Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

8 tác dụng của lá dâu tằm với sức khỏe mà bạn cần biết

(VOH) – Trong chương trình Phòng mạch FM, PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) đã có buổi chia sẻ đến mọi người về những tác dụng của lá dâu tằm đối với sức khỏe.

Cây dâu tằm vốn là loại cây thân thuộc với người dân Việt Nam. Từ lâu, người ta không chỉ sử dụng quả dâu tằm để làm thực phẩm mà còn tận dụng các bộ phận khác như một vị thuốc chữa bệnh, đặc biệt là lá dâu tằm. 

1. Đặc điểm của lá dâu tằm

Lá dâu tằm có hình dáng tương đối dễ nhận biết, hình tim và chóp nhọn, mép lá có răng cưa rất đặc trưng. Trong Đông y, lá dâu tằm còn được gọi là tang diệp, tính hàn và có vị ngọt, hậu hơi đắng một chút.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bay cũng cho biết loại lá này chứa rất nhiều tinh dầu cùng các dưỡng chất thiết yếu như polyphenol, vitamin C, kẽm, magie hay phốt pho. 

la-dau-tam-5-loi-ich-suc-khoe-duoc-bs-dh-y-duoc-chia-se-voh-0
Lá dâu tằm có hình tim, chóp nhọn và mép lá có răng cưa rất dễ nhận biết (Nguồn: Internet) 

2. Tác dụng của lá dâu tằm

Dưới đây là những lợi ích mà lá dâu tằm đem lại cho sức khỏe được bác sĩ Nguyễn Thị Bay chia sẻ: 

2.1 Hỗ trợ điều trị bệnh đường hô hấp

Khi đang điều trị một số bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như viêm phế quản, viêm họng hay ngạt mũi, bạn có thể kết hợp đun lá dâu tằm phơi khô với hạnh nhân. Ngoài ra, nếu viêm nhiễm kéo dài, có thể dùng kèm với “kháng sinh” thực vật như kim ngân hoa, hoàng cầm hay liên kiều. 

Xem thêm: Viêm phếquản phổi: căn bệnh đe dọa đến tính mạng, chớ xem thường!

2.2 Giảm chóng mặt 

Chóng mặt có thể là triệu chứng của khá nhiều bệnh lý, song nếu xuất hiện thường xuyên kèm theo các bệnh mãn tính như đau dạ dày thì bài thuốc lá dâu tằm cùng sài hồ và bạch thược sẽ hỗ trợ bạn cải thiện hiệu quả tình trạng này. 

2.3 Cải thiện chứng mất ngủ 

Trằn trọc vào ban đêm hay mất ngủ kéo dài ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sức khỏe của bạn. Theo đó, để khắc phục tốt vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Bay khuyến khích bạn sử dụng bài thuốc kết hợp lá dâu tằm cùng lá lạc tiên. 

Xem thêm: Mất ngủ và những điều nên biết trước khi sức khỏe ‘xuống cấp’

2.4 Trị mồ hôi trộm

Đổ mồ hôi trộm xảy ra chủ yếu ở trẻ em, đây là hiện tượng ra mồ hôi nhiều vào ban đêm, tuy không quá nguy hiểm nhưng cũng khiến các bé cảm thấy ngứa ngáy và dễ quấy khóc. Chính vì vậy mẹ hãy chịu khó nấu nước lá dâu tằm lẫn lá đinh lăng để tắm và vệ sinh cơ thể cho bé. 

la-dau-tam-5-loi-ich-suc-khoe-duoc-bs-dh-y-duoc-chia-se-voh-1
Nước lá dâu tằm kết hợp với lá đinh lăng được xem là một bài thuốc trị mồ hôi trộm ở trẻ cực kì hữu hiệu (Nguồn: Internet) 

2.5 Kiểm soát đường huyết trong máu

Cũng giống như quả dâu tằm, lá dâu tằm cung cấp enzym 1-deoxynojirimycin (DNJ), nhằm kiểm soát sự hấp thụ carbs trong ruột của bạn. Bên cạnh đó, dưỡng chất này góp phần quan trọng duy trì hàm lượng đường glucose trong máu ở mức ổn định, từ đó ngăn ngừa nguy cơ mắc tiểu đường. 

