Nhiều người có thói quen ăn sáng bằng một quả trứng, đến bữa trưa có thể ăn trứng xào với cà chua, hoặc đến buổi chiều nếu cảm thấy đói thì có thể ăn thêm một chén trà hột gà, rốt cuộc một ngày có thể ăn bao nhiêu trứng?
Một nghiên cứu của Hoa Kỳ chỉ ra rằng, chế độ ăn uống ít carbohydrate, kể cả ăn 3 quả trứng mỗi ngày, rất hữu ích cho người cao tuổi, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim, thậm chí còn hỗ trợ giảm cân.
Ăn 3 quả trứng mỗi ngày có thể cải thiện cholesterol
Jiang Shoushan, bác sĩ chuyên khoa thận người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, một nghiên cứu mới chỉ ra rằng, ăn trứng giúp cải thiện sức khỏe động mạch của cơ thể và ăn 3 quả trứng mỗi ngày có thể giúp cải thiện tổng thể tình trạng cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Bác sĩ Jiang Shoushan cho biết thêm, nhóm nghiên cứu này yêu cầu 34 người béo phì từ 60 đến 75 tuổi thực hiện chế độ ăn ít carbohydrate (low-carb) hoặc chế độ ăn ít chất béo trong 8 tuần.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người theo chế độ ăn ít carbohydrate giảm trung bình 9,7% lượng mỡ trong cơ thể, trong khi những người theo chế độ ăn ít chất béo giảm được 2% lượng mỡ.
Ngoài ra, người ta cũng phát hiện ra rằng chế độ ăn ít carbohydrate và nhiều chất béo dường như đặc biệt có lợi cho sức khỏe của người lớn tuổi.
Ăn trứng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim
Bác sĩ Jiang Shoushan nói, kết quả cho thấy độ nhạy insulin của những người thuộc nhóm theo chế độ ăn ít carbohydrate được cải thiện rõ rệt, tức là mức insulin lúc đói giảm, điều này cho thấy nó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Ngoài ra, những người thuộc nhóm ít carbohydrate cũng có sự gia tăng đáng kể về cơ xương đùi.
Người già ăn trứng có thể giúp tăng cường cơ bắp và xương khớp
Bác sĩ Jiang Shoushan cũng cho biết thêm, nhóm nghiên cứu tin rằng trứng là nguồn thực phẩm rất quan trọng, giàu dinh dưỡng, cần thiết cho sự sinh trưởng, phát triển và duy trì chất lượng cơ bắp.
Chế độ ăn ít carbohydrate có thể đặc biệt có lợi cho những người từ 65 tuổi trở lên, vì người già trên 65 tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính, đồng thời họ rất cần duy trì chất lượng cơ bắp và xương khớp.