Chanh là thực phẩm được sử dụng gần như trên khắp thế giới. Không chỉ là loại thức uống giúp giải nhiệt hay gia vị thiết yếu trong đời sống hàng ngày mà nó còn là một loại dược liệu giúp phòng và điều trị được khá nhiều loại bệnh khác nhau.
1. Chanh ta – loại cây hữu ích từ rễ đến ngọn
Chanh (hay còn gọi là chanh ta) là một loài cây bụi, thuộc chi Cam chanh. Chanh ta cao khoảng 5m với nhiều gai. Thân cây không mọc thẳng mà tỏa ra nhiều nhánh từ nơi gần gốc. Lá chanh ta có hình trứng, dài. Hoa chanh màu trắng ngả sang màu vàng. Quả chanh thường có hình tròn, màu xanh, đường kính khoảng 3- 6 cm. Bên trong quả chứa các tép quả có tính axit.
Cây chanh ta được trồng và thu hái quanh năm, nhưng ra quả nhiều nhất từ tháng 5 đến tháng 9. Bộ phận dùng được gồm quả chanh, lá chanh, rễ chanh, hạt chanh, hoa chanh (ít sử dụng vì khó trồng loại chanh lấy hoa). Ngoài ra, chanh ta được ưa chuộng vì mùi vị đặc trưng của nó so với các loại chanh khác bởi chúng có vị chua và đắng nồng hơn nên thường được dùng làm mứt cao cấp.
Chanh ta có nguồn gốc từ Đông Nam Á, sau đó chúng được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, chanh ta thường được trồng khắp nơi từ Bắc vào Nam. Ngoài chanh ta, nước ta còn trồng được rất nhiều loại chanh khác nhau như chanh giấy, chanh không hạt, chanh Tây, chanh đào, chanh thái....
2. Cây chanh ta có tác dụng gì?
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM), không chỉ riêng quả chanh, tất cả các bộ phận của cây chanh ta đều có tác dụng phòng và trị bệnh. Dưới đây là tác dụng và cách dụng của từng bộ phận cây chanh ta.
2.1 Rễ chanh ta
Rễ chanh có vị đắng, tính ôn có tác dụng chỉ khái – bình suyễn, tức là giảm ho và giảm hen suyễn. Đôi khi, người ta còn dùng rễ chanh để giảm đau.
Rễ chanh có thể to hoặc nhỏ. Đối với rễ chanh nhỏ thì bạn có thể dùng toàn bộ rễ, đối với rễ chanh to thì chỉ cần dùng vỏ của rễ. Để giảm ho và giảm cơn hen suyễn, bạn có thể cắt vài khúc rễ chanh, sau đó đem phơi khô, bảo quản rồi dùng dần.
Xem thêm: Đừng nghĩ rễ chanh là thứ bỏ đi bởi nó chính là vị thuốc Đông y giúp chữa nhiều loại bệnh
2.2 Lá chanh ta
Theo Đông y, lá chanh có vị ngọt, tính ôn, tác dụng của lá chanh đối với cơ thể là giúp thanh nhiệt, chống viêm, hóa đờm chỉ khái và sát khuẩn. Tức là, lá chanh cũng có tác dụng giảm ho và giảm cơn hen (nhất là trường hợp hen phế quản) như tác dụng của rễ chanh.
Lá chanh cũng được sử dụng như rễ chanh, thu hái và phơi khô. Do đó, nếu việc sử dụng rễ chanh khó thực hiện thì bạn có thể dùng lá chanh để giảm ho và giảm cơn hen.
Xem thêm: ‘Bỏ túi’ những bài thuốc chữa bệnh cực kỳ đơn giản từ lá chanh
2.3 Quả chanh ta
Thông thường chúng ta thường dùng quả chanh như một loại gia vị trong ẩm thực, tuy nhiên, các bộ phận trong quả chanh như vỏ chanh, múi chanh và hạt chanh đều có những lợi ích nhất định cho sức khỏe.