Xem thêm: Tuân thủ 7 thói quen này đảm bảo bệnh tiểu đường sẽ không ‘đi ngang qua’ đời bạn dù chỉ 1 lần

2.6 Giảm viêm

Trong lá dâu tằm có chứa nhiều các hợp chất chống viêm như chất chống oxy hóa flavonoid. Ngoài ra một số nghiên cứu còn cho thấy lá dâu tằm có tác dụng giảm stress oxy hóa và chống lại viêm, đây là các dấu hiệu liên quan đến các bệnh mãn tính.

Bổ sung lá dâu tằm còn giúp làm giảm các dấu hiệu của viêm như protein phản ứng C và các dấu hiệu căng thẳng oxy hóa như superoxide dismutase. ( 2 )

Một nghiên cứu trong ống nghiệm trên các tế bào bạch cầu của con người cho thấy chiết xuất trong lá và trà lá dâu tằm không chỉ làm giảm các protein gây viêm mà còn có khả năng làm giảm đáng kể các tổn thương DNA do stress oxy hóa gây ra.

2.7 Tăng cường sức khỏe tim mạch

Chiết xuất trong lá dâu tằm có thể giúp giảm mức cholesterol trong máu, giảm viêm, giảm huyết áp và ngăn ngừa xơ vữa động mạch - sự tích tụ các mảng bám trên thành động mạch có thể dẫn đến bệnh tim. Nhờ đó giúp tim mạch được khỏe mạnh và ngăn ngừa các bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu đã cho 23 người bị cholesterol cao dùng lá dâu tằm 3 lần/ngày. Sau khoảng 12 tuần sử dụng thì lượng cholesterol xấu ( LDL ) đã giảm đáng kể xuống 5,6% và lượng cholesterol tốt ( HDL ) đã tăng lên 19,7 % ( 3 )

2.8 Các lợi ích sức khỏe tiềm năng khác

Mặc dù những tác dụng của lá dâu tằm chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu nhưng khi sử dụng cũng mang lại một số lợi ích nhất cho sức khỏe như:

  • Giúp giảm cân: sử dụng lá dâu tằm có thể làm tăng quá trình đốt cháy chất béo trong cơ thể và thúc đẩy giảm cân hiệu quả.
  • Có khả năng chống ung thư: một số nghiên cứu cho thấy lá dâu tằm có thể chống lại các tế bào gây ung thư cổ tử cung và gan ở người.
  • Tăng cường sức khỏe gan: chiết xuất trong lá dâu tằm có thể bảo vệ gan khỏi bị hư hai, từ đó giảm các bệnh về gan và viêm gan.
  • Cải thiện sắc tố da: nhờ chiết xuất trong lá dâu tằm có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tăng sắc tố da và làm sáng màu da một cách tự nhiên.

3. Món ăn chữa bệnh từ lá dâu tằm 

Cùng với phương pháp đun nước lá dâu tắm để uống hoặc tắm, bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết, còn có món chân gà hầm lá dâu non rất dễ làm, lại vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng. 

3.1 Nguyên liệu

  • Lá dâu non: 200g 
  • Chân gà: 4 chiếc 

3.2 Cách làm

  • Chân gà và lá dâu ngâm rửa sạch với nước muối loãng. 
  • Cho chân gà vào hầm trước, đến khi mềm thì cho lá dâu vào, nêm nếm gia vị vừa ăn, nấu thêm khoảng 5 phút nữa thì tắt bếp. 

Lưu ý: Trường hợp bị nhịp tim nhanh, hồi hộp, khó ngủ thì có thể hầm thêm khoảng 50g hạt sen để đạt hiệu quả hơn.

4. Tác dụng phụ của lá dâu tằm

Mặc dù những tác dụng của lá dâu tằm tốt cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng sai cách hoặc lạm dụng nó quá nhiều thì cũng gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Theo nghiên cứu chứng minh thì phần lớn đa số nhiều người sử dụng lá dâu tằm đều an toàn ( 1 ) nhưng sẽ có một số người sẽ bị tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, chướng bụng, táo bón và tiêu chảy khi dùng các chất bổ sung.

Ngoài ra những người đang sử dụng thuốc trị tiểu đường cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng lá dâu tằm vì nó có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

Hơn nữa trẻ em và phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú thì không nên dùng lá dâu tằm. Không nên lạm dụng sử dụng lá dâu tằm nhiều quá mức và những người đang sử dụng thuốc điều trị bệnh cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Vậy là lá dâu tằm đâu chỉ được dùng để “vỗ béo” những chú tằm nhả tơ mà còn hỗ trợ phòng ngừa và điều trị khá nhiều bệnh lý nên hãy tận dụng loại lá này thật khoa học, hiệu quả nhé. 

Bình luận