Nhiều người cho rằng, nước lọc nên uống càng nhiều càng tốt, tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Uống đủ nước sẽ rất tốt cho cơ thể, nhưng uống quá nhiều nước lại có thể dẫn đến ngộ độc nước, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.
1. Một ngày uống bao nhiêu nước?
Chúng ta thường nghe rằng, mỗi ngày cần phải uống từ 1.5 – 2 lít để cơ thể không bị thiếu nước. Song, việc đặt ra tiêu chuẩn uống nước mỗi ngày sẽ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như: sức khỏe, vận động, môi trường sống...
Ngoài ra, lượng nước cần uống giữa nam giới và nữ giới, giữa trẻ nhỏ và người trưởng thành cũng sẽ khác nhau. Người khỏe mạnh sẽ có một mức tiêu thụ nước khác với người đang bị tiêu chảy hoặc mất nước. Cân nặng cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến lượng nước tiêu thụ.
Theo chia sẻ từ PGS.TS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), để biết cơ thể bạn một ngày uống bao nhiêu nước là đủ, bạn có thể tính theo công thức lấy số cân nặng (kg) chia cho 30 để ra số lít nước cần thiết cho cơ thể bạn.
Nếu bạn thuộc nhóm người lao động nặng và ra nhiều mồ hôi thì có thể bù thêm khoảng 0.5 – 0.8 lít nước để giúp cân bằng lại lượng nước trong cơ thể.
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng công thức sau đây để biết uống bao nhiêu nước là đủ. Đó chính uống nước theo cân nặng.
Lượng nước uống = [Cân nặng * 2.205] * 0.5 : 33.8
Đây là công thức do tờ US News & World Report đưa ra và được quy đổi đơn vị. Trong đó lượng nước uống tính bằng lít, cân nặng tính bằng kg. Ví dụ, nếu bạn nặng 50kg, lượng nước uống cần thiết một ngày sẽ là [50*2.205]*0.5: 33.8 = 1.63 lít
Bạn nên chia nhỏ các lần uống từ sáng đến chiều và giảm lượng nước vào buổi tối. Uống nước nhiều vào buổi tối sẽ gây tiểu đêm và khiến bạn mất ngủ.
Xem thêm: Mất ngủ và những điều nên biết trước khi sức khỏe ‘xuống cấp’
2. Bà bầu uống bao nhiêu nước mỗi ngày là đủ?
Nước uống rất quan trọng với bà bầu và phụ nữ đang cho con bởi đây là giai đoạn phụ nữ cần phải bổ sung nhiều nước cho cơ thể, do đó lượng nước uống cũng sẽ có sự thay đổi so với nhu cầu thông thường.
Nhu cầu nước ở phụ nữ mang thai sẽ dao động từ 2.5 - 3 lít/ ngày. Đặc biệt là sau tuần thai 27, hãy nên uống nhiều hơn bình thường 500ml để tránh tình trạng sảy thai, sinh non.
Đối với phụ nữ cho con bú, cần tăng lượng nước uống thêm 400 – 950ml/ ngày. Lượng nước uống tăng sẽ tùy thuộc vào nhu cầu riêng của mỗi người.
3. Vì sao phải uống đủ nước mỗi ngày?
Trong cơ thể con người, nước chiếm đến 70%, tuy nhiên tùy thuộc vào độ tuổi mà lượng nước trong cơ thể sẽ khác nhau. Trẻ em từ khi sinh ra đến 5 hoặc 7 tuổi, lượng nước chiếm 80%, thanh niên đến trung niên thì nước chiếm 70% và người cao tuổi (trên 60 tuổi) thì nước chỉ chiếm 50% trong cơ thể.
Thực tế, khi chúng ta uống nước, nó không chỉ đi vào dạ dày rồi qua thận và thải ra ngoài, mà nước còn hấp thu vào trong các mạch máu, giúp chuyển hóa mọi vật chất trong cơ thể. Theo đó, nếu bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể mỗi ngày sẽ giúp:
- Điều hòa thân nhiệt cho cơ thể thông qua cơ chế mồ hôi và thở
- Tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn
- Nước giúp làm ẩm không khí mà chúng ta hít vào cơ thể
- Giúp bôi trơn các khớp, các xoang
- Thải các chất cặn bã, chất độc hại ra ngoài thông qua nước tiểu
- Hỗ trợ dẫn truyền xung thần kinh
Có thể nói, nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Nếu bạn để cơ thể thiếu nước nó sẽ không thực hiện được những nhiệm vụ vừa kể trên.
4. Làm sao để biết cơ thể bị thiếu nước?
Bạn hoàn toàn có thể nhận biết cơ thể đang bị thiếu nước thông qua những triệu chứng sau đây:
- Nhức đầu
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải, vọp bẻ (chuột rút)
- Ngáp nhiều, buồn ngủ
- Có cảm giác khát nước
- Bị rối loạn tiêu hóa
- Hôi miệng
- Thèm ăn thức ăn ngọt
- Nước tiểu ít
Khi bạn uống đủ nước, bạn sẽ không cảm thấy khát, khoảng cách giữa các lần đi tiểu sẽ từ 2 – 4 tiếng (trung bình là 6 – 7 lần/ngày), nước tiểu có màu vàng nhạt. Ngoài ra, nếu bạn uống quá nhiều nước, bạn sẽ đi tiểu liên tục, nước tiểu trong và gần như không màu.
Nhìn chung, bạn không cần phải quá lo lắng về việc cần uống đủ một lượng nước nhất định mỗi ngày, bởi cơ thể sẽ lên tiếng báo hiệu “khát” khi thiếu nước để bạn có thể bù nước kịp thời cho cơ thể.
Bạn có thể nghe toàn bộ chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay về vấn đề uống bao nhiêu nước một ngày là đủ tại audio bên dưới: