Dinh dưỡng ngày Tết cho mẹ bầu

(VOH) - Phụ nữ mang thai trong ngày Tết cũng phải đảm bảo ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh sẽ giúp cả mẹ và con đều khỏe mạnh.

Với nhiều món ngon ngày Tết, mẹ bầu sẽ khó giữ được chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học của thai kỳ. Tuy nhiên, các mẹ bầu cũng cần lưu ý cho mình chế độ dinh dưỡng hợp lý để cả mẹ và em bé đều có sức khỏe tốt sau những ngày Tết náo nhiệt.

Kiên quyết "nói không" với một số thức uống ngày Tết

Phụ nữ mang thai nên uống 2-3 lít chất lỏng mỗi ngày. Uống chất lỏng trong ngày đảm bảo hydrat hóa tốt và giúp thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể mẹ và bé qua đường tiểu. Kết hợp với chế độ ăn uống nhiều chất xơ, chất lỏng cũng giúp ngăn ngừa táo bón.

Nước là thức uống lý tưởng khi mang thai. Nước ép trái cây và rau, nước canh, súp và sữa cũng góp phần vào tổng lượng chất lỏng của mẹ. Nếu có thói quen uống trà thảo mộc, thai phụ nên uống các loại như trà gừng để giảm buồn nôn, trà bạc hà giảm ốm nghén, trà bồ công anh tốt cho bà bầu, lợi sữa, trà tía tô giảm táo bón, trà hoa cúc thanh nhiệt… nhưng cũng không nên quá 2 chén mỗi ngày. Trà xanh không nên uống vì ảnh hưởng đến nhịp tim của thai nhi.

dinh-duong-ngay-tet-cho-me-bau-voh.com.vn-anh1
Mẹ bầu kiên quyết nói không với rượu bia. (Ảnh minh họa: internet)

Rượu, bia có thể gây ra các vấn đề cho em bé trong suốt thai kỳ, kể cả trước khi phụ nữ biết mình mang thai. Sử dụng rượu bia trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể khiến em bé có những đặc điểm bất thường trên khuôn mặt. Các vấn đề về tăng trưởng và hệ thống thần kinh trung ương (ví dụ, nhẹ cân, các vấn đề về hành vi) có thể xảy ra do sử dụng rượu bất cứ lúc nào trong thai kỳ. Bộ não của em bé đang phát triển trong suốt thai kỳ và có thể bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với rượu.

Cà phê và trà: Cà phê và trà không bị cấm uống trong thời kỳ mang thai, nhưng nên hạn chế. Phụ nữ được khuyến cáo không nên dùng quá 300 mg caffeine mỗi ngày. Caffeine kích thích hệ thần kinh của mẹ và thai nhi. Quá nhiều caffeine có thể khiến tim đập nhanh, hồi hộp và rối loạn giấc ngủ. Đôi khi, thai kỳ khiến phụ nữ nhạy cảm hơn với tác động của caffeine. Ngoài ra, quá nhiều caffeine sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai và sinh non.

Nước ngọt, nước ngọt có gas, nước tăng lực: Phụ nữ mang thai nên để ý lượng nước ngọt và sô cô la, vì chúng cũng chứa caffeine. Một lon cola 355 ml chứa 36–50 mg caffeine. Lượng caffeine tối đa mà một loại nước tăng lực có thể chứa là 180 mg trên 591 ml hoặc ít hơn.

Tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn có thể vượt quá giới hạn này. Bất kể mức độ caffeine là bao nhiêu, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên phụ nữ mang thai không nên uống nước tăng lực.

Một số loại thực phẩm cần hạn chế

Các món ăn chế biến sẵn như thịt xông khói, giò chả, nem chua, nem rán… luôn có sẵn trong những ngày Tết. Tuy nhiên, đây là những loại đồ ăn rất dễ khiến mẹ bị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu và làm gia tăng chứng ốm nghén, nôn ói. Giò lụa, giò thủ, thịt xông khói… chứa quá nhiều muối và năng lượng nên bạn nên ăn điều độ.

Các loại bánh kẹo ngọt, mứt: Ăn quá nhiều đồ ngọt khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ mẹ tăng cân, mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật và làm tăng nguy cơ trẻ bị thừa cân sau này.

