Chờ...

Cảnh giác với tình trạng thiếu sắt gây chóng mặt khi mang thai

VOH - Khi mang thai, nhiều mẹ bầu gặp phải các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, xanh xao, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu.

Trong số các nguyên nhân gây thiếu máu ở phụ nữ mang thai, thiếu máu do thiếu sắt là phổ biến nhất.

Về vấn đề này, chuyên gia dinh dưỡng đã chia sẻ những điều cần lưu ý trong chế độ ăn uống để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt và giúp cải thiện những rắc rối do các triệu chứng gây ra.

Cảnh giác với tình trạng thiếu sắt gây chóng mặt khi mang thai
Nhu cầu sắt của mẹ bầu khi mang thai là rất quan trọng, không chỉ cung cấp nhu cầu của bản thân người mẹ mà còn cung cấp cho sự phát triển của thai nhi - Ảnh: TVBS

Thiếu sắt ở mẹ bầu không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến thai nhi

Yu Zhuqing, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, có nhiều loại bệnh thiếu máu liên quan đến chất dinh dưỡng, bao gồm thiếu máu do thiếu sắt, thiếu máu tiểu cầu (thiếu vitamin B6), thiếu máu hồng cầu (thiếu axit folic), thiếu máu ác tính (thiếu axit folic và vitamin B12) và thiếu máu tan máu hay còn được gọi là thiếu máu tán huyết (thiếu vitamin E).

Trong đó, nhu cầu sắt của mẹ bầu khi mang thai là rất quan trọng, không chỉ cung cấp nhu cầu của bản thân người mẹ mà còn cung cấp cho sự phát triển của thai nhi.

Chuyên gia Yu Zhuqing giải thích rằng, khi sinh con, mẹ bầu không chỉ mất một lượng lớn máu mà còn mất cả chất sắt. Ngoài ra, em bé cũng cần dự trữ trước một lượng lớn sắt để sử dụng trong 6 tháng đầu đời.

Chế độ ăn uống để ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt

Chuyên gia dinh dưỡng Yu Zhuqing chia sẻ những điều cần lưu ý trong chế độ ăn uống sau đây để giúp mọi người ngăn ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt:

Bổ sung đủ chất sắt

Lượng sắt khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ từ 19 đến 50 tuổi là 15 mg. Riêng đối với các mẹ bầu, bắt đầu từ tháng thứ ba của thai kỳ, nên tăng thêm 30 mg mỗi ngày để ngăn ngừa sinh non, thiếu máu và chậm phát triển ở trẻ sơ sinh. Thực phẩm giàu chất sắt bao gồm thịt đỏ, hải sản, nội tạng, rau màu xanh đậm và các loại đậu. Nếu lượng sắt trong chế độ ăn uống không đủ, mọi người có thể cân nhắc bổ sung viên uống sắt nhưng cần lưu ý đến khả năng bị táo bón, nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Bổ sung thực phẩm thúc đẩy hấp thu sắt

Tỷ lệ hấp thu sắt từ nguồn thực vật thấp, nên kết hợp với các thực phẩm giàu vitamin C như ổi, kiwi… để giúp tăng tỷ lệ hấp thu sắt.

Giảm thực phẩm cản trở hấp thu sắt

Tránh ăn các thực phẩm chứa sắt cùng lúc với các thực phẩm chứa nhiều tannin, axit phytic, axit oxalic, canxi vì các thành phần này sẽ kết hợp với sắt hoặc cạnh tranh hấp thu, từ đó làm giảm tỷ lệ hấp thu sắt, nên ăn cách nhau từ 1 đến 2 giờ giữa các thực phẩm này. Nên tránh các thực phẩm như trà, cà phê, sô cô la, các sản phẩm từ sữa và viên canxi dùng cùng lúc với thực phẩm chứa sắt.

Chuyên gia dinh dưỡng Yu Zhuqing nhấn mạnh, trước tiên phải làm rõ nguyên nhân cốt lõi gây ra bệnh thiếu máu của bản thân mình thì mới có thể tiến hành điều trị hiệu quả, chứ không phải chỉ cần bổ sung viên uống sắt là có thể cải thiện các triệu chứng thiếu máu.

Thông qua các phương pháp phòng ngừa và kiểm soát bệnh thiếu máu đúng cách, mẹ bầu có thể đảm bảo sức khỏe của chính bản thân mình và cả em bé.