Chờ...

Dắt túi bài thuốc tắc chưng đường phèn đánh bật cơn ho

(VOH) – Thời tiết thay đổi gây ảnh hưởng hoạt động của đường hô hấp, dễ gặp nhất là các tiếng ho dai dẳng. Để giảm bớt những ‘phiền toái’ từ những cơn ho, xin mách bạn bài thuốc tắc chưng đường phèn.

Trái tắc có vị chua ngọt, thanh thanh nên kích thích vị giác và rất dễ “lấy lòng” chúng ta. Bên cạnh việc góp mặt trong nhiều thức uống giải nhiệt, trái tắc còn được coi là “vị thuốc” quan trọng của bài thuốc tắc chưng đường phèn. 

1. Tắc chưng đường phèn trị ho hiệu quả không?

Sử dụng tắc chưng đường phèn để giảm tần suất các cơn ho là một phương pháp điều trị hiệu quả. Bài thuốc vốn đã được áp dụng từ lâu trong Đông y, kết hợp hài hòa hai loại “dược liệu” - trái tắc có tính ấm và đường phèn có tính mát, vị tắc chưng đường phèn không quá ngọt cũng không quá chua. 

dat-tui-bai-thuoc-tac-chung-duong-phen-danh-bat-con-ho-voh-0
Tắc chưng đường phèn không quá ngọt cũng không quá chua (Nguồn: Internet) 

Vỏ trái tắc cung cấp nhiều tinh dầu và có tính kháng viêm khá cao nên giúp long đờm cũng như giảm tình trạng ngứa rát cổ họng. Ngoài ra, với hàm lượng vitamin C dồi dào, trái tắc cũng hỗ trợ cải thiện sức đề kháng của cơ thể, hạn chế tình trạng mắc các bệnh hô hấp nghiêm trọng khác. 

Thông thường sẽ dùng đường phèn để chưng cất vì đường phèn được tinh chế từ đường cát trắng, có vị ngọt dịu và thanh mát hơn. 

Xem thêm: 6 cách giảm ngứa cổ họng cực hay có thể áp dụng ngay tại nhà

2. Cách làm tắc chưng đường phèn 

Công đoạn làm tắc chưng đường phèn khá đơn giản, bạn có thể tham khảo 2 cách dưới đây và tự thực hiện ngay tại nhà. 

2.1 Chưng trực tiếp 

Nguyên liệu 

  • Trái tắc tươi (vỏ mỏng, trái mọng nước): khoảng 0.5kg
  • Đường phèn (dạng bột hoặc viên): 200g

Cách làm

  • Rửa sạch trái tắc, ngâm rửa với nước muối loãng trong khoảng 30 phút.
  • Bỏ phần cuống trái tắc rồi cắt thành những lát mỏng, ướp cùng đường phèn trong khoảng 1 tiếng. 
  • Bắc nồi hoặc chảo lên bếp, chưng hỗn hợp tắc đường phèn trong khoảng 30 phút đến khi tắc có màu vàng, nước đường trong và keo lại là được. 

2.2 Chưng cách thủy

Nguyên liệu

  • Trái tắc tươi: 0.5kg
  • Đường phèn (dạng bột hoặc viên): 200g

Cách làm 

  • Ngâm rửa trái tắc trong nước muối pha loãng khoảng 30 phút. 
  • Bỏ phần cuống trái tắc, tiến hành cắt trái tắc thành các lát mỏng rồi ướp với đường phèn trong 1 tiếng. 
  • Đặt chén (bát) sứ có hỗn hợp tắc đường phèn trong nồi nước để hấp cách thủy (lượng nước chỉ cần ngập chén tắc đường phèn là được). 
  • Đun lửa nhỏ đến khi tắc có màu vàng, nước đường keo lại. 

3. Tắc chưng đường phèn để được bao lâu?

Sau khi hoàn thành tắc chưng đường phèn, nên để nguội rồi cất trong lọ thủy tinh và trữ trong ngăn mát tủ lạnh. Để đảm bảo công dụng của tắc chưng đường phèn phát huy hiệu quả, tốt nhất bạn chỉ nên sử dụng trong thời gian 3 tháng. 

dat-tui-bai-thuoc-tac-chung-duong-phen-danh-bat-con-ho-voh-1
Cất tắc chưng đường phèn trong lọ thủy tinh và bảo quản trong tủ lạnh (Nguồn: Internet) 

Một số lời khuyên sau đây bạn có thể tham khảo khi dùng tắc chưng đường phèn trị ho: 

  • Mỗi ngày dùng từ 3-4 lần, kiên trì trong khoảng 3-4 ngày. 
  • Nên pha tắc chưng đường phèn với một chút nước ấm. 
  • Không nên cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi sử dụng vì có thể gây tiêu chảy, nôn ói. 

Có lọ tắc chưng đường phèn trong nhà, những tiếng ho “khụ khụ” sẽ bớt làm phiền bạn đấy. Bắt tay vào làm để thêm ngay vào “tủ thuốc” của gia đình nhé.
 

Bình luận