Có thể nói, riềng là một trong những loại gia vị mang lại rất nhiều những lợi ích cho sức khỏe. Trong Đông y, củ riềng được sử dụng như một vị thuốc giúp phòng và điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau như: sốt rét, ăn kém, đau bụng, nôn mửa, chữa ho, tiêu đờm....
Tuy nhiên, những công dụng của củ riềng chỉ phát huy tác dụng nếu bạn sử dụng riềng đúng liều lượng và kết hợp thêm nhiều loại thuốc khác. Sử dụng củ riềng quá nhiều và liên tục, thì lợi đâu không thấy chỉ thấy bạn có thể sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe.
1. Những tác dụng phụ của củ riềng
Nhiều người vẫn thường xuyên sử dụng củ riềng như một vị thuốc. Tuy nhiên, dù xem củ riềng là thuốc hay thực phẩm thì việc sử dụng quá nhiều loại củ này cũng đều sẽ không tốt cho sức khỏe.
Những nghiên cứu trên động vật hoặc trong phòng thí nghiệm đều cho thấy, nếu sử dụng củ riềng như một thực phẩm chức năng, dùng liều 2.000mg/kg trọng lượng có thể dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm: giảm năng lượng, mất khẩu vị, tiểu nhiều, tiêu chảy, hôn mê hoặc thậm chí là tử vong. Những tác dụng phụ không mong muốn này không thấy xuất hiện khi sử dụng với liều thấp hơn 300mg/kg.
Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cũng ghi nhận khi sử dụng củ riềng với liều lượng lớn sẽ có thể làm xuất hiện các tác dụng phụ dưới đây:
1.1 Gây dị ứng
Trong củ riềng có chưa tinh dầu, tinh dầu trong củ riềng sẽ tạo ra vị cay đặc trưng của loại củ này. Nhiều nghiên cứu ghi nhận, chiết xuất từ tinh dầu củ riềng có thể chống lại nhiều loại vi sinh vật, tuy nhiên, một số người cũng có thể bị dị ứng bởi chính tinh dầu riềng.
Do đó, sau khi ăn củ riềng hoặc sử dụng chiết xuất từ củ riềng nếu thấy có những dấu hiệu, triệu chứng bất thường thì bạn nên cẩn thận bởi bạn có thể bị dị ứng củ riềng.
1.2 Làm tăng lượng axit trong dạ dày
Một trong các tác dụng của củ riềng chính là hỗ trợ điều trị các bệnh lý về dạ dày hoặc các vấn đề ở vùng thượng vị. Tuy nhiên, tác dụng này của củ riềng cần phải được kết hợp với nhiều loại thuốc khác.
Nếu bạn chỉ sử dụng củ riềng sẽ có thể gây kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit, từ đó gây khó chịu đối với những ai đang bị bệnh dạ dày và đại tràng.
1.3 Khiến bệnh thêm trầm trọng
Giống với củ gừng, cũng riềng cũng là một vị thuốc có tính ấm và có tác dụng chữa những bệnh liên quan đến thể hàn. Tuy nhiên, nếu những người thể hàn muốn điều trị bệnh chỉ dùng củ riềng có thể khiến bệnh càng thêm trầm trọng.
Thông thường, những người bị đau bụng do lạnh bụng có thể dùng riềng để chữa, nhưng nếu bạn bị đau bụng do nóng thì không nên dùng riềng vì nó có thể khiến bệnh càng nặng thêm.
1.4 Phụ nữ mang thai hạn chế ăn riềng
Mặc dù không có một nghiên cứu nào ghi nhận những tác hại của củ riềng đối với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, các bác sĩ thường khuyên mẹ bầu không nên dùng riềng để chữa bệnh trong thai kỳ. Bà bầu muốn dùng riềng như một loại thuốc trị bệnh thì nên tham khảo bác sĩ để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu như thế nào là tốt nhất?
2. Những lưu ý cần nhớ khi sử dụng củ riềng
Với củ riềng, tốt nhất bạn chỉ nên sử dụng nó như một loại gia vị trong ẩm thực. Nếu muốn sử dụng củ riềng như một vị thuốc chữa bệnh bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp.
Ngoài ra, không nên tự ý dùng củ riềng cho phụ nữ mang thai. Vì củ riềng là một vị thuốc trong Đông y, vì thế đôi khi nó sẽ không tốt đối với thể trạng của phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ. Tốt nhất, trong giai đoạn nhạy cảm này bạn vẫn nên thận trọng đối với mọi mặt, kể cả việc sử dụng thực phẩm.
Như vậy, củ riềng là loại gia vị giúp “dậy mùi” món ăn cũng là vị thuốc Đông y tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, để có thể nhận được các lợi ích này, bạn cần sử dụng của củ riềng đúng cách, tuân thủ đúng liều lượng. Sử dụng quá nhiều hoặc lạm dụng củ riềng để điều trị bệnh sẽ không mang lại kết quả như mong muốn.