Chờ...

Tác dụng của lá giang - vị thuốc mọc hoang dại nơi sông rạch

(VOH) - Dân gian thường dùng lá giang để nấu canh chua, thịt gà, thịt bò hay cá nước ngọt. Ngoài ra lá giang còn là một loại thảo dược có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh.

1. Lá giang là lá gì ?

Lá giang (tên khoa học: Ecdysanthea rosea Hook. et Arn.) hay còn gọi dây dang, giang chua, dây cao su hồng. Đây là một loài cây thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae), có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Á và được sử dụng trong y học và làm thực phẩm. Lá giang có màu xanh lục hình trứng mọc đối dài 5 - 8cm, rộng 3 - 5cm, khi ngắt lá có tiết ra nhựa màu sữa đục, có vị chua dịu. .

tac-dung-cua-la-giang-vi-thuoc-moc-hoang-dai-noi-song-rach-ven-rung-suoi-voh-1
Tác dụng của lá giang giúp điều trị bệnh rất hiệu quả (Nguồn:Internet)

Trong lá giang có chứa khoảng 12 nguyên tố (Na, Ca, Mn, Sr, Fe, Al, Cu...), saponin, flavonoid, sterol, curamin, chất béo, tanin và acid hữu cơ. Về mặt sinh học, cao lỏng lá giang được chiết xuất không độc tính, có tác dụng ức chế một số chủng vi khuẩn, tiêu viêm cấp tính cả khi uống và tiêm. 

2. Lá giang có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Không chỉ chứa nhiều chất dinh dưỡng, mà lá giang còn được nhiều người biết đến là có tác dụng chữa bệnh. Vì trong lá giang có chứa một lượng nhỏ chất axit tạo nên vị chua và saponin nên lá giang có tác dụng như

  • Thanh nhiệt, giải độc
  • Sát khuẩn
  • Tiêu viêm
  • Lợi tiểu.

Ngoài ra chiết xuất trong lá giang còn có khả năng ức chế sự phát triển của 9 loại vi khuẩn và tiêu viêm cấp tính. Có một số người ở vùng núi cao còn dùng lá giang giã chung với lá khoai lang để vắt lấy nước trị chứng ngộ độc củ khoai mì.

3. Một số bài thuốc có lá giang

3.1 Lá giang có tác dụng chữa bệnh viêm đường tiết niệu 

Trong đông y, lá giang được dùng để làm thuốc chữa bệnh viêm đường tiết niệu với công thức dùng 20-50g lá giang (hoặc dùng thân) để sắc nước uống trong vòng nhiều ngày liên tục để phát huy hiệu quả tối đa. 

3.2 Vị thuốc chữa trướng bụng, đầy hơi

Đối với chứng đầy bụng, khó tiêu thì bạn chỉ cần chuẩn bị 30-50g lá giang, đem sắc uống trong vòng 5 ngày là sẽ điều trị được chứng bệnh này.

3.3 Tác dụng của lá giang chữa đau nhức xương khớp, đau dạ dày 

Để điều trị bệnh, bạn cần chuẩn bị 20-40g lá giang (hoặc bạn có thể dùng rễ lá giang), sau đó bạn đem sắc uống. Bài thuốc này có thể kết hợp với một số vị thuốc khác để phát huy công dụng hiệu quả.

3.4 Chữa mụn nhọt, lở ngứa ngoài da, vết thương từ lá giang

Bạn có thể dùng lá giang giã nát đắp lên các vết thương hở ngoài da để phần mô này mau lành hơn. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bạn phải đảm bảo lá giang được rửa thật sạch để tránh bị nhiễm trùng vết thương. Ngoài ra, tác dụng của lá giang trong đông y còn giúp kháng khuẩn, kháng viêm rất tốt. Vì vậy, bạn có thể sử dụng lá giang để chữa mụn nhọt hay lở ngứa đều được.

