Giải đáp thắc mắc: Bị tiểu đường ăn dưa hấu được không?

(VOH) – Dưa hấu là loại quả thân thiện với nhiều người. Dưa hấu chứa nhiều dưỡng chất và nước, nhưng cũng chứa những chất có thể làm tăng đường huyết. Vậy người bị tiểu đường ăn dưa hấu được không?

Dưa hấu rất được yêu thích vào mùa hè bởi chúng có thể giúp giải khát vừa cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể .Tuy nhiên, với người bị tiểu đường, chế độ dinh dưỡng luôn đóng vai trò quan trọng, bởi họ bắt buộc phải sử dụng những thực phẩm có lượng đường cho phép.

Dưa hấu có chứa đường tự nhiên, chính vì thế, nếu muốn thêm dưa hấu vào chế độ ăn của người bệnh tiểu đường bạn nhất định phải biết được loại quả này có được phép sử dụng hay không.

1. Lợi ích sức khỏe khi ăn dưa hấu

Dưa hấu có nguồn gốc từ Tây Phi chứa nhiều chất dinh dưỡng như: Vitamin A, C, B6, chất xơ, canxi, kali, sắt,...

Vitamin A có tác dụng giúp cải thiện sức khỏe của mắt và hỗ trợ quá trình hoạt động của tim, thận, phổi. Còn vitamin C được tìm thấy trong dưa hấu có tác dụng hỗ trợ phòng ngừa các bệnh ung thư, cải thiện sức khỏe tim mạch và giúp chống lại các triệu chứng cảm lạnh thông thường.

Ngoài ra ăn dưa hấu còn giúp hạn chế cảm giác thèm ngọt và no lâu hơn vì đa phần trong dưa hấu chiếm 90% là nước. Do vậy dưa hấu có thể giúp bạn xây dựng chế độ ăn kiêng phù hợp và quản lý cân nặng hiệu quả.

2. Người bị tiểu đường ăn dưa hấu được không?

Theo nhiều nghiên cứu ghi nhận, vẫn chưa tìm thấy sự liên kết nào giữa việc tiêu thụ dưa hấu với việc quản lý đường huyết ở người người bị bệnh tiểu đường. Điều đó có nghĩa, nếu bạn ăn dưa hấu ở một mức độ cho phép sẽ không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

giai-dap-thac-mac-bi-tieu-duong-an-dua-hau-duoc-khong-voh-0
Người bệnh tiểu đường có thể ăn dưa hấu ở mức giới hạn cho phép (Nguồn: Internet)

Dưa hấu chứa một lượng vừa phải chất lycopene, đây là sắc tố tạo nên màu sắc cho trái cây và nó cũng là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Lycopene là chất có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Do đó ăn dưa hấu có thể giúp người bệnh tiểu đường ngăn ngừa một số loại bệnh về tim mạch.

Ngoài ra, để biết người bị tiểu đường ăn dưa hấu được không, bạn còn phải quan tâm đến chỉ số đường huyết (GI) và chỉ số đường tải (GL) của thực phẩm này.

Xem thêm: Chỉ số đường huyết của thực phẩm là gì? Những lưu ý về chỉ số đường huyết để lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe

Thông thường, những người bị tiểu đường sẽ kiểm soát bệnh bằng cách xem xét đến chỉ số đường huyết của thực phẩm (GI) mà mình sử dụng. Thực phẩm có chỉ số GI thấp hoặc trung bình sẽ ít có khả năng làm tăng lượng đường trong máu. GI từ 55 trở xuống được gọi là thấp, từ 55 – 69 là trung bình và trên 70 được gọi là cao.

Bên cạnh đó, chỉ số đường tải (GL) cũng đó vai trò quan trọng không kém. Nó chính là sự kết hợp giữa chỉ số GI và hàm lượng carbohydrate thực tế trong khẩu khẩu phần ăn. Chỉ số GL dưới 10 được coi là thấp, từ 10 – 19 là trung bình và trên 19 được gọi là cao.

giai-dap-thac-mac-bi-tieu-duong-an-dua-hau-duoc-khong-voh-1
Dưa hấu là thực phẩm có chỉ số GI cao nhưng chỉ  số GL thấp (Nguồn: Internet)

Dưa hấu có chỉ số GI là 72 (cao) nhưng chỉ số GL chỉ có 2 (thấp) trên 100gr khẩu phần. Do đó, người bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể tiêu thụ dưa hấu với lượng vừa phải và được cân bằng với những loại thực phẩm khác trong bữa ăn.

Hơn thế, với những dưỡng chất quý giá khác như vitamin A, C, kali, magie, chất xơ, canxi.... có trong quả dưa hấu cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao sức khỏe cho người mắc bệnh tiểu đường.

Xem thêm: Dưa hấu vừa mát và bổ, nhưng có thích hợp cho mẹ bầu hay không?

3. Người bệnh tiểu đường ăn dưa hấu thế nào là hợp lý?

Để việc ăn dưa hấu không bị vượt quá giới hạn cho biết, người đang bị bệnh tiểu đường cần tuân thủ một số lưu ý sau đây:

  • Chỉ ăn dưa hấu tươi, ăn nguyên miếng. Không ép lấy nước, không ăn kèm với đường.
  • Không ăn dưa hấu ngay sau bữa ăn. Tốt nhất nên ăn sau bữa ăn từ 1 – 2 tiếng để tránh nguy cơ đường huyết tăng đột ngột.
  • Mỗi lần ăn dưa hấu chỉ ăn khoảng 200gr, ăn tối đa không quá 500gr/ngày.
  • Khi ăn dưa hấu hãy ăn kèm với những loại trái cây có chỉ số GI thấp, chẳng hạn như: mận, bưởi, quả mơ, quả đào, lê,... để giúp cân bằng dinh dưỡng.

4. Một số loại trái cây phù hợp người bệnh tiểu đường

Mặc dù ăn dưa hấu mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng bạn cần phải xây dựng chế độ ăn uống phù hợp với các loại trái cây khác cho chỉ số đường huyết thấp. Những người mắc bệnh tiểu đường nên ăn trái cây tươi vì lượng đường của nó không cao.

Nếu bạn đang muốn dùng trái cây đóng hộp hoặc đóng dgói trong nước thì nên xem kỹ thành phần để biết rõ chỉ số lượng đường trong loại đó. Ngoài ra những loại trái cây đóng hộp có ngâm siro hoặc đường bên trong thì nên rửa qua nước sạch và để ráo trước khi ăn.

Nhưng bạn hạn chế dùng siro và nước ép trái cây vì những loại chứa mật độ calo, lượng đường cao. Một số loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường như: Đào, bưởi, mơ, mận, quả lê, quả mọng.

Như vậy, dưa hấu có thể là thực phẩm an toàn với người bệnh tiểu đường nhưng cần đảm bảo bạn chỉ ăn trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên để kiểm soát lượng đường huyết thì chỉ nên ăn trái cây tươi và hạn chế uống nước ép dưa hấu, thêm đường vì sẽ làm đường huyết tăng nhanh.

Ngoài ra, nếu đang bị tiểu đường bạn cần phải duy trì đảm bảo “kiềng 3 chân” – dùng thuốc, chế độ ăn và luyện tập, trong đó cân bằng dinh dưỡng bữa chính là một trong những yếu tố để giúp bạn có thể sống “hòa bình” với bệnh.