Vỏ quả chanh
Vỏ quả chanh có chứa tinh dầu, loại tinh dầu này có tác dụng hiệu quả với bệnh trầm cảm, tâm thần có sự hoảng hốt, sợ hãi, lo âu…Để vỏ chanh phát huy tác dụng, bạn có thể lấy vỏ chanh chưng cách thủy để uống hoặc làm mứt để ăn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng vỏ chanh tươi, bóp nhẹ cho ra tinh dầu, sau đó nấu sôi lên, dùng nước này để xông hoặc tắm sẽ giúp chữa các bệnh lý tâm thần rất tốt.
Múi chanh
Múi chanh chính là nơi chứa nhiều vitamin C nhất. Vitamin C là thành phần có thể giúp giúp kích thích đề kháng, hỗ trợ hệ tiêu hóa. Vắt nước chanh uống thường xuyên sẽ có tác dụng chống các gốc tự do, chống lão hóa hiệu quả cũng như tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Hạt chanh
Hạt chanh chứa nhiều dầu béo và chất đắng, có tính kháng khuẩn nên có tác dụng chữa ho, chữa mất tiếng, viêm phế quản, khàn giọng và ngộ độc rắn cắn hiệu quả.
Như vậy, để trị ho bạn có thể dùng quả chanh tươi, cắt mỏng để vắt lấy nước uống, hạt chanh cho vào chén, thêm một chút mật ong rồi chưng cách thủy và ăn.
Lưu ý: Vì hạt chanh có tác dụng chữa bệnh nên khi dùng quả chanh, bạn có thể giữ lại hạt chanh bảo quản trong tủ lạnh, khi được nhiều đem phơi khô hoặc cho vào lò sấy cho mất nước. Sau đó dùng cối xay tiêu xay ra thành bột. Mỗi khi ho, hen hay khó chịu đường hô hấp thì hãy lấy một muỗng nhỏ pha nước uống.
Xem thêm: Người người nhà nhà đều dùng chanh nhưng bạn đã biết hết tác dụng của quả chanh hay chưa?
3. Tác hại của chanh là gì?
Chanh là loại quả tốt cho sức khỏe do chứa nhiều vitamin C cũng như các hợp chất thực vật có lợi. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều chanh bạn có thể gặp phải nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe, thậm chí với những người đang có bệnh sẽ khiến bệnh càng thêm trầm trọng.
Chanh có vị khá chua và có tính axit nên những người có vấn đề về dạ dày hay đường ruột thì nên hạn chế dùng chanh tươi để tránh gây loét dạ dày ở mức độ nhẹ hoặc nặng.
Không dùng nước chanh trước khi ăn với hy vọng giảm cân vì chanh không có khả năng đốt cháy calo để giảm cân.
Hạn chế việc uống nước chanh nóng do lượng axit trong chanh thường sẽ hoạt động mạnh hơn ở nhiệt độ cao, có thể hòa tan men răng khiến răng bị ngả màu và trở nên nhạy cảm hơn.
Xem thêm: Chanh rất tốt cho sức khỏe nhưng dùng sai cách, bạn có thể đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn này
4. Cách chọn chanh nhiều nước và bảo quản
Chanh có rất nhiều loại khác nhau, và hầu như mọi người thường không biết cách chọn chanh ngon, nhiều nước nên hay mua nhầm những quả sượn hoặc ít nước. Thực tế để có được những quả chanh mọng nước, bạn cần quan sát hình dáng bên ngoài của quả chanh. Chanh mọng nước thường nhỏ, vỏ mỏng, sờ lên quả chanh có cảm giác mịn, không sần sùi.
Sau khi mua về bạn nên bảo quản chanh bằng cách cho vào túi nilon hoặc túi giấy, bỏ vào ngăn mát tủ lạnh.
Xem thêm: Không phải dân nhà nghề, học ngay cách chọn chanh và bảo quản này để tích trữ chanh dài hạn
Như vậy, chanh ta là loại cây vô cùng quý giá, từ rễ, lá, quả, vỏ quả và hạt đều có thể dùng để chữa bệnh rất hay. Do đó, nếu có điều kiện, bạn nên trồng ít nhất một cây chanh trong vườn nhà để vừa có chanh để dùng, vừa có thuốc chữa bệnh an toàn.
Bạn có thể nghe lại phần trao đổi của bác sĩ Nguyễn Thị Bay về cây chanh ta tại audio bên dưới: