Chờ...

Phụ nữ mang thai không thể lơ là với bệnh tay chân miệng

VOH - Mặc dù bệnh tay chân miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi nhưng phụ nữ mang thai vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh, không thể chủ quan, lơ là.

Bà bầu mắc tay chân miệng có ảnh hưởng đến thai kỳ, có gây nguy hiểm cho em bé không? Khi tiếp xúc, chăm sóc người mắc bệnh, phụ nữ mang thai cần phải làm gì? Bác sĩ Lê Thị Diệu Thu (Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn) sẽ giúp các mẹ giải đáp thắc mắc này.

Phụ nữ mang thai không thể lơ là với bệnh tay chân miệng 1
Bà bầu cũng có thể bị nhiễm tay chân miệng - Ảnh: Internet

Bệnh tay chân miệng có thể gặp ở người lớn, phụ nữ mang thai cũng là một trong những đối tượng dễ nhiễm vì thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh.

Bác sĩ Lê Thị Diệu Thu cho biết, bà bầu mắc tay chân miệng có thể gây ra những biến chứng nặng nề như tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc nhiễm trùng khi mang thai dẫn đến em bé sinh ra dễ bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng sơ sinh có thể gây ra những biến chứng sau này như suy hô hấp, ảnh hưởng đến tim mạch của em bé.

Chính vì vậy, vào thời điểm bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh như hiện nay (thường là từ tháng 2 đến tháng 4 và tháng 9 đến tháng 12 hằng năm), các mẹ bầu nên tránh tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh và chú ý đến các biện pháp phòng ngừa. Không nên chủ quan, lơ là.

Theo bác sĩ Lê Thị Diệu Thu, trong trường hợp tiếp xúc, phải chăm sóc bệnh nhân mắc tay chân miệng, phụ nữ mang thai phải đặc biệt chú ý rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh sạch sẽ sau khi tiếp xúc.

Phụ nữ mang thai không thể lơ là với bệnh tay chân miệng 2
Rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp phòng ngừa tay chân miệng quan trọng - Ảnh: Internet

Các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng:

  • Phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc gần gũi với trẻ mắc tay chân miệng, đặc biệt là khi mang thai ở giai đoạn cuối. Bởi nếu mẹ bị nhiễm có khả năng truyền virus sang cho con ngay trước khi sinh hoặc trong khi sinh.
  • Nếu tiếp xúc với con hoặc trẻ nhỏ bị sổ mũi, ho và hắt hơi, mẹ bầu nên đeo khẩu trang.
  • Mụn nước rất dễ lây lan mầm bệnh nên không được nặn, cố gắng giữ để mụn nước không bị vỡ.
  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng và dung dịch sát khuẩn (nên rửa dưới vòi nước chảy), nhất là sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ mắc bệnh, trước khi chuẩn bị thức ăn, đồ uống, sau khi đi vệ sinh.
  • Rửa sạch các bề mặt và vật dụng bị nhiễm khuẩn (bao gồm đồ chơi) trước tiên với nước và xà phòng, sau đó tẩy trùng bằng chất tẩy có chứa chlorine pha loãng.
  • Tránh dùng chung đồ ăn, các vật dụng vệ sinh cá nhân, không hôn trẻ mắc bệnh vì virus sống trong nước bọt.
  • Lưu ý, cơ thể mất nước làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khi mang thai, dễ gây ra các biến chứng nên thai phụ cần uống nhiều nước ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh.
  • Với thai phụ đã tiếp xúc với người mắc bệnh tay chân miệng và xuất hiện các triệu chứng bao gồm sốt, triệu chứng giống cúm, nổi mẩn da, mụn nước hoặc lở loét trong miệng, cần lập tức đi khám để bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng và có hướng điều trị kịp thời.
Phụ nữ mang thai không thể lơ là với bệnh tay chân miệng 1

Đừng quên theo dõi thêm các bài viết về bệnh tay chân miệng cũng như chuyên mục Khỏe của VOH để cập nhật các thông tin, kiến thức sức khỏe hữu ích.