4. Món ăn bài thuốc từ lá giang

4.1 Cá chuồn nấu lá giang

Đây là món ăn có công dụng bổ hư tổn, khu phong trừ thấp, cường kiện cân cốt; phòng chữa viêm đường tiết niệu với các triệu chứng đái dắt, đái buốt. Bạn chuẩn bị 3-5 con cá chuồn và 100g lá giang. Tiếp theo, bạn đem cá chuồn bỏ vảy, chặt vây, cắt làm 2-3 khúc vừa ăn; lá giang rửa sạch, vò giập. Sau đó, bạn đun sôi một nồi nước, cho cá vào, tiếp đến cho lá giang và nêm nếm gia vị vừa ăn.

Ngoài ra, bạn có thể thêm nắm gạo làm tăng phần đậm đặc của nồi canh. Nếu muốn ăn cay, bạn cho thêm ớt đập giập sau khi tắt bếp.

tac-dung-cua-la-giang-vi-thuoc-moc-hoang-dai-noi-song-rach-ven-rung-suoi-voh-2
Nấu lá giang với cá chuồn có tác dụng chữa trị bệnh dân gian (Nguồn:Internet)

4.2 Lươn hấp lá giang

Tác dụng của lá giang giúp bổ thận, bổ tỳ, điều hòa khí huyết khi kết hợp chế biến món ăn từ lươn. Bạn lấy 300g lươn và 200g lá giang. Tiếp theo, bạn đem lươn đi làm sạch, rồi ướp bột canh và ít mỡ trong 10 phút. Sau đó, bạn đem lá giang đi rửa sạch và vò nát. Kế đó bạn lấy một nửa rải một lớp mỏng phía dưới, lớp thứ hai là lươn, lớp trên cùng là số lá còn lại, rồi đem hấp chín. Khi ăn chấm với nước mắm gừng tỏi, sẽ rất tốt cho sức khỏe.

4.3 Canh gà lá giang

Kết hợp lá giang với gà để nấu canh, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, phù hợp với người viêm bàng quang, lao thương khí huyết, phong hàn thấp tý; sản hậu băng huyết, huyết trắng, hội chứng lỵ xuất huyết, trĩ xuất huyết, suy nhược cơ thể.

Bạn sử dụng 500g gà, 100g lá giang và gia vị vừa đủ. Tiếp theo, bạn đem gà rửa sạch, để ráo rồi chặt miếng vừa ăn; lá giang cũng rửa sạch. Sau đó, bạn đun sôi 1 lít nước với thịt gà, khi sôi bạn nhớ vớt bọt, thêm mắm và gia vị. Cuối cùng, khi thịt gà chín mềm, bạn cho lá giang đã vò nát vào, rồi đun sôi cho đến khi chín là được. Trước khi tắt bếp, bạn cho thêm ít rau thơm vào.

Ngoài những món ăn trên thì lá giang còn có thể chế biến thành các món ăn hấp dẫn khác như:

  • Bò nấu lá giang
  • Lẩu gà lá giang
  • Ếch xào lá giang
  • Cá lóc nấu lá giang
  • Thịt trâu nấu lá giang

5. Những lưu ý khi sử dụng lá giang

  • Chúng ta đều biết, lá giang có vai trò quan trọng trong ẩm thực và điều trị bệnh. Mặc dù vậy, vì lá giang có vị chua, chứa axit tartric, nên không phù hợp cho người đang bị đợt đau khớp do gút cấp.
  • Nếu người bị sỏi thận uống dài ngày bài thuốc từ lá giang, thận sẽ bị lắng đọng axit, làm sỏi lớn thêm.
  • Không nên nấu canh lá giang ở nồi nhôm, nồi kim loại. Nếu vẫn sử dụng, bạn phải múc ra dùng ngay khi canh chín, tránh các chất chua trong lá giang có thể ăn mòn nhôm gây ngộ độc.

Có thể thấy, lá giang là cây thuốc dân gian phòng trị nhiều bệnh. Ngoài ra, lá giang là loại rau đặc sản của các tỉnh miền Trung và miền Nam, thường được dùng để nấu canh hoặc xào với thịt gà, cá nước ngọt, thịt bò....