Theo đông y, ăn mộc nhĩ trắngó có nhiều công dụng đối với sức khỏe, bao gồm dưỡng âm bổ phổi, làm dịu da khô và làm giảm các triệu chứng ngứa da.
Công dụng của mộc nhĩ trắng
Chen Ziyi, một thầy thuốc đông y giàu kinh nghiệm tại Phòng khám Đông y ở Đài Trung (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, mộc nhĩ trắng (hay còn gọi là nấm tuyết nhĩ, ngân nhĩ hay nấm tuyết) là một loài nấm được sử dụng trong ẩm thực của một số nước châu Á.
Chúng có vị ngọt dịu, có thể nhập vào phổi, dạ dày và kinh thận vì rất giàu chất keo, chất xơ và polysacarit (hay còn gọi là đường đa), có công dụng dưỡng âm, nhuận phế (bổ phổi), ích dạ dày, thúc đẩy sản dịch.
So với tổ yến, mộc nhĩ trắng có nhiều chất xơ hơn nên ngoài tác dụng giữ ẩm cho ruột, còn có thể thúc đẩy nhu động ruột và làm giảm các triệu chứng phân khô, thúc đẩy quá trình đại tiện suôn sẻ, trơn tru và giảm bớt vấn đề táo bón.
Polysacarit trong mộc nhĩ trắng cho phép vi khuẩn tốt trong ruột phát triển và ức chế vi khuẩn có hại, có lợi cho việc chăm sóc sức khỏe đường tiêu hóa hiệu quả.
Những ai không nên ăn mộc nhĩ trắng?
Hầu hết mọi người đều có thể ăn mộc nhĩ trắng một cách an toàn. Nhưng nếu ai có lá lách và dạ dày suy yếu, dễ bị tiêu chảy, ho nhiều đờm, thể chất đàm ẩm thì không nên ăn nhiều mộc nhĩ trắng.
Mộc nhĩ trắng còn chứa hợp chất adenine có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu nên những bệnh nhân dễ chảy máu không thích hợp ăn quá nhiều mộc nhĩ trắng.
Sự kết hợp điều trị bệnh của mộc nhĩ trắng
Chữa khô miệng, khô họng: mộc nhĩ trắng + hoa huệ
Những người bị khô miệng và khô cổ họng, thậm chí là đau họng, nên thêm hoa huệ vào khi nấu mộc nhĩ trắng.
Hoa huệ có tác dụng thanh nhiệt phổi, nấu chung với mộc nhĩ trắng có thể làm giảm tình trạng khô và khó chịu ở đường hô hấp.
Nguyên liệu của món mộc nhĩ trắng + hoa huệ gồm có 15 gram mộc nhĩ trắng, 30 gram hoa huệ, một lượng đường phèn thích hợp và 1 lít (1.000 ml) nước.
Bước 1: Cho mộc nhĩ trắng và hoa huệ vào nồi, thêm 1 lít nước.
Bước 2: Đun sôi rồi điều chỉnh về mức lửa vừa rồi hạ xuống đun nhỏ lửa trong 30 phút.
Bước 3: Sau khi nấu được 30 phút thì thêm đường phèn rồi nấu 5 phút nữa. Tắt bếp khi đường phèn đã tan hoàn toàn.
Chữa ho khan, khàn tiếng: mộc nhĩ trắng + lê
Người dễ bị ho và khàn giọng vào mùa thu đông, nên nấu mộc nhĩ trắng và lê mọng nước cùng với nhau. Vì lê có tính lạnh nên thích hợp để nấu ăn, có thể giảm ho, dưỡng ẩm cho phổi và loại bỏ đờm đặc và dính màu vàng.
Nguyên liệu của mộc nhĩ trắng + lê gồm có 10 gram mộc nhĩ trắng, một trái lê gọt vỏ và cắt lát thành miếng mỏng, một ít đường phèn thích hợp cùng với 600 ml nước.
Bước 1: Cho mộc nhĩ trắng và lê cắt thành lát mỏng vào nồi có 600 ml nước.
Bước 2: Đun sôi với nhỏ lửa trong 30 phút.
Bước 3: Sau khi nấu được 30 phút thì thì thêm đường phèn rồi nấu 5 phút nữa. Tắt bếp khi đường phèn đã tan hoàn toàn.
Làm dịu da khô, ngứa và bong tróc: mộc nhĩ trắng + táo đỏ
Người già bị thiếu máu dẫn đến khô da, thiếu dầu (chất béo) dẫn đến đóng vảy, ngứa ngáy thì nên nấu mộc nhĩ trắng và táo đỏ với nhau.
Táo đỏ có tác dụng bổ tỳ, ích dạ dày, bổ máu, nấu cùng với mộc nhĩ trắng rất thích hợp để chữa các bệnh ngoài da. Nguyên liệu của món này gồm có 15 gram mộc nhĩ trắng, 6 trái táo đỏ, một lượng đường phèn thích hợp và 1,2 lít (1.200 ml) nước.
Bước 1: Cho mộc nhĩ trắng và táo đỏ vào nồi cùng 1,2 lít nước.
Bước 2: Nấu mộc nhĩ trắng và táo đỏ với lửa vừa trong 30 phút.
Bước 3: Sau khi nấu được 30 phút thì thêm lượng đường phèn thích hợp rồi nấu ít phút nữa. Tắt bếp khi đường phèn đã tan hoàn toàn.
Thầy thuốc Chen Ziyi khuyến cáo, món ăn này không phù hợp với những người bị bệnh chàm hoặc da nổi mẩn đỏ ngứa.