Bánh chưng, bánh tét: Được làm từ gạo nếp, đậu xanh và thịt mỡ nên chứa hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Do đó mẹ bầu chỉ nên ăn vừa phải để tránh tình trạng khó tiêu, nóng ruột, đầy bụng. Đặc biệt những mẹ bầu đang gặp phải tình trạng béo phì, cao huyết áp hay đái tháo đường thì cần hạn chế tối đa.

dinh-duong-ngay-tet-cho-me-bau-voh.com.vn-anh2
Mẹ bầu hạn chế ăn các thực phẩm làm từ gạo nếp, đậu xanh và thịt mỡ để tránh tình trạng khó tiêu, nóng ruột, đầy bụng. (Ảnh minh họa: internet)

Nếu thai phụ bị viêm loét dạ dày, đại tràng, hay ợ nóng, nôn nghén nhiều hoặc đang có các rối loạn tiêu hóa khi mang thai thì không nên dùng món dưa hành. Món ăn này sẽ khiến dạ dày tiết dịch vị nhiều hơn vì thế làm các bệnh trên của mẹ bầu sẽ tiến triển nặng hơn.

Canh măng: Đây là một trong những món ăn phổ biến ngày Tết nhưng các chuyên gia khuyến cáo các thai phụ, nhất là với những người vừa mới mang thai những tuần đầu thì nên hạn chế ăn. Lý do là bởi trong những tháng đầu thai kỳ, do chưa thích nghi được với thay đổi của cơ thể và bị ốm nghén, hầu hết các mẹ thường không ăn được nhiều.

Măng chứa nhiều chất xơ, nếu ăn nhiều dễ dẫn đến no lâu và đầy hơi. Hơn nữa nếu không biết cách chế biến, món ăn này dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc, rất nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi. Móng giò tốt cho phụ nữ mang thai nhưng do móng giò chứa một lượng chất béo lớn nên thai phụ cần ăn ở một mức nhất định, không nên ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng khó tiêu hóa, ăn không ngon miệng.

Hạn chế hấp thụ chất béo từ một số món ăn truyền thống trong ngày Tết như thịt lợn kho măng, thịt kho trứng… với những những món này nên ăn với rau củ quả luộc, hoặc hấp…

Ngoài ra, theo khuyến cáo, mẹ bầu cũng nên hạn chế ăn lẩu vì món này có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa, gia tăng cảm giác ợ nóng và nôn nghén. Hơn nữa, món lẩu thường không nấu chin kỹ nên rất dễ nhiễm trứng gian sán và các ký sinh trùng.

Phụ nữ trong thời kỳ mang thai cần ăn những thức ăn được nấu chín, thức ăn tươi, như: thịt gà, thịt lợn, trứng, sữa, các loại hải sản, các loại rau quả tươi. Không nấu đi nấu lại các bữa ăn.

Bổ sung các loại cá vào thực đơn ngày Tết

Cá được biết đến là thực phẩm cực kỳ tốt cho phụ nữ mang thai và sự phát triển thai nhi vì chứa nhiều DHA, Omega 3, khoáng chất, vitamin. Không chỉ vậy, các chất này giúp giảm thiểu nguy cơ sinh non, trầm cảm, giúp não bộ của thai nhi hoàn thiện và thúc đẩy hệ thần kinh phát triển, tăng cường thể chất ngay từ giai đoạn thai kỳ.

Các loại cá có thể bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng cho mẹ bầu ngày Tết như cá hồi, cá chim trắng, cá cơm, cá mòi.

Rau củ quả - những thực phẩm rất tốt cho mẹ bầu

Mẹ bầu nên tận dụng cơ hội bổ sung những chất cần thiết cho chính mình và cho bé yêu bằng các loại hoa quả luôn có sẵn trong nhà vào dịp Tết. Ví dụ như các loại trái cây màu xanh, màu vàng cung cấp cho bạn nhiều vitamin A. Các loại trái cây như cam, chuối, dừa cung cấp lượng lớn axit folic.

Các loại trái cây nhiều vitamin C như chuối, kiwi, dâu tây, mận sấy khô… giúp kháng viêm, dễ tiêu hóa và tăng sức đề kháng.

dinh-duong-ngay-tet-cho-me-bau-voh.com.vn-anh3
Các loại trái cây nhiều vitamin C như chuối, kiwi, dâu tất tốt cho thai phụ. (Ảnh minh họa: internet)

Ngoài ra, ăn nhiều loại rau tốt cho sức khỏe của thai phụ, có thể luộc hoặc hấp rau. Súp lơ xanh, bắp cải, cà tím… chứa nhiều chất xơ và giúp giảm tác động tiêu cực của chất béo từ các loại thịt, bánh chưng, bánh tét… Một loại không thể thiếu nữa là nấm, chứa rất ít calo nhưng nhiều vitamin B.

