hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nhiệt độ hay độ ẩm quá cao sẽ khiến hành tây có thể nảy mầm hoặc thối rửa.

Tuy vậy, nhiệt độ tốt để bảo quản hành tây là từ 4 – 10 độ C, vì sẽ giúp duy trì hàm lượng dinh dưỡng và đặc tính vốn có của thực phẩm này. Đồng thời cũng ngăn được tình trạng nấm móc phát triển, giúp củ hành tây tươi và không bị khô héo quá mức.

Cụ thể:

  • Hành tây đã lột vỏ: Bạn nên bảo quản trong hộp thực phẩm kín, đặt vào ngăn mát tủ lạnh để tránh nhiễm khuẩn. Thời gian bảo quản từ 10 – 14 ngày.
  • Hành tây đã cắt, thái lựu: Nên bảo quản trong màng bọc thực phẩm hoạc túi zip, đặt vào ngăn mát tủ lạnh, thời gian sử dụng tối đa là 10 ngày. Nếu bạn để ở ngăn đá tủ lạnh, thời gian sử dụng sẽ là 3 – 6 tháng.
  • Hành tây nấu chín: Hành tây đã nấu chín bạn cũng có thể bảo quản trong hộp thực phẩm kín hoặc túi zip, đặt ở ngăn mát tủ lạnh sẽ sử dụng được từ 3 – 5 ngày. Để vào ngăn đá tủ lạnh sẽ dùng được trong 3 tháng.
  • Hành tây ngâm chua: Bạn nên bảo quản chúng trong lọ thủy tinh, đặt vào ngăn mát có thể sử dụng trong 6 tháng.

7. Giá trị dinh dưỡng của hành tây 

Dưới đây là các chỉ số dinh dưỡng của hành tây được các chuyên gia tính toán từ 100g hành tây sống:

  • Năng lượng: 40
  • Nước: 89%
  • Protein: 1.1g
  • Carbs: 9.3g
  • Đường: 4.2g
  • Chất xơ: 1.7g
  • Chất béo: 0,1g
  • Vitamin C: 10 mg
  • Vitamin E: 0.02mg
  • Canxi: 4% giá trị hàng ngày
  • Sắt: 4% giá trị hàng ngày 

Trong gian bếp của gia đình, bạn hãy chuẩn bị thêm hành tây – loại gia vị vừa giúp món ăn thêm hấp dẫn, vừa bổ dưỡng và đặc biệt, cần biết kết hợp “thật chuẩn” với các nguyên liệu khác để không gặp tác dụng ngược nhé. 

Xem nội dung bài viết nhanh hơn tại video này:

Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

 

Bình luận