Nếu bạn thỉnh thoảng ăn khoai tây sẽ không gây hại, thậm chí bạn còn nhận vô số lợi ích từ loại củ này. Tuy nhiên, nếu bạn ăn quá nhiều khoai tây trong chế độ ăn của mình, bạn có thể phải đối mặt với những tác dụng phụ không mong muốn.
1. Những tác hại của khoai tây là gì?
Một chế độ ăn nhiều khoai tây, cũng như các loại carbohydrate tiêu hóa nhanh khác có thể khiến bạn bị cao huyết áp hoặc kháng insulin (có liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2). Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu bạn có một chế độ ăn nhiều carbohydrate trong nhiều năm, không phải kết quả trực tiếp từ việc ăn khoai tây.
Dưới đây là những tác dụng phụ không mong muốn khi ăn quá nhiều khoai tây trong thời gian dài:
1.1 Huyết áp cao
Khoai tây vốn dĩ không có hại cho sức khỏe, nhưng nếu bạn lạm dụng nó bạn có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng cao huyết áp.
Một nghiên cứu được công bố trên BMJ cho thấy, ăn nhiều khoai tây trong thời gian dài có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao. (1)
Mặc dù vẫn chưa xác định rõ cơ chế đằng sau việc tăng huyết áp từ khoai tây, nhưng các nhà khoa học suy đoán có thể do 2 nguyên nhân cơ bàn:
- Ăn nhiều khoai tây có thể dẫn đến việc tăng cân, đây là một yếu nguy cơ dẫn đến cao huyết áp.
- Khoai tây là thực phẩm có chỉ số GI cao. Một chế độ ăn uống có hàm lượng carbohydrate cao sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp.
1.2 Lượng đường trong máu không ổn định
Do khoai tây là thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, nên chúng có thể khiến cho lượng đường trong máu và insulin tăng cao nhanh chóng, sau đó lại sụt giảm bất ngờ. Những biến động về lượng đường trong máu theo thời gian sẽ dẫn đến tình trạng kháng insulin và hệ quả của nó là xuất hiện bệnh tiểu đường tuýp 2.
Xem thêm: Cách kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2 để sống ‘hòa bình’ với nó, tránh biến chứng nguy hiểm
Có thể khoai tây không phải nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng việc ăn quá nhiều khoai tây cùng các thực phẩm có lượng carbohydrate cao như gạo trắng, bánh mì, bột yến mạch.... sẽ thúc đẩy sự biến động của lượng đường trong máu.
1.3 Một số sản phẩm từ khoai tây gây tăng cân
Khoai tây có thể giúp giảm cân nhưng một số sản phẩm chế biến từ khoai tây thì không như thế. Một nghiên cứu vào năm 2009 đã phát hiện, ăn khoai tây chiên có liên quan đến việc tăng vòng eo của phụ nữ. (2)
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, khoai tây chiên có thể góp phần vào việc tăng cân. Với mỗi khẩu phần ăn mỗi ngày có khoai tây chiên, sẽ dẫn đến tăng cân trung bình từ 0.58g đến 0.77kg. (3)
Tuy nhiên, nếu bạn ăn khoai tây với lượng vừa phải, ăn dưới dạng hấp, luộc hoặc nướng, thì ít có khả năng “bản thân” khoai tây góp phần vào việc tăng cân hay béo phì.
1.4 Có thể gây ngộ độc
Trong khoai tây có chứa glycoalkaloid, đặc biệt là khoai tây xanh, đây là loại hợp chất hóa học có khả năng gây ngộ độc. Nếu tiêu thụ khoai tây với số lượng lớn, chất glycoalkaloid có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa, thậm chí là trầm trọng thêm bệnh viêm ruột.
Để giảm thiểu hàm lượng glycoalkaloid, bạn nên bảo quản chúng ở nhiệt độ thấp và tránh để khoai tây ở những nơi có ánh sáng.
1.5 Dị ứng khoai tây
Khoai tây là thực phẩm có thể gây dị ứng với các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng. Mặc dù, tình trạng dị ứng khoai tây là rất hiếm nhưng bạn vẫn nên phòng ngừa nếu từng có tiền sử dị ứng với các loại thực phẩm, trong đó có khoai tây.
2. Ai không nên ăn khoai tây?
Các món ăn từ khoai tây luôn ngon và hấp dẫn, tuy nhiên, nếu bạn thuộc một trong số nhóm các đối tượng dưới đây thì bạn nên hạn chế hoặc không thêm khoai tây vào chế độ ăn của mình:
2.1 Người bị bệnh tiểu đường
Khoai tây là thực phẩm có chỉ số GI cao, do đó, người bị bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn khoai tây, vì chúng có thể khiến mức đường huyết tăng lên nhanh chóng, cũng như sẽ đẩy mạnh sản xuất insulin trong cơ thể.
2.2 Người bị dị ứng khoai tây
Nếu bạn có tiền sử bị dị ứng khoai tây, tốt nhất bạn không nên thử lại loại thực phẩm này. Mặc dù, tình trạng dị ứng khoai tây là rất hiếm, nhưng nó vẫn có thể xảy ra với các dấu hiệu: ngứa mắt và mũi, hắt xì, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, co thắt dạ dày, đau họng, hụt hơi, tức ngực....
2.3 Người đang ăn kiêng
Người đang ăn kiêng không nên thêm khoai tây vào chế độ ăn của mình. Ăn khoai tây có thể giúp bạn quản lý cân nặng, nhưng đồng thời cơ thể bạn cũng sẽ không được hấp thụ vitamin A, E, K, canxi hoặc selen vì trong khoai tây chứa rất ít các chất này.
2.4 Phụ nữ mang thai
Phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ được khuyến cáo không nên ăn nhiều khoai tây. Vì chúng có thể gây ra tình trạng đầy bụng khó tiêu, ảnh hưởng đến thể trạng của mẹ và bé.
Xem thêm: Ăn khoai tây hợp lý, mẹ bầu có thể nhận được 8 lợi ích sức khỏe từ loại củ bổ dưỡng này!
3. Những lưu ý khi ăn khoai tây
Bên cạnh những đối tượng không nên ăn khoai tây, thì bạn cũng nên lưu ý sau đây khi ăn khoai tây để không gây hại cho sức khỏe:
- Không ăn khoai tây để quá lâu vì chúng có thể chứa độc tố solanine có hại cho cơ thể.
- Không ăn khoai tây khi chúng đã mọc mầm
- Không bảo quản khoai tây không tủ lạnh vì có thể làm giảm đi các dưỡng chất bên trong.
- Không nên chuối, quả lựu, quả hồng, cà chua và quả anh đào.... sau khi ăn khoai tây.
Như vậy, khoai tây vẫn là thực phẩm bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều khoai tây trong thời gian dài vì chúng có thể gây ra một số vấn đề đáng lo ngại cho sức khỏe. Do đó, khoai tây hay bất kỳ một thực phẩm cũng chỉ nên ăn với lượng vừa phải và cân bằng mới thực sự có lợi cho cơ thể.