Đừng quên các loại hạt có sẵn trong nhà ngày Tết

Trong những ngày Tết, mẹ bầu nên ăn các loại hạt dưa, hạt bí, hạt hạnh nhân, hạt dẻ, hạt điều… Những loại hạt này rất giàu dinh dưỡng, giúp mang đến năng lượng, sức khỏe và vẻ đẹp cho các mẹ bầu trong thai kỳ.

Các loại đậu, đỗ: đậu nành, đậu xanh, lạc rang được coi là thực phẩm tuyệt vời cho bà bầu và thai nhi vì chứa đạm, canxi, rất giàu kẽm, một chất khoáng cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân và chuyển dạ kéo dài.

dinh-duong-ngay-tet-cho-me-bau-voh.com.vn-anh4
Những loại hạt rất giàu dinh dưỡng, giúp mang đến năng lượng, sức khỏe và vẻ đẹp cho các mẹ bầu trong thai kỳ. (Ảnh minh họa: internet)

Hạnh nhân: đóng góp dưỡng chất quan trọng đối với sự phát triển trí thông minh của trẻ, đó là omega-3. Folate và axit folic trong hạt hạnh nhân cũng giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh của trẻ nhỏ.

Hạt dẻ: hạt dẻ chứa rất nhiều protein, chất béo, canxi, sắt, phốt pho, kẽm và các loại vitamin giúp điều hòa tuần hoàn máu, kích thích thận và cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ bắp. Mẹ bầu ăn hạt dẻ sẽ làm cho xương chắc hơn và giảm mệt mỏi, nôn nghén.

Hạt hướng dương: đây là loại hạt giàu protein hơn bất kỳ loại hạt nào khác, nhưng lại chứa ít năng lượng. Hạt hướng dương rất giàu vitamin E, một dưỡng chất giúp duy trì sức bền, làm giảm nguy cơ sảy thai, đồng thời rất hữu ích cho việc duy trì sắc đẹp. Ngoài ra, hạt hướng dương còn chứa sắt, kẽm, kali, magiê có tác dụng chống thiếu máu và mệt mỏi.

Hạt dưa và hạt bí đỏ: hai loại hạt mà chúng ta thường nhâm nhi trong ngày Tết lại cung cấp một lượng dinh dưỡng đa dạng, bao gồm các chất như kali, sắt, các vitamin tan trong chất béo cần thiết để duy trì hoạt động hàng ngày của cơ thể, mang đến một tinh thần thoải mái, thư giãn cho mẹ bầu.

Hạt sen: giàu canxi, protein và phốt pho tốt cho thận, lá lách, hệ thống thần kinh và cho tinh thần của các mẹ và thai nhi.

Quả óc chó: mang đến omega-3 và vitamin E, hạt óc chó là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho sự phát triển hệ thần kinh và trí thông minh của thai nhi.

Axit béo có trong dầu của các loại hạt này được đưa vào sữa mẹ chính là thực phẩm tốt. Tuy nhiên, thai phụ nên lưu ý không mua những loại hạt bị tẩm hóa chất tạo màu, chất bảo quản và chỉ nên dùng tay tách hạt, không nên đưa vào miệng cắn.

Ngoài ra, các mẹ bầu còn có thể bổ sung các loại sữa không đường, ít béo và đã qua tiệt trùng thay vì sữa nguyên kem có đường.

dinh-duong-ngay-tet-cho-me-bau-voh.com.vn-anh5
Các mẹ bầu còn có thể bổ sung các loại sữa không đường, ít béo và đã qua tiệt trùng thay vì sữa nguyên kem có đường. (Ảnh minh họa: internet)

Để Tết trở nên ý nghĩa hơn cả về vật chất và tinh thần, thai phụ cần kiểm soát cân nặng hiệu quả thông qua chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng kết hợp với lối sống lành mạnh, tránh tăng cân quá nhiều. Việc ăn uống lành mạnh trong suốt quá trình mang thai là điều hết sức quan trọng. Trong những ngày Tết, ngoài các lưu ý kể trên mẹ đừng quên vận động và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe toàn diện cho mẹ và thai nhi.

Vinamilk